LSO-Đợt không khí lạnh đầu mùa quái ác đã khiến cho nhiều diện tích lúa mùa trên địa bàn toàn tỉnh bị lép. Bao nhọc nhằn, nay nhiều nông dân mất trắng. Thời tiết là chuyện của trời đất khó có thể xoay vần, nhưng nếu chủ động thì hạn hán và rét cuối vụ vẫn có thể tránh được, thêm một lần nữa chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống lại được nhắc đến như một giải pháp tối ưu.Nông dân xã Mai Sao, huyện Chi Lăng thu hoạch lúa mùa với năng suất còn trội hơn năm trướcDù sắp đến vụ gặt, nhưng mấy ngày nay ông Hoàng Văn Sỷ, thôn Nà Pất, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng chẳng buồn tháo nước ra khỏi ruộng. Hơn 5 sào lúa mùa của gia đình ông năm nay chẳng cây nào trĩu hạt, bông lép nên cây cứ thẳng đứng, nom xa chẳng khác nào bụi cỏ dại. Ông Sỷ buồn rầu: đếm trăm bông chẳng có lấy một hạt chắc, đám này chỉ cho trâu, bò ăn thì tốt chứ thu làm gì! Ông Nông Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Thủy thống...
LSO-Đợt không khí lạnh đầu mùa quái ác đã khiến cho nhiều diện tích lúa mùa trên địa bàn toàn tỉnh bị lép. Bao nhọc nhằn, nay nhiều nông dân mất trắng. Thời tiết là chuyện của trời đất khó có thể xoay vần, nhưng nếu chủ động thì hạn hán và rét cuối vụ vẫn có thể tránh được, thêm một lần nữa chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống lại được nhắc đến như một giải pháp tối ưu.
|
Nông dân xã Mai Sao, huyện Chi Lăng thu hoạch lúa mùa với năng suất còn trội hơn năm trước |
Dù sắp đến vụ gặt, nhưng mấy ngày nay ông Hoàng Văn Sỷ, thôn Nà Pất, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng chẳng buồn tháo nước ra khỏi ruộng. Hơn 5 sào lúa mùa của gia đình ông năm nay chẳng cây nào trĩu hạt, bông lép nên cây cứ thẳng đứng, nom xa chẳng khác nào bụi cỏ dại. Ông Sỷ buồn rầu: đếm trăm bông chẳng có lấy một hạt chắc, đám này chỉ cho trâu, bò ăn thì tốt chứ thu làm gì!
Ông Nông Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Thủy thống kê: vụ mùa năm nay toàn xã gieo cấy được 142ha lúa mùa, qua rà soát, kiểm tra thì hầu hết các diện tích đều giống tình trạng nhà ông Sỷ. Ông Phó Chủ tịch xã ngóng ra đám ruộng sốt ruột: Chẳng biết có thu nổi 10ha không?
Nhắc đến sản xuất lúa trong năm nay, diễn biến thời tiết rất đáng chú ý là đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm chậm tiến độ sản xuất vụ xuân dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ vụ mùa. Trong khi đó, gió mùa đông bắc năm nay lại đến sớm hơn so với mọi năm. Ông Lương Thành Chung, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: qua phản ánh của nhân dân, Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra và bước đầu xác định 3 xã Vân Thủy, Vân An và Chiến Thắng là có diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng nhiều nhất, có nơi thiệt hại tới 90%.
Nguyên nhân được xác định là do đợt rét đầu mùa vừa qua, gió mùa đông bắc và mưa đúng vào thời điểm lúa mùa tại các địa phương này đang phơi màu, trỗ bông làm cho lúa bị lép nhiều. Những địa phương như Quang Lang, Chi Lăng, Nhân Lý, Mai Sao…chỉ cấy sớm hơn mươi ngày thì hầu hết đều phát triển bình thường, còn ở các xã vùng núi đá, toàn bộ diện tích hơn 1.200ha lúa mùa sớm đều đã thu hoạch xong, năng suất thậm chí còn có phần trội hơn năm trước.
Không chỉ riêng huyện Chi Lăng, thời điểm này các cán bộ phòng NN&PTNT ở một số địa phương trong toàn tỉnh cũng tất bật với công tác kiểm tra, rà soát các diện tích lúa bị lép. Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình lo lắng: tình trạng lúa lép, mất mùa đã được nhân dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện phản ánh. Hiện nay đang trong công tác kiểm tra, đánh giá và rà soát các diện tích trên nên chưa thể đưa ra con số cụ thể, nhưng ước chừng thiệt hại không hề nhỏ.
Ông Trần Đại Dũng, Trưởng Phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết: ngoài các địa phương đã kể trên, hiện nay phòng cũng đã nhận được phản ánh về tình trạng này từ các địa phương như Cao Lộc, Văn Lãng…Hiện nay cơ quan chuyên môn và phòng chức năng ở các huyện vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê diện tích thiệt hại.
Nguyên nhân của tình trạng này thì đã rõ và được các cơ quan chuyên môn khẳng định. Vụ mùa các năm khác không có yếu tố bất thường như chậm vụ và rét sớm, thì nông dân Lạng Sơn vẫn phải đối mặt với hạn và rét cuối vụ. Những yếu tố này đã trở thành quy luật. Cả vụ ròng rã với đất, với nước, với trời, thì nay nhiều nông dân không thu được 1 hạt thóc. Xót xa, nhưng vẫn phải thừa nhận một điều, ấy là nhà nông vẫn chưa chủ động né tránh quy luật bất dịch của thời tiết.
Trong những năm qua, cơ quan chuyên môn đã liên tục khuyến cáo và hướng dẫn cho nông dân về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chỉ cần lui thời gian thu hoạch lúa mùa khoảng hơn chục ngày là đã có thể chắc ăn. Biện pháp ấy đi kèm với chuyển dịch cơ cấu giống, với những giống lúa lai, ngắn ngày. Nhưng hầu hết trong vụ mùa, nông dân Xứ Lạng vẫn sử dụng giống bao thai thuần, thời gian sinh trưởng lâu hơn, khung thời vụ dài hơn và cũng vì thế rủi ro là rất lớn.
Trong khi các địa phương đang lao đao vì thất thu, thì Bắc Sơn đã thu hoạch xong từ tháng trước với trên 80% diện tích lúa mùa sớm; Tràng Định cấy sớm hơn mươi ngày cũng qua cơn “hoạn nạn”… Nếu kể ra, sẽ có rất nhiều ví dụ đối chứng. Một điều nữa là, các diện tích mất mùa ấy lại rơi vào lúa trên đất 2 vụ, trên những bờ xôi ruộng mật mà người nông dân đã đặt biết bao hy vọng. Cũng mong, tình trạng năm nay sẽ tạo nên một bước chuyển đột phá của chính quyền các cơ sở, của nhà nông về thay đổi cơ cấu giống và chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, có như thế, cái giá của bước chuyển cũng không phải là đắt.
Vũ Lê Minh
Ý kiến ()