Mặt trận Việt Minh với cách mạng Việt Nam
Hòa trong không khí phấn khởi và khẩn trương chuẩn bị cho ngày 22-5 - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016, những ngày này, nhân dân cả nước ta kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941 - 19-5-2011) và 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2011).Đầu năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, Người thay mặt cho Quốc tế cộng sản triệu tập Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ tám (khóa I) họp từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 tại Pác Bó (Cao Bằng) xem xét lại toàn bộ chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương và đề ra những chủ trương, quyết sách mang tính lịch sử.Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Khẩu...
Đầu năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, Người thay mặt cho Quốc tế cộng sản triệu tập Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ tám (khóa I) họp từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 tại Pác Bó (Cao Bằng) xem xét lại toàn bộ chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương và đề ra những chủ trương, quyết sách mang tính lịch sử.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là: Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập.
Ngày 25-10-1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nêu rõ: Muốn cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, Việt Minh phải liên hiệp hết thẩy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp, tất cả đoàn kết lại để đánh đuổi Pháp – Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở, đồng thời phải hết sức giúp đỡ Ai Lao và Cao Miên để cùng thành lập Đông Dương độc lập đồng minh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận trình bày rõ đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Nhờ có chính sách đúng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân mà tổ chức và phong trào Việt Minh phát triển nhanh chóng và lan rộng ra khắp nước.
Tháng 12-1944, thay mặt Tổng bộ Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra Chỉ thị thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 9-3-1945, Nhật hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương. Nhân sự kiện này, Ban Thường vụ T.Ư Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị 'Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta'. Thực hiện Chỉ thị đó, cao trào cách mạng xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm sáu tỉnh được thành lập. Lợi dụng thời cơ phát-xít Đức đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào đứng lên dưới ngọn cờ của Việt Minh, hãy 'đem sức ta mà tự giải phóng cho ta'. Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân tại Tân Trào trong hai ngày 16 và 17-8-1945, Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương kiến nghị, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và mười chính sách lớn của Việt Minh, quyết định quốc kỳ, quốc ca. Đại hội đã cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, một hình thức của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, do lãnh tụ Hồ Chí Minh – tức Nguyễn Ái Quốc làm Chủ tịch.
Chỉ trong vòng hai tuần, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trên phạm vi cả nước.
Mặt trận Việt Minh được thành lập theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và các tổ chức cứu quốc đoàn kết, động viên toàn dân vùng lên giành chính quyền, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chuyển sang thời kỳ phát triển mới của cách mạng, chính quyền nhân dân được thành lập từ trung ương đến địa phương trong cả nước. Mặt trận Việt Minh không còn làm chức năng chính quyền như trước. Hoạt động của Việt Minh lúc này là nhằm củng cố và phát triển tổ chức của Mặt trận, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và động viên nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mặt trận Việt Minh ra đời và giành được chính quyền trước hết là kết quả của sự định hướng đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương về chỉ đạo chiến lược giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong; giữa dân tộc và giai cấp. Đây cũng là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Chủ nghĩa Mác – Lê-nin với chủ nghĩa yêu nước. Việt Minh còn là sản phẩm của sự đúc kết, kế thừa mô hình các hình thức tổ chức Mặt trận trước đó, nhưng có sự phát triển về chất trong việc vận dụng chiến lược và sách lược liên minh nhằm tập hợp tối đa các lực lượng tổ chức và cá nhân có thể tập hợp được. Sức hấp dẫn kỳ lạ của Việt Minh chính là ở chỗ đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người Việt Nam ai cũng thấy rõ vị trí, quyền lợi, trách nhiệm của mình trong tổ chức đó. Vì vậy, nhân dân tin tưởng, làm theo và sẵn sàng hy sinh, bảo vệ Việt Minh.
Việt Minh có được những thành tích vẻ vang đó trước hết là do đường lối cách mạng nói chung và chủ trương, chính sách Mặt trận nói riêng của Đảng đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân, trong đó nổi bật là tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc – linh hồn của những chủ trương, đường lối đó. Uy tín to lớn và sự chỉ đạo trực tiếp của Người đã tạo cho nhân dân niềm tin vào Mặt trận Việt Minh.
Thành công và uy tín của Việt Minh cũng đồng nghĩa với thành công và uy tín của Đảng – một Đảng đã thật sự hóa thân vào Mặt trận, sống cùng dân để lãnh đạo dân làm cách mạng; vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, vừa tôn trọng tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, khuyến khích và tạo điều kiện để Mặt trận hoạt động có hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()