Mậu dịch biên giới sau 5 năm gia nhập WTO
LSO- Tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập WTO tròn 5 năm (11/1/2007-11/1/2012), trong khi đó Trung Quốc đã là thành viên của WTO được hơn 10 năm (10/12/2001). Tham gia cùng một sân chơi lớn là Tổ chức Thương mại thế giới nhưng mậu dịch biên giới, mua bán tiểu ngạch, trao đổi hàng hóa cư dân vẫn là một hình thức giao thương chiếm ưu thế tại các cửa khẩu 2 nước. Mậu dịch biên giới đem lại nhiều thuận tiện cho hoạt động xuất, nhập khẩu, nhưng đây là hình thức thương mại không chịu sự điều chỉnh của WTO và kể cả những quy định trong Hiệp định Tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) nên cũng ẩn chứa nhiều rủi ro…Các xe hàng tập kết chờ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: NGUYỄN THỊNHCách đây vừa tròn 5 năm, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một nấc thang mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, khẳng định sự hội nhập đầy...
LSO- Tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập WTO tròn 5 năm (11/1/2007-11/1/2012), trong khi đó Trung Quốc đã là thành viên của WTO được hơn 10 năm (10/12/2001). Tham gia cùng một sân chơi lớn là Tổ chức Thương mại thế giới nhưng mậu dịch biên giới, mua bán tiểu ngạch, trao đổi hàng hóa cư dân vẫn là một hình thức giao thương chiếm ưu thế tại các cửa khẩu 2 nước. Mậu dịch biên giới đem lại nhiều thuận tiện cho hoạt động xuất, nhập khẩu, nhưng đây là hình thức thương mại không chịu sự điều chỉnh của WTO và kể cả những quy định trong Hiệp định Tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) nên cũng ẩn chứa nhiều rủi ro…
Các xe hàng tập kết chờ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: NGUYỄN THỊNH
Cách đây vừa tròn 5 năm, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một nấc thang mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, khẳng định sự hội nhập đầy đủ của Việt Nam vào hệ thống thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã gia nhập WTO từ 2001, hiện nước này đang trong quá trình triển khai toàn diện thực hiện cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đang trong giai đoạn kết thúc nửa đầu của lộ trình thực hiện các cam kết. Bên cạnh các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết, lộ trình của 2 nước với thời gian chênh nhau khoảng 5 năm đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho cả 2 bên, đặc biệt là trong quan hệ thương mại biên giới. Sau 10 năm gia nhập WTO, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, quá trình đó cũng đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tham gia cùng một sân chơi lớn là WTO, các hàng rào thuế quan được từng bước cắt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; việc cam kết đảm bảo tính công khai, minh bạch, phù hợp với chuẩn mực quốc tế trong quan hệ thương mại giúp Việt Nam và Trung Quốc trở nên bình đẳng hơn trong giao thương. Bên cạnh đó, hạ tầng và cơ sở dịch vụ vùng biên giới Việt – Trung ngày càng được đầu tư phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế – thương mại, văn hoá – xã hội qua biên giới Việt – Trung. Đặc biệt, một số khu kinh tế cửa khẩu được thành lập đã và đang trở thành trung tâm kinh tế – thương mại sôi động trên tuyến biên giới 2 nước, các mô hình hợp tác đặc thù với nhiều ưu đãi được hình thành như tuyến hành lang kinh tế, khu hợp tác kinh tế…đã đánh dấu những bước phát triển mới trong quá trình hợp tác song phương. Trong 5 năm kể từ năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước qua địa bàn Lạng Sơn đã đạt con số trên 10 tỉ USD. Trong đó, đáng chú ý là việc kim ngạch xuất nhập khẩu qua những cửa khẩu chính ngạch như cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng… đã tăng lên đáng kể và chiếm tỉ trọng lớn. Đây là một minh chứng rất rõ ràng về những thuận lợi trong thương mại quốc tế sau WTO, đặc biệt là việc cắt giảm các hàng rào thuế quan theo cam kết của 2 nước.
Khách du lịch qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: ĐÔNG BẮC
Hiện nay, WTO vẫn coi mậu dịch biên giới như một cơ chế thương mại đặc biệt, một ngoại lệ không bị ràng buộc bởi các quy định của tổ chức này. Do đó, việc tăng cường hợp tác song phương để cùng tạo điều kiện thuận lợi cho mậu dịch biên giới là rất cần thiết. Mậu dịch biên giới không phải là một rào cản của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng nó đặt doanh nghiệp trước sự lựa chọn: tham gia hay không tham gia, chính ngạch hay tiểu ngạch, thuận tiện trước mắt hay lợi ích lâu dài? Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không nên chỉ chăm chăm theo đuổi hình thức này, bởi bên cạnh những thuận tiện, mậu dịch biên giới vẫn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro khó lường. Việc chủ động nắm bắt những cơ hội từ WTO, để từng bước quốc tế hóa hoạt động thương mại cũng là việc các doanh nghiệp đang tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, không đứng ngoài xu hướng phát triển chung.
Trúc Lam
Ý kiến ()