Chủ nhật, 06/04/2025 16:13 [(GMT +7)]
Mất cân đối cơ cấu ngành, nghề tuyển sinh, đào tạo
Thứ 7, 25/02/2012 | 09:12:00 [(GMT +7)] A A
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) thường xuyên đề cập vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội, chuyển từ đào tạo những gì xã hội cần thay vì đào tạo những gì mình có. Tuy nhiên, các con số thống kê về mất cân đối ngành, nghề, cũng như chỉ tiêu tuyển sinh không hợp lý giữa các ngành đào tạo được công bố mới đây cho thấy vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.
Giờ học công nghệ thông tin của sinh viên Trường đại học kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh.
Theo Bộ GD và ĐT, thống kê tuyển sinh và đào tạo của 416 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2011 cho thấy có 248 trường (121 trường ĐH, 127 trường CĐ) tuyển sinh một trong bốn ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, chiếm tỷ lệ 59,62% số trường; còn lại 168 trường (76 trường ĐH và 92 trường CĐ) không tuyển sinh các ngành kể trên, chủ yếu là các trường thuộc khối y, dược, năng khiếu nghệ thuật và một số trường sư phạm. Mặt khác, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phân bổ cho bốn ngành trên chiếm gần 38% so với tổng chỉ tiêu. Vì vậy, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ bốn ngành trên của thí sinh bình quân từ năm 2009 đến năm 2011 chiếm 41% tổng hồ sơ đăng ký. Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận, việc thực hiện giao quyền tự chủ thì ngành, nghề đào tạo của các nhà trường rất giống nhau. Trong đó, khối ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán hầu như trường nào cũng có. Điều đó khiến cho trên phạm vi cả nước cũng như trên từng vùng, từng địa phương xảy ra tình trạng có quá nhiều trường cùng đào tạo một chuyên ngành.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối trong tuyển sinh, đào tạo. Trong đó, cuộc chạy đua mở ngành “hot, thời thượng” theo phong trào của một số cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu “ăn xổi, ở thì” ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều trường “đua nhau” mở bốn ngành nêu trên nhưng không phải trường nào cũng có đủ điều kiện để bảo đảm chất lượng cho ngành nghề mở ra. Tại đợt thanh tra, kiểm tra cuối năm 2011 ở 24 trường ĐH, CĐ của Bộ GD và ĐT cho thấy, nhiều trường mở ngành rồi nhưng để đáp ứng các điều kiện cần thiết thì chỉ “múa tay trong bị”. Nhiều ngành được mở không có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ theo quy định, như: Ngành kinh tế của Trường ĐH Nguyễn Trãi; ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng; ngành Kế toán của Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu; ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Hòa Bình… Đặc biệt, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cơ sở đào tạo thường xuyên có số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển sinh hằng năm lớn nhất cả nước nhưng ở hai ngành Tài chính – Ngân hàng và Quản trị kinh doanh cũng không có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ theo quy định. Ngoài việc thực hiện điều kiện mở mã ngành theo “phong trào” thì một nguyên nhân khác chính là từ việc xây dựng kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD và ĐT thiếu định hướng theo nhu cầu xã hội. Trong kế hoạch tuyển sinh đào tạo của Bộ GD và ĐT năm 2012, số chỉ tiêu khối ngành Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ “áp đảo” các khối ngành khác. Trong tổng số dự kiến 576 nghìn chỉ tiêu cho bảy nhóm ngành thì nhóm ngành Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng chiếm tới 32% tổng chỉ tiêu.
Việc quá nhiều trường tập trung mở một số ngành khiến cho quá trình tuyển sinh, đào tạo xảy ra chồng chéo, mất cân đối, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Bộ GD và ĐT cần xem xét việc tuyển sinh, đào tạo tập trung vào một số ngành có phù hợp với yêu cầu thực tế, có cần điều chỉnh hay không. Nếu điều chỉnh khi chỉ tiêu tuyển sinh các trường tự xác định thì nên làm thế nào cho phù hợp. Theo TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ GD và ĐT), thực tế hiện nay nhiều ngành có nhu cầu về nguồn nhân lực lại không tuyển được. Một số ngành như: Máy xây dựng, Cơ khí hóa xếp dỡ… nghe tên có vẻ không hấp dẫn nhưng thật ra là những ngành rất dễ kiếm việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương cao nhưng không có người để tuyển. Ngoài ra, trong năm 2010, tại TP Hồ Chí Minh, ngành có chỉ số cung cao nhất là Kế toán- kiểm toán chiếm khoảng hơn 33% nhưng nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm 3,25%… Điều đó cho thấy, trong tương lai một số lĩnh vực sẽ có sự thiếu hụt nhân lực qua đào tạo khá trầm trọng do mất cân đối tuyển sinh, đào tạo.
Trong kế hoạch tuyển sinh, đào tạo năm 2012, Bộ GD và ĐT cũng đã ban hành quy định về điều kiện mở ngành của cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó phải có từ một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Bộ cũng đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 12 ngành của bốn trường không đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong đó có các ngành Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, ngoài những việc làm trên, Bộ GD và ĐT cần thắt chặt việc mở ngành nghề đào tạo, nhất là rà soát, đình chỉ những ngành mở theo “thị hiếu” nhưng không bảo đảm các điều kiện đội ngũ giảng viên. Tăng cường công tác hướng nghiệp từ các bậc học phổ thông và tránh việc đánh giá về đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội chỉ thiên lệch dựa vào những hợp đồng, thỏa thuận của các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp mà thiếu việc đánh giá công tác đào tạo theo “đặt hàng” của các vùng miền, địa phương, hệ thống chính trị, tổ chức xã hội…
Đáng chú ý, việc xây dựng kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo của Bộ GD và ĐT cũng như các cơ sở đào tạo cần dựa trên Quy hoạch Phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trên cơ sở đó, ngành GD và ĐT chuyển sang đào tạo theo dự báo cụ thể nhu cầu nhân lực của từng ngành, vùng, miền, địa phương. Việc xây dựng kế hoạch chỉ tiêu cần quan tâm hơn tới các ngành nghề đang khó tuyển thí sinh như: xã hội nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, công nghệ và khoa học cơ bản, nông lâm… nhằm góp phần đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, vì sự phát triển nhanh và bền vững của từng tổ chức, doanh nghiệp, của ngành, địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

Poll
Ý kiến ()