Mất an toàn từ những cầu tre ở Hồng Thái
LSO- Suối Nà Tấu chảy từ xã Tân Văn qua xã Hồng Thái (Bình Gia) với chiều dài khoảng 15km, làm cho 8/9 thôn của xã Hồng Thái bị chia cắt. Để khắc phục, người dân nơi đây đã tự lắp đặt những chiếc cầu tạm bằng tre nứa. Tuy nhiên, những cây cầu này luôn tiềm ẩn nỗi lo mất an toàn, đặc biệt vào mùa mưa bão.
Đã nhiều năm nay, người dân xóm Nà Phung, thôn Bản Huấn quá quen với cây cầu tre Nà Phung có chiều dài khoảng 10m bắc qua suối Nà Tấu và chỉ đủ cho một người đi bộ (xe máy không đi được). Cây cầu này hàng ngày phục vụ đi lại, sản xuất vận chuyển sản phẩm nông sản của 20 hộ dân trong xóm. Ông Hoàng Công Thạo, Trưởng thôn Bản Huấn cho biết: do cây cầu làm bằng tre nên độ bền chỉ được vài tháng, vào mùa mưa bão, nước suối dâng rất nhanh và chảy siết, cầu thường xuyên bị cuốn trôi, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Theo số liệu do UBND xã Hồng Thái cung cấp, hiện trên địa bàn xã có 11 cầu tre như cầu Nà Phung phục vụ đi lại, phát triển sản xuất cho khoảng 200 hộ dân (toàn xã Hồng Thái có 570 hộ dân) thuộc các thôn như: Bản Hoay, Nà Ngùa, Nam Tiến, Khòn Quan, Bản Nghiệc, Nà Bản, Nà Khoang, Nà Dẩn. Rất may từ trước tới nay xã Hồng Thái chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra từ những cây cầu tre.
Cầu tre ở xóm Nà Phung, thôn Bản Huấn
Trước điều kiện đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, những năm gần đây, xã Hồng Thái đã tập trung vận động, huy động nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn trong xã. Nhiều thôn đã có cách làm hay nhằm tạo nguồn kinh phí cho chương trình bê tông hóa đường làng ngõ xóm và làm cầu bê tông qua suối. Thôn Nà Bản là một trong số đó, năm 2012, thôn đã vận động bà con trong thôn và những người xa quê đóng góp tiền mặt để làm cầu và đường bê tông dẫn vào xóm Phai Luông. Kết quả, thôn đã huy động được hơn 80 triệu đồng tiền mặt, cộng với 40 tấn xi măng nhà nước cấp, năm đó thôn đã kiên cố được cầu bằng bê tông xi măng có chiều dài 10 m, mặt cầu rộng 1m và 200m đường bê tông vào xóm phục vụ đi lại cho gần 20 hộ dân.
Ông Hoàng Văn Lộc- một nông dân thôn Nà Bản cho biết: mặc dù điều kiện kinh tế của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn nhưng khi xã, thôn có kế hoạch làm cầu, làm đường 100% bà con đều ủng hộ. Ngày cầu Phai Luông khánh thành, bà con vô cùng phấn khởi vì có cầu mới đường mới đi lại thuận tiện, nhiều nhóm hộ gia đình đã mổ lợn ăn mừng.
Ông Long Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, ngoài đẩy mạnh bê tông hóa các tuyến đường liên gia, liên thôn xã cũng tập trung kiên cố các cây cầu tại các thôn bản. Giai đoạn 2011-2014, bên cạnh cứng hóa được cầu Phai Luông xã đã đổ bê tông trụ cầu được 4 vị trí tại các khu vực xung yếu. Tuy nhiên việc xóa toàn bộ các cầu tre trên địa bàn vào năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn bởi các vị trí cầu nằm xa đường giao thông, điều kiện vận chuyển vật liệu đến vị trí xây cầu khó khăn và để làm được cầu phải có nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi chờ đợi những cây cầu tiếp theo được cứng hóa hàng ngày nhiều người dân Hồng Thái vẫn phải thấp thỏm qua cầu tre.
Bài, ảnh: CÔNG QUÂN
Ý kiến ()