Mảng xanh phía đông thành phố Ðiện Biên Phủ
Chị Cà Thị Xuyến trong vườn nhà. Dù đã hẹn trước, chủ nhà chỉ đường kỹ càng qua điện thoại, tôi vẫn bị lạc khi tìm đến nhà chị. Việc lầm lẫn này cũng tại bởi mầu xanh. Xanh rừng cây lấy gỗ, tre bát độ, lối vào dẫu đã đường to bỗng chỉ là sợi chỉ chìm trong miên man cây lá. Tôi đã đến một ngôi nhà nhỏ, ao cá dài theo thung khe. Một đôi vợ chồng trẻ niềm nở chào hỏi, mời vào nhà uống nước. Khi hỏi tên chủ nhà tôi mới biết mình bị nhầm. Anh chủ bảo nhà chị Xuyến phải đi ngược lại con đường lúc nãy, dăm bảy trăm mét, có lối rẽ trái, thấy ngôi nhà sàn đẹp là đúng.Lần này tôi đi đúng, nếu sai cũng chẳng có ai mà hỏi, hình như có một "chủ nhân" nữa là rừng. Chị Xuyến tiếp tôi như người quen đã lâu. Tôi chưa giới thiệu, chị cũng không hỏi. Câu chuyện tự nhiên, chị kể anh nhà vừa mổ ruột thừa trong viện, cháu nhỏ đi học. Tôi hỏi thăm thì ít mà liếc ngắm khu vườn rừng thì nhiều. Xanh...
Chị Cà Thị Xuyến trong vườn nhà. |
Lần này tôi đi đúng, nếu sai cũng chẳng có ai mà hỏi, hình như có một “chủ nhân” nữa là rừng. Chị Xuyến tiếp tôi như người quen đã lâu. Tôi chưa giới thiệu, chị cũng không hỏi. Câu chuyện tự nhiên, chị kể anh nhà vừa mổ ruột thừa trong viện, cháu nhỏ đi học. Tôi hỏi thăm thì ít mà liếc ngắm khu vườn rừng thì nhiều. Xanh mát mắt, mát làn da, bấy nay người ta hay nói du lịch sinh thái nơi này nơi kia, nay tận thấy đây thật chả kém gì. Tôi bảo nhà chị làm du lịch được đấy, khách đến dạo chơi rừng nhà, hái quả, câu cá, đến bữa, cá, gà có bàn tay chủ nhà chế biến các món của người Thái thì thú nào bằng. Chị chưa trả lời thì có bốn người khách èn èn xe máy vào. Họ chào chị và đi luôn xuống dưới. Chị nhìn theo, giải thích – Họ đến câu cá nhà em đấy, em không bán vé, họ thích, câu được bao nhiêu thì cân lên thanh toán theo giá thị trường. Họ được vui vẻ thư giãn, em được phục vụ và… đỡ công đi chợ. Tôi nhìn theo hướng mắt chị nhưng chỉ thấy xa xa, qua những làn cây lá mấy vạt ao. Nhà chị cũng thành phố, nhà tôi cũng thành phố mà vài chục phút xe máy đã khác nhau một trời một vực. Nếu tính về môi trường, có khi thu nhập của chị hơn đứt lương công chức bọn tôi. Chị không phản đối, chỉ cười bảo – Mười ba năm mồ hôi, nước mắt mới được như thế này đấy anh ạ.
Cái mốc khởi nghiệp của chị Cà Thị Xuyến bắt đầu từ năm 1998, khi chị rời bản Noong Bua, xã Noong Bua (nay là phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ) về bản Tà Lèng (xã Tà Lèng) này cùng anh Lê Chí Thiết xây tổ ấm, sinh cơ lập nghiệp. Hồi đó đôi trai Kinh gái Thái tài sắc này chỉ có bốn bàn tay trắng, tám ha đất đá và… bầu trời trong veo. Sức trẻ nhân đôi với bàn tay rớm máu, bàn chân chai sần; leo trèo, phát và cuốc. Họ làm lúa nương, trồng ngô, trồng sắn, chè. Nhưng đây đất dốc, mưa xuống là trôi tuột hết màu mỡ, đá như của tất cả Điện Biên về đây tập trung, cứ trơ ra, nhọn lên vẻ trêu ngươi, thách thức. Chị Xuyến bảo cây sắn hồi ấy… to bằng ngón tay trẻ con, nhìn buồn cười lắm nhưng mình nông dân không trồng cấy cũng chẳng biết làm gì. Mấy năm trời đánh vật với đất đá mà trời chả cho cái gia đình bé nhỏ này khá lên. Tuổi trẻ, kinh nghiệm chưa có, vốn liếng còm còm cũng chỉ làm sắc thêm cái cuốc con dao. Kết quả đọng lại cho ngôi nhà hạnh phúc của họ cũng chỉ là đủ ăn.
Không thể cam chịu cuộc sống nghèo khổ như cha mẹ mình, bà con cô bác trong bản, nhiều đêm hai vợ chồng thì thào nhỏ to bàn cách. Cách gì thì cách, không được chê đất xấu, chỉ tại đầu óc con người chứ không tại gì hết.
Họ bắt đầu bước đi đầu tiên là làm ao cá. Sẵn khe dưới chân núi, bằng sức hai vợ chồng, cộng với anh em bạn bè, sau nửa tháng, họ có một cái ao gần 1.000 m2. Nước sạch, nhiều màu mỡ từ hai bên núi chảy xuống cho nên trắm cỏ, rô-phi, mè… chóng lớn lắm. Vụ đầu đã lãi kha khá, sẵn kinh nghiệm rút ra, anh chị lại tiếp tục luân canh. Rồi mua cá bột về ương, khép kín quá trình nuôi cá. Tiếng hay đồn xa, chẳng những trong bản, xã mà nhiều người từ Núa Ngam, Mường Phăng… cũng tìm đến nhà chị Xuyến hỏi cá giống. Cá nhà chị mang về nuôi rất chóng lớn, bởi lẽ tính chị xởi lởi, giúp người với một niềm tin, họ khó cũng như những năm trước mình khó. Người đến cứ việc ký sổ, lấy tháng 5 đến tận tháng 10 bắt cá bán hết mới về Tà Lèng trả nợ.
Năm 2006, sau khi tham dự một số lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư của Hội Nông dân xã, cộng với số vốn được vay 50 triệu đồng, gia đình chị quyết định chuyển 1.000 m2 ao cũ và toàn bộ diện tích ao mới khai phá sang nuôi tôm càng xanh. Lúc này ao nhà chị, sau nhiều năm nuôi thả, đầu tư đã đầy đủ các điều kiện để nuôi loại tôm cao sản, đắt giá trên thị trường. Dường như không có một bất lợi nào đến với gia đình chị từ khi thả con tôm bé ti xuống đến khi cầm cục tiền từ các nhà hàng mang về. Chị Xuyến thật thà kể: Ao nhà mình nước trong, đáy nhiều cát pha sỏi, rất phù hợp với con tôm càng xanh. Tôm cứ đều đều lớn, không bệnh tật gì. Thức ăn, cách cho ăn thì cứ làm đúng theo sự chỉ dẫn của Trung tâm thủy sản là ổn. Năm đó, nhờ con tôm, nhà chị chả vất vả nhiều mà lãi to. Ngày ngày anh cất tôm lên (khoảng 10 kg), cho vào hộp xốp, rồi chị đèo đến các nhà hàng ngoài phố; vèo cái đã xong, khi về cũng có ngót ba triệu đồng trong túi. Chỉ bốn tháng nuôi tôm, trừ vốn 30 triệu đồng (gồm tiền giống, thức ăn) nhà chị cũng lãi được 60 triệu đồng.
Từ con cá truyền thống (trắm cỏ, mè, rô-phi đen), chuyển sang tôm càng xanh. Khi đang đỉnh cao của loại tôm này thì gia đình chị lại chuyển sang nuôi tập trung rô-phi đơn tính. Nhiều người thắc mắc, chị bảo – Tất cả là do thị trường. Rô-phi đơn tính nuôi cũng không khó, giá bán lại phù hợp với số đông, lãi cũng không kém tôm càng xanh là mấy. Hơn nữa, gia đình chị vừa tham gia dự án nuôi cá rô-phi thương phẩm của Trung tâm thủy sản, được hỗ trợ kỹ thuật, tiền giống, thức ăn… Anh chị rất hiểu những điều kiện của gia đình mình, nuôi được và nuôi tốt giống rô vừa to vừa ngon này. Quả nhiên với diện tích ao lúc này đã được mở rộng lên 6.000 m2, sau sáu tháng chăm chỉ, anh chị đã có hơn hai tấn cá xuất ra thị trường. Với giá trung bình 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, họ cũng được lãi 50 triệu đồng.
Chị đưa tôi xuống thăm khu ao. Đường dốc, tôi lại mải ngắm cây cối; này mơ, này bưởi, này xoài… Mỗi bước đi là một bước xanh. Khu ao cá nhà chị không có vẻ “hoành tráng”, mênh mông tít tắp mà trái lại chỉ vừa vừa, dài dài. Đó là kiểu ao riêng, tất cả những gì từ hai vệnh núi, rừng cây bên trên chạy xuống ao. Ao. Rừng soi bóng xuống cá, cá đớp mầu xanh. Và trong cái quanh quanh, miên man ao ấy, chợt òa ra con suối, đồng lúa.
Câu chuyện bên bờ ao của chúng tôi thỉnh thoảng lại điểm nhịp tiếng cá quẫy, đớp mồi. Chị rất vui, cười nói; tôi thì lại hình dung ra cái ngày đất trọc đồi hoang, mưa nắng chang chang. Ý nghĩ sao lại quay ngược thời gian vào lúc này? Tôi tự thấy vớ vẩn và đôi mắt lên cao… Nếu tính sự cộng hưởng của ao cá thì chị nói cây gì trong tám ha rừng này? Tre bát độ. Tôi và chị cùng hướng lên rừng tre. Đầu tiên vợ chồng làm nương bậc thang, mấy năm trồng cấy vẫn chả ăn thua gì. Rồi tận năm 2004, 600 gốc tre bát độ được đưa vào hai ha. Giống, kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp thành phố cung cấp; còn ngâm, ủ, giâm, trồng, chăm sóc và… đào củ mang bán là mình. Thứ tre măng này thật thích, dễ trồng, vừa chống xói mòn đất vừa mang ra chợ là hết ngay. Mỗi mùa có trên dưới ba tấn, tính trung bình 5.000 đồng/kg, gia đình cũng có một khoản thu không nhỏ.
Rừng, ao trước bền vững, có tích lũy rồi mới làm nhà; mới đây thôi gia đình chị Xuyến có bốn gian nhà sàn khang trang. So với nhiều nhà ở Điện Biên, Tuần Giáo… nhà chị chưa to, chưa đẹp lắm nhưng nó gần như hoàn toàn làm từ sản phẩm nhà. Trừ ngói, đinh, một số công thợ còn… cái cột này lấy chỗ đỉnh, cái xà này chỗ… ván sàn chỗ… Thật đúng là cây nhà làm nhà. Câu chuyện trong căn nhà còn thơm mùi gỗ của chúng tôi lại chuyển sang các nhà trong bản, trong xã Tà Lèng. Nông dân Thái, Mông, Khơ Mú ở Tà Lèng còn nghèo (hơn 50%), cái khó bó cái khôn. Những năm qua vợ chồng chị đã giúp bà con giống, vốn, kỹ thuật nhưng cũng chưa được là bao. Chị chỉ mong muốn các cấp chính quyền, Hội Nông dân quan tâm nhiều hơn, cụ thể hơn tới những người trên núi. Họ có sức lao động, chăm chỉ cần cù nhưng chưa bền bỉ ý chí. Bản thân gia đình chị sẽ liên tục cố gắng, duy trì ao, rừng tre bát độ; những năm tới sẽ chuyển đổi một số diện tích cây có giá trị thấp sang cây có giá trị kinh tế cao như na dai, bưởi diễn…
Tạm biệt ngôi nhà sàn, nhớ ao cá, rừng tre, thiên nhiên tuyệt vời. Nhớ cái dáng áo cóm nhỏ nhắn như hoa nắng, thoăn thoắt… Gia đình chị Cà Thị Xuyến với ao, rừng là một chấm xanh phía đông TP Điện Biên Phủ. Gia đình chị là chấm sáng cho bà con người Thái, người Mông, Khơ Mú ở Tà Lèng nương cậy trong đoạn đường vượt khó vươn lên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()