Mạnh tay với vi phạm
Lực lượng QLTT phát hiện hệ thống cửa hàng Ansan Cosmetics bán hàng không rõ nguồn gốc. |
Tiện lợi, nhanh chóng, thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Nhiều vụ việc bị xử lý
Chị Mai Nguyễn (Hà Nội) chia sẻ, do da dễ bị kích ứng, chị thường lựa chọn mỹ phẩm rất kỹ trước khi sử dụng. Sau khi xem livestream trên facebook của chủ một hãng mỹ phẩm, với lời cam kết mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, chị đã “bùi tai” mua một hộp phấn với giá gần 700 nghìn đồng. Tuy nhiên ngay lần đầu tiên sử dụng đã bị dị ứng.
“Trước khi mua, người bán có trực tiếp sử dụng sản phẩm và cam kết với tôi sản phẩm an toàn cho làn da nhạy cảm nhất, hoàn tiền 100% nếu quảng cáo sai sự thật. Nhưng sau khi sử dụng bị dị ứng, tôi liên hệ lại với chủ facebook thì ngay lập tức bị block (chặn)”, chị Mai Nguyễn bức xúc chia sẻ.
Những trường hợp như chị Mai Nguyễn gặp phải không hiếm. Sự bùng nổ của internet và mạng xã hội đã giúp giới kinh doanh có một kênh kinh doanh, quảng bá sản phẩm hiệu quả và rẻ tiền, giúp người tiêu dùng có một kênh mua sắm tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này tiềm ẩn nguy cơ lớn về hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây tác hại lớn đến người tiêu dùng.
Đơn cử, cuối tháng 3 vừa qua, tổng kiểm tra hệ thống cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Ansan Cosmetics, địa chỉ website ansancosmetics.com tại bốn địa điểm ở quận 10, quận 6, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, 7.500 mặt hàng mỹ phẩm có xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản như L’oreal, Innisfree, Vichy, Shiseido, Estee Lauder… được bán cho khách hàng giá thấp hơn hàng chính hãng.
Cụ thể, nước hoa Versace loại 5ml giá bán 155.000 đồng/hộp; kem dưỡng ẩm L’oreal loại chai 50ml giá bán 155 nghìn đồng/hộp, trong khi hàng chính hãng giá bán khoảng 600 nghìn đồng/hộp… Các sản phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ; có nhãn gốc bằng tiếng ngước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Hay cuối tháng 4 vừa qua, sau một thời gian theo dõi hai trang Facebook có tên: Losana và Kalwich (trú tại TP. Pleiku) bán hàng theo hình thức livestream, Phòng Thanh tra – Pháp chế và Đội QLTT số 12 (Cục QLTT Gia Lai) đã tiến hành kiểm tra đột xuất hai địa điểm trên khi đang phát video trực tiếp để bán hàng. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao gồm: 865 cái túi xách các loại; 170 cái áo khoác dạ; 96 hộp tinh dầu nước hoa; 135 cái mắt kính và 130 túi xách giả nhãn hiệu Gucci; 146 cái túi xách giả nhãn hiệu Chanel; 190 cái túi xách giả nhãn hiệu Dior và 120 cái túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton (LV)… Tất cả đều không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.
Đáng chú ý, đây đều là những hệ thống cửa hàng lớn hoặc facebook có lượng tương tác cao, được rất nhiều nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng. Để tăng độ tin cậy, cửa hàng không chỉ dùng hình ảnh tĩnh mà còn livetream (phát sóng trực tiếp) để quảng cáo, bán sản phẩm. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Người tiêu dùng không biết được mình đang xem và mua phải hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu lớn.
Một số vụ vi phạm về việc sử dụng mạng xã hội, TMĐT để bán hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc đã bị triệt phá kể từ khi Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ 368) (tháng 3-2020) đến nay. Theo Tổng cục QLTT, hiện có tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng mạng xã hội, internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng.
Sửa luật để xử lý triệt để
Mặc dù, thời gian vừa qua, lực lượng QLTT đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.
Ngoài ra, hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ công thương) chỉ ra, có ba loại hình thương mại điện tử tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại cao: Bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên các website và sàn TMĐT. Số gian hàng trên các website TMĐT là vô hạn, không có ai chịu trách nhiệm. Hiện nay, hầu hết sản phẩm bán ra đều không có hoá đơn chứng từ nên việc xử lý càng khó khăn, không biết ai cung cấp hàng hoá cho các website này.
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm trên môi trường TMĐT cũng còn nhiều bất cập. Trên thực tế, hành lang pháp lý về TMĐT (Nghị định 52/2013/NĐ-CP) đã được xây dựng khá chi tiết, nhưng thị trường TMĐT thay đổi liên tục, điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung.
Cụ thể, công nghệ số, internet phát triển và thay đổi nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở hai mô hình phổ biến là website TMĐT và website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động, nên rất khó kiểm soát.
Ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần sửa đổi Nghị định theo hướng mở rộng hơn các loại hình TMĐT và mạnh tay hơn các vi phạm. Đặc biệt tăng cường nghĩa vụ của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của chủ thể này với những giao dịch được tiến hành trên sàn từ người bán nước ngoài. Ngoài ra, tại mỗi Cục QLTT địa phương cần có một đơn vị chuyên xử lý gian lận thương mại sử dụng công nghệ cao để xử lý hiệu quả các gian lận này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Ý kiến ()