Mất an toàn thực phẩm do quản lý lỏng lẻo
Những cảnh báo về tình trạng nhiễm vi sinh vật hay tồn dư hóa chất vượt giới hạn cho phép trên một số mặt hàng nông, thủy sản làm người tiêu dùng lo ngại và sản xuất cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi vật tư nông nghiệp kém chất lượng vẫn lưu hành... Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Những cảnh báo về tình trạng nhiễm vi sinh vật hay tồn dư hóa chất vượt giới hạn cho phép trên một số mặt hàng nông, thủy sản làm người tiêu dùng lo ngại và sản xuất cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi vật tư nông nghiệp kém chất lượng vẫn lưu hành… Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Nguy cơ mất an toàn trên nhiều loại thực phẩm
Trong cuộc họp sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản bảy tháng đầu năm, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho rằng, “nóng” nhất trong thời gian qua là chất lượng, an toàn vệ sinh đối với các sản phẩm như thịt gia súc, gia cầm, trong đó, không chỉ có chất cấm mà việc ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Qua việc thực hiện chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm, kết quả đợt 1 đã phát hiện 3 trong số 39 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh vật gây bệnh Campylobacter spp (chiếm 7,7%); 2 trong số 40 mẫu nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol, 4 trong số 40 mẫu nhiễm Furazolidon (chiếm 10%) và 4 trong số 40 mẫu phát hiện Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép (chiếm 10%). Còn kiểm tra trên các mẫu thủy sản: 11 trong số 1.528 mẫu (chiếm 0,7%) nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép. Các mẫu nhiễm nêu trên thuộc vùng nuôi của các tỉnh miền trung và miền nam như Khánh Hòa, Ðác Lắc, Tiền Giang, Long An, Ðồng Nai, Bến Tre và Trà Vinh. Kết quả đánh giá, phân loại các nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước (của Cục Bảo vệ thực vật) cũng cho thấy, nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả và trong các loại quả đã được giám sát thì nho quả tươi là loại có nguy cơ cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó là dưa lê, chuối và thấp nhất là xoài, cam.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do một số sở, ngành, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, giám sát; các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn ban hành chưa kịp thời so điều kiện thực tiễn.
Bất cập trong quản lý
Ðể nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, từng bước phù hợp tình hình thực tiễn. Song, cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp thì hiện vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý lĩnh vực này. Cụ thể, các mẫu biểu kiểm tra vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thực tế cần kiểm soát. Bên cạnh đó, việc công khai các cơ sở loại C và tái kiểm tra lại các cơ sở này chưa được triển khai nhiều, mà chỉ tập trung ở một số loại hình cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản. Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa bài bản do thiếu nguồn lực; việc xử phạt hành chính chưa triệt để, bởi chưa kết hợp đồng thời các hình phạt bổ sung. Ðặc biệt, bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác VSATTP tại các địa phương vừa thiếu, vừa yếu đồng bộ… Ðó chính là những lý do khiến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Lê Như Tuấn, việc quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp đưa từ bên ngoài tỉnh vào còn gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được “tận gốc” các cơ sở sản xuất mà chủ yếu vẫn là phát hiện những vi phạm ở các đại lý và nhà phân phối. Do đó, rất cần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn phối hợp giữa các địa phương để xử lý tình trạng này. Ông Lê Như Tuấn cũng nêu lên cái khó trong công tác kiểm nghiệm chất lượng do chưa có đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết.
Hiện cả nước có 41 trong số 43 tỉnh, thành được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm, tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn trong tình trạng “quy hoạch treo”… Do đó, kéo theo tỷ lệ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa bảo đảm chất lượng (loại C) còn cao (44,7%), kiểm tra định kỳ xếp loại C (59,2%) và khi tái kiểm tra 180 cơ sở, có 52 cơ sở lên loại B, còn 128 cơ sở vẫn bị xếp loại C (71,1%).
Cần giải pháp căn cơ, có hệ thống
Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng nêu trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đánh giá, vấn đề trách nhiệm quản lý là rất lớn bởi vẫn còn gây nhiều bức xúc cho bà con nông dân về tình trạng phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thậm chí cả hàng giả vẫn đang lưu hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và người tiêu dùng vẫn hoang mang về thực phẩm mất an toàn. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, hướng tới mục tiêu giảm thiểu vi phạm về chất lượng vật tư cũng như vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cách làm phải hướng tới căn cơ, có hệ thống, xử lý tận gốc chứ không chạy theo tình huống. Theo đó, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương ngày 2-8 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhấn mạnh, vấn đề chính, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý là triển khai nghiêm túc Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT (Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông, lâm, thủy sản), xác định trọng tâm để kiểm tra giám sát, yêu cầu khắc phục. Nếu các cơ sở vẫn tiếp tục vi phạm phải có những biện pháp xử lý mạnh tay, triệt để, đồng thời phải công bố một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng biết. Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn, thì việc triển khai các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản hay xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất từ khâu sơ chế đến chế biến, phân phối cũng cần đưa vào thực hiện; đồng thời, tiến hành xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản an toàn.
Mặc dù xác định công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm mà người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, song trước tính chất phức tạp của tình trạng vi phạm ATVSTP, hiệu quả quản lý sẽ được nâng lên nếu như có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền trong “cuộc chiến” với các vi phạm về ATTP. Rất cần sự nhận thức đúng đắn của cấp ủy các cấp, cùng việc đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng trong sử dụng vật tư nông nghiệp và thực phẩm an toàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()