Thứ 2, 25/11/2024 02:28 [(GMT +7)]
Mất hàng chục triệu USD/năm vì "phá giá" điện thoại quốc tế chiều về
Thứ 6, 24/08/2012 | 13:56:00 [(GMT +7)] A A
Với việc cạnh tranh quá đà bằng cách đua nhau giảm giá cước kết nối của dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, các doanh nghiệp viễn thông đã làm thiệt hại cho đất nước hàng chục triệu USD mỗi năm.
Doanh nghiệp “biếu không” 45 triệu USD/năm cho nước ngoài?
Trước việc những doanh nghiệp viễn thông đua nhau phá giá dịch vụ kết nối VoIP quốc tế (điện thoại quốc tế) chiều về, Bộ TT&TT đã tiến hành nhiều buổi họp và đưa ra các chính sách, văn bản quản lý chặt hơn đối với dịch vụ này. Bộ TT&TT đã ra Công văn số 140/BTTTT-VT ngày 17/1/2011 về tăng cường quản lý dịch vụ viễn thông quốc tế trong đó yêu cầu: cung cấp dịch vụ VoIP chiều về trên cơ sở giá thành; nghiêm cấm bán phá giá, bù chéo, kinh doanh lậu lưu lượng và thực hiện nghiêm túc cơ chế báo cáo, đặc biệt với doanh nghiệp có thị phần khống chế.
Tháng 3/2011, Bộ TT&TT ban hành tiếp Công văn số 559/BTTTT-VT về thông báo giá thông thường và tỷ lệ % xác định việc phá giá thanh toán dịch vụ VoIP quốc tế chiều về, theo đó giá bán thông thường là 855 đồng/phút (khoảng 4,1 cent) và các doanh nghiệp nếu bán thấp hơn 15% so với mức giá này thì được xem là phá giá. Quy định này được áp dụng từ tháng 4/2011. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về cũng đã có cam kết với nhau để giữ mức giá này.
Với sự cởi mở của Luật Viễn thông, sắp tới sẽ có thêm doanh nghiệp tham gia vào thị trường điện thoại quốc tế chiều về.
Thế nhưng, theo phản ánh của các doanh nghiệp viễn thông thì mức giá trên chỉ được các doanh nghiệp tuân thủ trong khoảng 2 tháng, sau đó cuộc chiến giảm giá cước kết nối quốc tế chiều về bắt đầu tái diễn. Lý do dẫn tới việc phá giá được cho là vì các doanh nghiệp không chia được hạn mức (quota) và bất đồng trong quan điểm về cách thức quản lý hệ thống giám sát lưu lượng VoIP quốc tế chiều về. Bên cạnh đó, các nhà khai thác quốc tế liên tục gây sức ép bằng nhiều hình thức dẫn tới một số doanh nghiệp không giữ được giá và hạ giá liên tục.
Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho hay, đến nay giá dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về đã quay lại mức trước khi thiết lập giá bán thông thường mà Bộ TT&TT ban hành là xấp xỉ mức 2,7 cent/phút (chưa đến 600 đồng/phút), thậm chí có doanh nghiệp đã bán dưới 2,65 cent/phút. Mức giá này đã giảm bằng, thậm chí là thấp hơn cả mức cước kết nối (mức cước mà các doanh nghiệp không có hạ tầng phải trả cho Viettel và VNPT).
Theo con số đối soát của các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về thì tổng lưu lượng đổ về Việt Nam bình quân khoảng gần 250 triệu phút/tháng. Theo phân tích của một chuyên gia viễn thông, số phút gọi về Việt Nam mỗi tháng 250 triệu phút, một năm là 3 tỷ phút. Nếu các doanh nghiệp làm theo đúng cam kết giữ giá ổn định ở mức 4,1 cent/phút thì ngoại tệ mang về mỗi năm là 123 triệu USD. “Bây giờ, doanh nghiệp cạnh tranh phá giá chỉ bán được 2,6 cent/phút thì số tiền mang về một năm cho các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam chỉ là 78 triệu USD. Như vậy, mỗi năm các doanh nghiệp của Việt Nam đã “biếu không” các doanh nghiệp nước ngoài khoảng 45 triệu USD. Điều này gây tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông cũng như lợi ích quốc gia”, vị chuyên gia phân tích.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải bỏ cuộc chơi
Vào thời điểm nở rộ, có tới gần chục doanh nghiệp của Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về. Thế nhưng, khi thị trường bị cạnh tranh quá đà, một số doanh nghiệp buộc phải từ bỏ cuộc chơi. Sau những khoản lỗ do đối tác “xù nợ” cước kết nối, người ta không còn thấy Vishipel ở trên thị trường này nữa. Gần đây, nhiều người cũng không thấy bóng dáng của SPT. Vậy là, hiện giờ chỉ còn khoảng 5 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ là VNPT (có 3 doanh nghiệp vẫn đang cung cấp là VTI, VASC, VDC), Viettel, Hanoi Telecom, CMC, FPT Telecom.
Trong cuộc họp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về hồi năm ngoái, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, lưu lượng quốc tế chiều về khoảng 3,3 tỷ phút mỗi năm và đem lại doanh thu 140 triệu USD không phải là dịch vụ nhỏ. Sắp tới, với sự cởi mở của Luật Viễn thông chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp nữa tham gia vào thị trường. Vì vậy, chúng ta sẽ phải tuân thủ theo luật chơi quốc tế. Chủ trương của Bộ TT&TT là sẽ quản lý bằng cơ chế thị trường, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Giá bán dịch vụ do doanh nghiệp tự quyết định, nhưng không được bán dưới giá thành.
Bộ TT&TT cũng sẽ tiến hành thanh tra và xử phạt những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực này. Nếu doanh nghiệp vi phạm, Bộ TT&TT có thể bắt tạm dừng cung cấp dịch vụ, thậm chí nếu nghiêm trọng có thể rút giấy phép.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc cạnh tranh thái quá bằng chiêu giảm cước kết nối VoIP quốc tế chiều về, đang có nghi ngờ về khả năng chuyển lưu lượng quốc tế lậu về Việt Nam để biến từ cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi nội hạt. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho doanh thu của viễn thông Việt Nam. |
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()