Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền
– Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Quyết định 218), MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218 của Bộ Chính trị có 5 chương, 21 điều. Trong đó, nêu các nguyên tắc góp ý như: bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, trung thực, có tính xây dựng; phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước; không được lợi dụng việc góp ý để vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hoạt động của tổ chức, cá nhân… Thời gian qua, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia thực hiện tốt quy định này, đem lại hiệu quả tích cực.
Hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy chế đặt tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức
Góp ý trọng tâm, đi vào thực chất
Đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Sau khi Quyết định 218 của Bộ Chính trị được ban hành, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức học tập, quán triệt đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đồng thời, chủ động nắm tình hình, tổng hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân về các vấn đề xã hội, từ đó, đa dạng hình thức góp ý, lựa chọn những nội dung góp ý trọng tâm, hiệu quả, đi vào thực chất, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Theo đó, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp thực hiện việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền thông qua nhiều hình thức như: các hội nghị, cuộc họp, tọa đàm, công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại… Từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức góp ý về xây dựng Đảng được trên 3.500 ý kiến góp ý định kỳ, 1.959 ý kiến góp ý thường xuyên và 425 ý kiến đột xuất; tổ chức góp ý vào dự thảo các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Cùng đó, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với 85 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, có quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân như: quy định mức thu học phí; đơn giá xây dựng mới nhà, công trình và vật kiến trúc; quy định chính sách hỗ trợ Nhân dân tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới…
Việc triển khai lấy ý kiến góp ý được tổ chức bằng nhiều hình thức như: thông qua hội nghị, hội thảo chuyên đề, lấy ý kiến bằng văn bản từ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân; hoạt động tiếp xúc xử tri, đối thoại… Qua đó, góp phần hoàn thiện dự thảo các văn kiện, văn bản, chương trình, kế hoạch của cấp uỷ, chính quyền, để khi ban hành dễ thực hiện, đúng quy định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
Đơn cử, tại hội thảo phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ Nhân dân tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức hồi tháng 2/2023, nhiều đại biểu đã góp ý cần điều chỉnh tăng mức kinh phí hỗ trợ Nhân dân và bổ sung một số nội dung để dự thảo hoàn chỉnh hơn như: chế độ khen thưởng, việc hỗ trợ người dân bị thương tích, gặp tai nạn, rủi ro khi tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn… Các ý kiến đã được lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giải trình làm rõ và tiếp thu để bổ sung hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết.
Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 218, các cấp hội đã chủ động tham mưu, đề xuất nội dung, hình thức tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo tinh thần Quyết định 218 phù hợp với thực tiễn. Trong 10 năm qua, các cấp hội đã góp ý được trên 1.000 văn bản của cấp ủy các cấp; chủ trì và phối hợp tổ chức được trên 500 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân. Qua đó, đã góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Tiếp nhận, giải quyết kịp thời ý kiến đóng góp
Qua thực hiện Quyết định 218, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đã đóng góp thiết thực vào xây dựng Đảng, chính quyền, trở thành “cầu nối” ý Đảng, lòng dân đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền cung cấp đầy đủ thông tin, văn bản về các chủ trương, chính sách, các dự thảo chỉ thị, nghị quyết, quyết định để MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý. Đồng thời, cấp uỷ, chính quyền phối hợp tổ chức các hội nghị, diễn đàn để Nhân dân góp ý vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, góp ý xây dựng các lực lượng…
Chẳng hạn, tại diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” do Đảng uỷ, UBND xã Đồng Ý phối hợp với Công an huyện Bắc Sơn tổ chức hồi tháng 5/2022, ban tổ chức đã nhận được 11 ý kiến phản ảnh, góp ý. Thượng tá Vũ Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Bắc Sơn cho biết: Các ý kiến nêu ra đều rất thẳng thắn, bên cạnh đánh giá tốt tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân của lực lượng công an huyện, công an xã, bà con cũng đã phản ánh các vấn đề như: một số người dân dùng xung điện đánh, bắt cá; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán gây mất an toàn giao thông… Qua đó giúp lực lượng công an huyện, cũng như cấp uỷ, chính quyền cơ sở nắm bắt và phối hợp đề ra biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Trong 10 năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã tiếp thu 4.525/5.749 tổng số ý kiến về góp ý xây dựng Đảng và 4.703/5.556 tổng số ý kiến góp ý xây dựng chính quyền, theo đúng thẩm quyền. Qua đó đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu phối hợp xử lý, tiếp thu ý kiến theo đúng chức năng nhiệm vụ và hằng năm báo cáo kết quả với cấp ủy, chính quyền, đồng thời gửi MTTQ, các đoàn thể cùng cấp theo dõi, giám sát.
Ông Lương Văn Vị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Lãng cho biết: Hằng năm, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội huyện đều xây dựng kế hoạch tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 218 của Bộ Chính trị. Trong đó, chủ động lựa chọn góp ý vào các dự thảo nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật của huyện, cũng như góp ý vào dự thảo các văn bản cấp trên. Qua đó, giúp cơ quan tham mưu soạn thảo và cấp có thẩm quyền tiếp thu, điều chỉnh kịp thời trước khi ban hành, đảm bảo tính chặt chẽ, đúng quy định, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Mặt khác, từ năm 2014 đến nay, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được trên 1.400 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với các tổ chức công đoàn, đoàn thể, hội viên, đoàn viên và Nhân dân. Qua đối thoại, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp đã kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, những quy định không còn phù hợp, những việc làm trái quy định của cán bộ, công chức để xử lý, điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở. Nhờ vậy, đã góp phần giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ông Nông Ngọc Dung, Bí thư, Trưởng khu Thống Nhất 2, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Được tham gia hội nghị đối thoại trực tiếp với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện vào năm 2022, tôi đã đại diện cho khu dân cư nêu lên các vấn đề của người dân quan tâm như: về khắc phục hệ thống thoát nước, ô nhiễm môi trường… Các ý kiến đều được trả lời thỏa đáng, các vấn đề đã được giải quyết triệt để sau đối thoại, người dân rất đồng tình.
Có thể khẳng định, qua 10 năm thực hiện Quyết định 218, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn đã thật sự phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương. Qua đó, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
ĐINH HƯƠNG - DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()