Mất mùa – được giá
LSO-Diện tích vải thiều Hữu Lũng hiện chỉ còn trên 1.000 ha. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vụ vải năm nay sản lượng đạt thấp, ước tính khoảng 5.000 tấn (năm 2016 đạt gần 7.600 tấn). Nguyên nhân mất mùa một phần do thời tiết, phần khác là do người trồng vải không mặn mà với cây vải nên ít chăm sóc.
Tư thương thu mua quả vải tại thị trấn Hữu Lũng |
Vải thiều đã từng được coi là cây ăn quả “đặc sản” của Hữu Lũng, nhưng vài năm trở lại đây, loại cây này không còn mang lại hiệu quả kinh tế do giá thấp. Vì vậy, nhiều hộ đã chặt vải chuyển sang trồng cây khác nên diện tích vải thiều ngày càng giảm, từ thời kỳ có đến hơn 5.000 ha thì nay chỉ còn trên 1.000 ha.
Ông Nguyễn Khắc Tạo, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Vào thời điểm vải ra hoa, do thời tiết bất thường, nhiệt độ mùa đông cao hơn những năm trước, mưa kéo dài đã ảnh hưởng đến việc đậu quả của vải thiều. Bên cạnh đó, do người dân không mặn mà với cây vải, không tập trung chăm sóc chính là nguyên nhân khiến sản lượng vải năm nay đạt thấp. Vụ vải năm 2016, sản lượng đạt gần 7.600 tấn, nhưng giá vải chỉ ở mức từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, cao nhất thì cũng chỉ được hơn 5.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, công thuê hái… thì không có lãi. Do đó, nhiều hộ không đầu tư nữa.
Tâm sự với một số hộ trồng vải tại các xã: Sơn Hà, Minh Sơn được biết, nhiều hộ có từ 300 – 500 cây vải, vụ năm trước mặc dù được mùa nhưng giá thấp nên thu về chưa được 20 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Phương, xã Sơn Hà cho biết: Với giá bán từ 3.000 – 4.000 đồng/kg thì chưa đủ tiền công thuê hái vải, bởi giá thuê nhân công hái vải khoảng 150 nghìn đồng/công/ngày, một vườn vải với 500 gốc cần 5 người hái từ 2 – 3 ngày mới xong. Vì vậy, nhiều gia đình trồng vải không còn quan tâm đến cây vải.
Trước thực tế đó, bà con đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác như: xoài, ổi, hồng xiêm, lê… vì vậy, diện tích cây vải mỗi năm đều giảm. Tuy nhiên, năm nay mặc dù mất mùa nhưng vải thiều lại được giá. Vào thời điểm đầu vụ, giá thu mua khoảng 10.000 đồng/kg, hiện nay giữa vụ giá cũng được từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Theo đánh giá của bà con, giá như vậy là có lãi.
Thời gian qua, để khôi phục diện tích trồng cây vải, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện một số giải pháp. Tuy nhiên, diện tích trồng mới không cải thiện được bao. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Để nâng sản lượng vải thiều thì chỉ bằng cách tập trung chăm sóc. Vụ năm nay sẽ là bài học cho năm tới. Ngay sau khi thu hoạch vải xong, phòng sẽ tập trung chỉ đạo cán bộ khuyến nông các xã hướng dẫn bà con chăm sóc tốt vườn vải thiều, ổn định năng suất, nâng cao chất lượng. Đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăm sóc. Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, lãnh đạo huyện đã quán triệt tinh thần chung là: tiếp tục học hỏi kinh nghiệm ở những địa phương có diện tích trồng vải lớn, chất lượng tốt, qua đó đề xuất các biện pháp giúp bà con chăm sóc vải thiều trong thời gian ra hoa, đậu quả. Đồng thời, động viên khuyến khích người trồng vải ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất, tránh tình trạng chặt vải để chuyển sang cây trồng khác. Không chỉ vậy, năm tới, huyện sẽ tập trung làm tốt khâu kết nối thị trường, kết nối với các tư thương thu mua vải, để thống nhất giá mua, hạn chế thấp nhất việc “được mùa thì mất giá; được giá thì mất mùa”.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()