"Mật mã mở cánh cửa đại học" – Cuộc thi chia sẻ kinh nghiệm thi cử
|
Đối tượng dự thi là các thầy cô giáo, bậc phụ huynh, bạn sinh viên và tất cả những người đã trải qua và đạt kết quả tốt trong kỳ thi đại học viết về những trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu của chính mình để giúp các sĩ tử vượt qua kỳ thi đại học một cách thành công.
Ông Vũ Hải Long, Giám đốc Chương trình Cử nhân Top-up (trường Đại học FPT) và Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế FPT-Aptech cho biết, ông đã rất ngạc nhiên khi tra Google và thấy cụm từ “kinh nghiệm ôn thi đại học” chỉ có 192 kết quả. Kinh nghiệm của một người nhiều năm tư vấn hướng nghiệp trực tiếp tại rất nhiều trường THPT, ông Long nhận thấy, tuy đã được nhà trường đào tạo đầy đủ về kiến thức chuyên môn nhưng các em học sinh vẫn còn thiếu một yếu tố khá quan trọng đó là những kinh nghiệm thực tế từ việc chọn ngành, chọn trường cho tới kinh nghiệm học bài, ôn bài, làm bài thi, kinh nghiệm chuẩn bị tâm lý, sức khỏe trước kỳ thi. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh đại học lại là kỳ thi quan trọng nhất, tạo nên những ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời của mỗi người.
Vì thế, cuộc thi này mong muốn tập hợp được hàng nghìn trải nghiệm thực từ bài viết của các bạn thí sinh đã từng trải qua kỳ thi đại học để tạo thành một cuốn cẩm nang tổng hợp mang tính thực tế cao và có hệ thống đem lại giá trị thực cho các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học.
Hai người đầu tiên chia sẻ kinh nghiệm thi cử ngay tại cuộc họp báo là PGS, TS Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT và GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Trưởng BGK cuộc thi.
Đến tận bây giờ, ông Trương Gia Bình vẫn chưa thể quên được cái đêm thao thức không ngủ trước kỳ thi đại học gần 40 năm trước. Hồi đó không có những lớp học thêm, ông tự mày mò học và mua tất cả những cuốn sách ôn thi về học. Nhưng trước giờ “vượt vũ môn”, ông vẫn thấy lo lắng, không biết giấc mơ trở thành nhà khoa học của mình có thành hiện thực không. Và kỳ thi tuyển sinh vào năm 1973 ấy đã đưa ông đến cổng trường Đại học Lomonosov ở nước Nga xa xôi.
“Hồi đó không ai giúp tôi giải mật mã của cổng trường đại học, tôi chỉ biết tự mình mày mò. Nhưng giờ đây, ai đó giúp truyền cho nhau những kinh nghiệm thì thật là đáng quý”, ông Bình nói.
Còn với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, ông không có cơ hội được trải qua cảm giác hồi hộp của kỳ thi đại học, vì thời đó, người đăng ký dự tuyển còn chưa đủ chỉ tiêu để tuyển sinh. Nhưng cả khóa của ông thời đó, sau này đều trở thành những người đầu ngành. Ông Dũng mong muốn, từ việc chia sẻ kinh nghiệm của việc vượt qua kỳ thi đại học, những người tham gia cuộc thi còn có thể đưa ra những đề xuất đổi mới nền giáo dục nước nhà. Những kinh nghiệm ấy không chỉ có ích cho những sĩ tử chuẩn bị thi đại học mà còn có ích với cả những học sinh cấp dưới nếu các em cũng hướng cho mình con đường vào đại học.
Cuộc thi do Chương trình Cử nhân Top-up (trường Đại học FPT), Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế FPT-Aptech và Văn Việt Books phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài dự thi từ 13-04 đến hết ngày 25-5. Mỗi cá nhân tham gia chỉ được đăng ký dự thi một bài viết có độ dài không quá 1.500 từ và gửi về địa chỉ email [email protected].
Giải thưởng gồm một giải nhất gồm một giải thưởng trị giá 8 triệu đồng và một khóa học CNTT trị giá 14,7 triệu đồng cùng hai cuốn sách bán chạy nhất của Văn Việt books và thẻ Vip mua sách chiết khấu 30% có giá trị một năm tại hệ thống phát hành sách của nhà sách này. Ngoài ra, còn có hai giải nhì, hai giải ba và năm giải khuyến khích.
Ý kiến ()