Măng ớt Chi Lăng: Cơ hội thành vùng sản xuất lớn
LSO-Đặc sản măng ớt Chi Lăng từ lâu đã nức tiếng cả nước. Tại các điểm du lịch nổi tiếng như Chùa Hương, Yên Tử, Khoang Xanh, Ao Vua... đều đã có mặt sản phẩm này.
LSO-Đặc sản măng ớt Chi Lăng từ lâu đã nức tiếng cả nước. Tại các điểm du lịch nổi tiếng như Chùa Hương, Yên Tử, Khoang Xanh, Ao Vua… đều đã có mặt sản phẩm này. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để Chi Lăng hình thành vùng sản xuất lớn và ổn định. Mới đây việc hợp tác giữa ngành NN&PTNT của Hà Nội và Lạng Sơn đã mở ra cơ hội mới cho măng ớt Chi Lăng.
Sản xuất măng ớt tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng |
Nếu nói về sản xuất măng ớt đơn thuần thì cơ sở sản xuất Vân Quý ở khu II, thị trấn Đồng Mỏ đã bắt đầu từ khá lâu, nhưng nếu sản xuất theo đơn đặt hàng, đưa sản phẩm tới một số điểm tiêu thụ tại chùa Hương thì mới bắt đầu cách đây vài năm. Bà chủ cơ sở sản xuất tâm sự: Măng ớt Chi Lăng được ưa chuộng bởi các yếu tố mang tính đặc hữu của đại phương, trong đó đặc biệt là loại ớt trồng trên đồi đất địa phương vừa có độ đỏ cờ, độ cay hơn hẳn ớt trồng ở các khu vực khác, ngoài ra còn phải kể đến măng tre và mác mật cũng trồng tại địa phương. Có đơn đặt hàng, mối tiêu thụ ổn định, thế nhưng số lượng không nhiều, mỗi năm cơ sở sản xuất Vân Quý chỉ cần khoảng 10 tấn ớt để sản xuất.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, hiện nay trên địa bàn huyện có 30 cơ sở sản xuất măng ớt, có cấp giấy phép kinh doanh và đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó những cơ sở có quy mô lớn như cơ sở Vân Quý có khoảng 11 cơ sở, tập trung tại thị trấn Đồng Mỏ. Ông Vi Nông Trường, Trưởng Phòng NN&PTNT bộc bạch: Lớn là so với quy mô tại địa phương, chứ so với những cơ sở sản xuất ở các nơi khác thì chẳng thấm vào đâu, mặc dù hiện tại sản phẩm măng ớt Chi Lăng đã xuất hiện khá đều đặn tại các điểm du lịch nổi tiếng như Yên Tử, Chùa Hương, Khoang Xanh, Ao Vua… được du khách ưa chuộng, nhưng như thế vẫn chưa phải là nhiều.
Nếu một cơ sở được coi là lớn như cơ sở Vân Quý, mỗi năm sử dụng khoảng 10 tấn ớt để sản xuất, thì làm một phép tính cộng đơn giản cũng thấy rằng mỗi năm 30 cơ sở trên địa bàn không thể sử dụng quá 30 tấn ớt. Trong khi đó, hiện nay diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng có khoảng 100 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm. Đành rằng trong số sản phẩm này có một phần xuất khẩu và cung cấp cho một số thị trường trong nước nhưng một điều ai cũng có thể nhận thấy là nếu qua chế biến, sản xuất măng ớt, thì giá trị kinh tế của sản phẩm sẽ cao hơn rất nhiều. Muốn vậy, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm thêm nhiều đơn đặt hàng lớn hơn và đều hơn là chìa khóa để hình thành vùng sản xuất thực sự lớn trên địa bàn huyện Chi Lăng.
Đầu năm 2013, thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã được ký kết giữa lãnh đạo ngành NN&PTNT của Lạng Sơn và Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận là xúc tiến đầu tư và tiêu thụ nông sản của Lạng Sơn. Trước mắt là tập trung xúc tiến tiêu thụ đối với sản phẩm rau an toàn và măng ớt Lạng Sơn trên thị trường Hà Nội. Đặc biệt phía Hà Nội sẽ hỗ trợ quảng bá sản phẩm trực tuyến thông qua sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn tại địa chỉ www.sanbanbuon.vn. Trong thời gian sắp tới, thông qua đầu mối là ngành NN&PTNT của 2 địa phương, các đơn vị trực thuộc sẽ khâu nối, giới thiệu các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội – Lạng Sơn để tăng cường hoạt động giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường, trong đó có đặc sản măng ớt.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thì măng ớt Chi Lăng được người tiêu dùng thủ đô rất ưa chuộng, và nếu mở rộng được thị trường tại đây thì mỗi tháng Chi Lăng sẽ phải đảm bảo được hàng vạn lọ măng ớt cho thị trường này. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay địa phương đang có hướng thành lập hợp tác xã sản xuất măng ớt, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo thành vùng sản xuất. Tuy nhiên việc trước mắt là chờ những bước đi tiếp theo của ngành NN&PTNT Hà Nội, Lạng Sơn trong việc khâu nối giữa sản xuất, tới tiêu thụ.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()