Mạnh dạn "phá băng" tìm chỗ yếu
Những năm gần đây, cùng với công tác quy hoạch và đào tạo chuẩn hóa về trình độ cán bộ các cấp, Tỉnh ủy Quảng Nam luôn chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua đó, đã tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn và khắc phục xu hướng khép kín, cục bộ địa phương, trì trệ trong công tác cán bộ.
Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý
Hơn 10 năm trước, Bí thư Tỉnh ủy hiện giờ, đồng chí Nguyễn Ðức Hải, là một trong những đồng chí được luân chuyển từ vị trí Giám đốc Sở Tài chính về làm Bí thư Thị ủy Tam Kỳ (nay là Thành ủy Tam Kỳ). Các đồng chí luân chuyển trong đợt đầu này đều đã phát huy tốt vị trí, vai trò của mình trong thời gian luân chuyển và nay được giao trọng trách lớn hơn trong cấp ủy và chính quyền ở địa phương.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Thọ cho biết: Sau khi có Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành rà soát và triển khai công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển gần 500 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, luân chuyển 23 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh về các huyện và thành phố công tác và ngược lại. Trong đó, có một đồng chí luân chuyển từ tỉnh về làm bí thư huyện ủy, tám đồng chí về làm phó bí thư huyện ủy, hai đồng chí làm chủ tịch UBND huyện, bốn đồng chí làm phó chủ tịch UBND huyện, năm đồng chí từ huyện về tỉnh làm giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương… Nhiều đồng chí khi luân chuyển về làm phó chủ tịch UBND huyện có trình độ thạc sĩ và đang ở tuổi 30 tràn đầy nhiệt huyết. Ðến nay, tất cả các cán bộ được quy hoạch các chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HÐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã từng bước được luân chuyển cương vị công tác.
Ðồng chí Trần Xuân Thọ chia sẻ: Những năm trước đây, nhiều địa phương từ chối không nhận cán bộ luân chuyển từ tỉnh bố trí về và có một số đồng chí nằm trong diện luân chuyển ngại lên miền núi. Bây giờ, tình trạng đó đã được khắc phục. Các đồng chí nằm trong diện luân chuyển đều bày tỏ phấn khởi và sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ mới tại những huyện miền núi xa xôi của tỉnh. Các đồng chí luân chuyển về huyện, thành phố được bố trí giữ chức vụ bí thư, chủ tịch UBND và phó bí thư hoặc phó chủ tịch UBND… Chỉ sau thời gian ngắn, nhiều đồng chí cán bộ luân chuyển tiếp cận với công việc ở địa phương và phát huy tốt năng lực lãnh đạo, quản lý trên các mặt công tác.
Thực tế qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm và đánh giá cán bộ hằng năm của tập thể lãnh đạo cấp ủy huyện, thành phố và tập thể lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, hầu hết những cán bộ được luân chuyển đều thể hiện được trách nhiệm, năng động, dám nghĩ, dám làm, tạo được uy tín với cán bộ và nhân dân địa phương nơi công tác. Nhiều đồng chí đã cùng với tập thể cấp ủy tạo nên sự đoàn kết, nhất trí, làm chuyển biến tích cực tình hình ở địa phương và đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài về công tác cán bộ.
Kịp thời khắc phục những vị trí yếu và thiếu
Nói về công tác luân chuyển cán bộ, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Bùi Quốc Ðinh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tam Kỳ đã luân chuyển 11 cán bộ trong diện quy hoạch về các địa phương và các ban, ngành. Ðiều dễ nhận thấy nhất là qua luân chuyển, Thành ủy đã kịp thời khắc phục tình trạng thiếu cán bộ ở địa phương; đồng thời vực dậy được các phong trào. Tại các địa phương như: Tân Thạnh, Tam Thăng… trước đây không chỉ thiếu cán bộ mà các hoạt động kinh tế – xã hội cũng trì trệ. Nhưng sau một thời gian luân chuyển cán bộ từ trên về, đội ngũ cán bộ ở đây đã dần được kiện toàn và các phong trào cũng chuyển biến rõ rệt. Theo kế hoạch, tới đây, Thành ủy sẽ luân chuyển từ ba đến năm đồng chí về các xã, phường. Hiện danh sách cán bộ luân chuyển đã có, nhưng cái khó là phải tìm nơi đến hợp lý. Do vậy, Thành ủy phải mạnh dạn “phá băng” trong công tác cán bộ ở một số địa phương, tìm ra “chỗ trống” để đưa cán bộ luân chuyển về nhằm bổ sung chỗ yếu, thiếu trong công tác cán bộ, tạo ra bước chuyển biến mới trong phát triển kinh tế – xã hội. Ðồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực chuyên môn, sở trường của mình.
Trong buổi gặp mặt với các đồng chí cán bộ luân chuyển, đồng chí Nguyễn Ðức Hải, Bí thư Tỉnh ủy nhận xét: Thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; hầu hết các đồng chí luân chuyển về các địa phương và các ban, ngành của tỉnh đã nhanh chóng tiếp cận và phát huy vai trò của mình ở vị trí mới và được các địa phương, đơn vị tín nhiệm. Tuy nhiên, để công tác luân chuyển đạt được kết quả mong muốn khi luân chuyển cán bộ, các cấp ủy cần căn cứ vào năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, uy tín, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển của cán bộ. Việc luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch. Thận trọng trong cách làm, phải chuẩn bị kỹ kế hoạch và lộ trình thực hiện, chuẩn bị tốt cả nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến, không làm tràn lan, chạy theo số lượng. Ðối với các chức danh được luân chuyển để giữ các chức vụ thông qua bầu cử thì các cấp ủy đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt quy định của Ðảng. Mặt khác, các cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân cán bộ phải nghiêm túc chấp hành quyết định luân chuyển; chống tư tưởng cục bộ, không muốn nhận, gây khó khăn, làm giảm uy tín đối với cán bộ luân chuyển hoặc lợi dụng luân chuyển cán bộ để đưa người không hợp với mình đi nơi khác…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()