Mạng xã hội sẽ là 'kinh đô mua sắm' mới của người tiêu dùng Việt
Theo số liệu từ GlobalWebIndex (GWI), trong năm qua, 62,6% người tiêu dùng Việt coi mạng xã hội là phương tiện tìm kiếm thông tin về thương hiệu và sản phẩm.
Chuỗi báo cáo Repota do Adsota sản xuất và phát hành thường niên vừa công bố cho thấy giãn cách xã hội kéo dài khiến mạng xã hội trở thành công cụ quan trọng giúp người Việt duy trì kết nối với thế giới xung quanh. Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra dự báo mạng xã hội sẽ là “kinh đô mua sắm” mới của người tiêu dùng trong tương lai không xa.
Mạng xã hội Việt có nhiều chuyển biến lớn
Theo Repota 2022, có tới 75% người tiêu dùng gen Z cho biết sử dụng nhiều hơn 4 nền tảng mạng xã hội cùng lúc, đối với gen Y con số này là 63%.
Ngạc nhiên hơn, với thế hệ gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) – thế hệ được coi là khó tiếp cận Internet và công nghệ, 62% người dùng được hỏi sử dụng tới 3 nền tảng mạng xã hội cùng lúc.
Không những thế, quan sát của Adsota cũng cho thấy mạng xã hội sẽ là “kinh đô mua sắm” mới của người tiêu dùng.
Theo số liệu từ GlobalWebIndex (GWI), trong năm qua, 62,6% người tiêu dùng Việt coi mạng xã hội là phương tiện tìm kiếm thông tin về thương hiệu và sản phẩm.
Con số này cao hơn cả các công cụ tìm kiếm như Google, Bing… (52,9%) hay các ứng dụng mua sắm trên điện thoại (37,9%). Mặc dù vậy, để đưa ra quyết định mua sắm, người tiêu dùng Việt vẫn tin tưởng nhận xét từ người khác (90%) hơn là quảng cáo từ thương hiệu (30%).
Lối sống kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến “lên ngôi”
Hai năm đương đầu cùng đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thói quen mới trong hành vi tiêu dùng. Dù nới lỏng giãn cách đã chấm dứt, người tiêu dùng Việt có cơ hội quay về lối sống trước đại dịch nhưng họ không làm vậy.
Báo cáo Repota 2022 cho thấy thời gian lên mạng trung bình của người tiêu dùng tuy có xu hướng giảm nhẹ (2,2%) nhưng thời lượng lên mạng qua thiết bị di động lại tăng tới hơn 3,5 tiếng/ngày, chiếm hơn 50% tổng thời gian lên mạng.
Điều này khẳng định người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì lối sống trực tuyến song hành cùng ngoại tuyến trong thời gian tới nhằm giúp họ trải nghiệm cuộc sống linh hoạt, thuận tiện và đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, theo Adsota, việc lối sống đầy đủ hơn cũng đồng nghĩa với việc sẽ trở nên phức tạp hơn. Lối sống kiểu mới này “lên ngôi” dẫn đến hành trình mua sắm thay đổi. Sự thay đổi diễn ra từ những hoạt động thường nhật hàng ngày của người tiêu dùng.
Ví dụ: Thay vì gặp gỡ trực tiếp, người tiêu dùng giao tiếp qua mạng xã hội; các hoạt động giải trí ngoài trời giờ được đặt lên bàn cân với nội dung video và gaming; không chỉ làm việc tại văn phòng, làm việc trực tuyến cũng vẫn hiệu quả,…
Trước tình thế đó, các thương hiệu cần chủ động cập nhật, nắm bắt những nền tảng/công cụ mới giúp tiếp cận và truyền tải thông điệp tới người tiêu dùng hiệu quả hơn.
Báo cáo chỉ ra gaming influencer marketing (tiếp thị người ảnh hưởng lĩnh vực Game) hay webinar marketing (tiếp thị hội thảo trực tuyến) đang là xu hướng tiếp thị trong bối cảnh thị trường tái mở cửa.
Bên cạnh đó, webinar (hội thảo trực tuyến) nổi lên như một công cụ thiết yếu giúp người tiêu dùng “bình thường hóa” cuộc sống thường nhật. Những hoạt động như học tập, làm việc, họp mặt,… giờ đây đều diễn ra trên các nền tảng webinar như Zoom, Google Meet, ClickMeeting.
Chỉ tính riêng nền tảng ClickMeeting, có tới gần 40 ngàn sự kiện trực tuyến diễn ra mỗi tuần với thời lượng trung bình 98 phút/sự kiện, tăng 20% so với năm trước đó (theo Repota 2022).
Mặt khác, có tới 40% số người tham dự webinar có thể trở thành khách hàng tiềm năng của thương hiệu. Do đó, việc đầu tư vào việc tạo ra những nội dung giá trị, hữu ích trên nền tảng webinar sẽ là xu hướng tiềm năng các thương hiệu cần chú ý trong thời gian tới.
Nội dung ưa chuộng nhất không chỉ là video
Video tới nay vẫn là dạng nội dung được người tiêu dùng ưa chuộng nhất đồng thời cũng là dạng nội dung có tỷ lệ chuyển đổi tốt nhất.
Dữ liệu từ Repota cho thấy có tới 94,3% người tiêu dùng Việt độ tuổi 16-64 theo dõi video hàng tuần.
Ngoài ra, cứ 10 người dùng Internet thì có đến 4 người thích và mua hàng nhờ xem video do thương hiệu tạo ra (số liệu từ Global Webindex). Vì vậy, đây vẫn là dạng nội dung đáng để thương hiệu đầu tư.
Mặc dù vậy, trong năm qua, dạng nội dung audio (âm thanh) trở nên vô cùng tiềm năng với người tiêu dùng Việt. Số liệu ghi nhận dù thời gian lên mạng trung bình giảm, nhưng thời gian nghe nội dung âm thanh như podcast hay audiobook (sách âm thanh) vẫn không đổi (44 phút/ngày).
Nguyên nhân chính khiến âm thanh “lên ngôi” là do tính đa nhiệm khi vừa có thể giúp người tiêu dùng tiếp thu nội dung, lại có thể vừa làm việc khác.
Ngoài ra, dạng nội dung này cũng khiến họ cảm thấy gần gũi và riêng tư hơn nội dung video./.
Ý kiến ()