Trận lũ lịch sử, chưa từng thấy trong 50 năm qua ở vùng đồng bằng miền trung Thái-lan khiến một phần ba số tỉnh, hai phần ba diện tích đất nước bị lũ tàn phá. Không mất số tiền lớn so với công nghiệp, tài sản và ngành dịch vụ, nhưng lụt làm thiệt hại nặng khu vực nông nghiệp, vùng nông thôn và với người nông dân nước này.Nước lụt đã tàn phá vùng châu thổ sông Chao Phray-a, khu vực kinh tế trọng điểm công, nông nghiệp của Thái-lan. Trong số hơn 9 triệu người bị ảnh hưởng và khoảng 600 người chết vì lũ lụt, phần lớn là nông dân. Ước tính, khoảng 15 triệu rai diện tích trồng trọt (tương đương 2,4 triệu ha và gần 18% đất đai canh tác cả nước) bị nước lũ tàn phá. Trong đó khoảng 80% là diện tích trồng lúa. Hơn 5 triệu rai các loại cây trồng ở 55 tỉnh bị nước lũ tàn phá, gồm hơn 100 nghìn rai cây ăn quả, 4.000 rai sắn, 3.200 rai cao-su, 7.408 trang trại nuôi cá và 33.585 trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc. Vụ lúa chính năm...
Trận lũ lịch sử, chưa từng thấy trong 50 năm qua ở vùng đồng bằng miền trung Thái-lan khiến một phần ba số tỉnh, hai phần ba diện tích đất nước bị lũ tàn phá. Không mất số tiền lớn so với công nghiệp, tài sản và ngành dịch vụ, nhưng lụt làm thiệt hại nặng khu vực nông nghiệp, vùng nông thôn và với người nông dân nước này.
Nước lụt đã tàn phá vùng châu thổ sông Chao Phray-a, khu vực kinh tế trọng điểm công, nông nghiệp của Thái-lan. Trong số hơn 9 triệu người bị ảnh hưởng và khoảng 600 người chết vì lũ lụt, phần lớn là nông dân. Ước tính, khoảng 15 triệu rai diện tích trồng trọt (tương đương 2,4 triệu ha và gần 18% đất đai canh tác cả nước) bị nước lũ tàn phá. Trong đó khoảng 80% là diện tích trồng lúa.
Hơn 5 triệu rai các loại cây trồng ở 55 tỉnh bị nước lũ tàn phá, gồm hơn 100 nghìn rai cây ăn quả, 4.000 rai sắn, 3.200 rai cao-su, 7.408 trang trại nuôi cá và 33.585 trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc. Vụ lúa chính năm nay (thu hoạch vào tháng 10, 11) thất thu từ 6 đến 7 triệu tấn, chỉ đạt khoảng 19 triệu tấn (so với dự báo trước lũ là hơn 25 triệu tấn).
Thái-lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu (khoảng 10 triệu tấn năm 2011, chiếm gần 30 % thị phần gạo thế giới), thất thu vụ mùa sẽ sụt giảm lượng gạo thương mại trong nước và xuất khẩu của nước trong năm 2012. Giá gạo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của Thái-lan đang tăng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) dự báo, lượng gạo thương phẩm trên thị trường thế giới năm tới, có thể giảm xuống còn 33,8 triệu tấn, từ mức 34,3 triệu tấn trong năm nay (tăng 1 triệu tấn, khoảng 9% so với năm 2010). Một số nước châu Á và châu Phi tăng nhập khẩu gạo như Băng-la-đét, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, I-ran, Cốt Đi-voa, Ma-đa-ga-xca, Ma-li, Ni-giê-ri-a và Xê-nê-gan.
Hiện tượng thời tiết bất thường La Ni-na, các cơn bão nhiệt đới liên tiếp xảy ra trong quý III năm nay, gây lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nước châu Á (vùng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chính của thế giới), đặc biệt nặng nề tại các nước ASEAN, như Việt Nam, Thái-lan, Phi-li-pin, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, làm vụ thu hoạch chính cuối năm sụt giảm sản lượng. Khu vực này dự kiến thu 651 triệu tấn lúa (khoảng 435 triệu tấn gạo). Tuy nhiên, sản lượng lúa toàn cầu năm 2011 dự kiến tăng khoảng 2,4 triệu tấn (tăng 3% so với năm ngoái), đạt 721 triệu tấn lúa (481 triệu tấn gạo), do vụ mùa bội thu ở Việt Nam, Băng-la-đét, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ đủ bù đắp sụt giảm ở các nước Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Ma-đa-ga-xca, Mi-an-ma, Pa-ki-xtan, Phi-li-pin. Năm 2010, sản lượng thế giới đạt 700,7 triệu tấn lúa (467,3 triệu tấn gạo), tăng 3% so với năm 2009.
Lo ngại giá gạo tăng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nhiều nước tăng lượng gạo dự trữ trong kho. Năm 2010, lượng gạo dự trữ trên thế giới đạt 137,2 triệu tấn (chiếm 29,1% tổng sản lượng) và năm nay tăng lên khoảng 29,7 %. Trong đó Ấn Độ tăng lượng gạo dự trữ lên 25 triệu tấn so mức 10 triệu tấn hằng năm. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, ASEAN 3 đã thành lập Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp. Các thành viên ASEAN 3 gồm 10 nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng góp lượng gạo khoảng 780 nghìn tấn. Riêng Việt Nam sẽ dành lượng gạo tương đương với khoản tiền 107 nghìn USD. Lượng gạo này sẽ được trữ trong hệ thống kho của mỗi nước và được sử dụng trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên tai, dịch bệnh tại các nước.
Giá gạo trong hầu hết các phân khúc thị trường thế giới đều tăng, do ảnh hưởng bởi nguồn cung và chính sách giá sàn mua lúa tại Thái-lan, đưa giá gạo tăng trung bình là 13% so với năm 2010.
Thái-lan đặt giá sàn mua lúa tối thiểu 15 nghìn bạt/tấn lúa tẻ và 20 nghìn bạt/tấn lúa thơm nhằm đưa lợi nhuận trực tiếp đến tay người trồng lúa, cùng chính sách tăng dự trữ, hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể làm biến động nguồn cung so với cầu và đẩy giá gạo tăng theo. Một số chuyên gia lúa gạo dự báo, giá gạo sẽ tăng thêm ít nhất 10% vào năm tới, do giá gạo xuất khẩu của Thái-lan tăng, nhiều nước tăng dự trữ và cầu của thị trường tăng.
Dân số thế giới đạt 7 tỷ người vào tháng 10 vừa qua, đánh dấu mốc mới trong nhu cầu lương thực thực phẩm và mối quan tâm bảo đảm an ninh lương thực của toàn cầu. Giá các loại lương thực và thực phẩm tăng trong hai năm gần đây, đẩy ít nhất 44 triệu người vào nhóm xấp xỉ một tỷ người nghèo đói trên thế giới. Ở những nước nghèo, giá lương thực tăng làm căng thẳng đáng kể việc lo cái ăn, làm trầm trọng thêm khoảng cách sống giữa các tầng lớp và là nguồn chính dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị, xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()