Măng nứa Vĩnh Yên: “Lộc” của núi rừng
– Từ bao đời qua, người dân trên địa bàn xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia đã quen với việc lên rừng hái măng nứa để phục vụ gia đình. Những năm gần đây, cây măng nứa được nhiều khách hàng ưa chuộng, tìm mua nên với nhiều hộ dân trên địa bàn xã, đây thực sự là “lộc” của núi rừng, cây măng nứa đã góp phần tăng thu nhập cho bà con.
Giữa cái nắng chói chang của những ngày đầu tháng 8/2022, nhiều hộ dân của xã Vĩnh Yên đang tranh thủ phơi những mẻ măng nứa cuối cùng của vụ măng năm nay. Ông Hoàng Văn Hòa, thôn Khuổi Luông, xã Vĩnh Yên cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã theo chân bố mẹ lên rừng hái măng nứa để đem về phục vụ nhu cầu của gia đình. Khoảng 3 năm trở lại đây, măng nứa được thu mua nhiều nên tôi cũng tranh thủ những lúc nông nhàn đi hái măng bán. Mùa măng chỉ kéo dài khoảng 1 tháng nhưng với giá bán tươi khoảng 11 nghìn đồng/kg cũng đem lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng/vụ, giúp gia đình có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống.
Người dân xã Vĩnh Yên phơi măng nứa
Được biết, nứa là cây cùng họ với tre và mọc nhiều trên địa bàn xã với diện tích khoảng 30 ha, sản lượng măng hằng năm ước đạt 50 – 100 tấn tươi. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Khuổi Luông, Khuổi Màn… Hằng năm, bắt đầu từ giữa tháng 5 đến hết tháng 6 (Âm lịch), bà con các thôn lại tranh thủ vào rừng để hái măng nứa.
Nếu như cây tre, cây mai thường được người dân trồng ở gần nhà thì cây nứa lại mọc dại ở ven rừng, nơi ẩm thấp. Vì thế, muốn hái được măng nứa, người dân phải leo núi, xuyên rừng sâu, mất tới hàng tiếng đồng hồ để đến được nơi hái măng. Để kiếm được những ngọn măng non và ngon, người dân phải thông thạo địa hình và có bí quyết hái măng riêng. Theo đó, bà con phải tìm vào những bụi nứa um tùm để bẻ những đọn măng non hoặc tìm những chỗ đất nứt trong bụi rậm, nơi đó có những mầm măng đang đội đất nhô lên. Công việc hái măng đã rất mệt nhọc nhưng khi măng hái xong việc bóc măng tại chỗ cũng vất vả không kém bởi khi bóc măng, lông măng đâm bám vào tay khiến bàn tay chai sần, nhựa măng làm cho tay chân tím bầm, đau rát.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bởi măng nứa có vị ngọt, thơm rất đặc trưng nên từ xưa đến nay loại măng này vẫn được mệnh danh là một trong những loại măng ngon nhất. Mỗi khi đến mùa măng, mỗi ngày một người có thể thu hái được khoảng 20 – 50 kg. Với giá bán măng tươi khoảng 11 nghìn đồng/kg, măng khô khoảng 250 nghìn đồng/kg đem lại nguồn thu từ 10 – 15 triệu đồng/hộ/vụ. Khoảng 3 năm gần đây, loại măng này được nhiều người ưa chuộng và được các thương lái tìm đến thu mua để đem đi tiêu thụ tại các huyện, thành phố hoặc các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Hải Dương… Toàn xã có khoảng 60/208 hộ hái măng nứa vừa để phục vụ gia đình, vừa để bán, tăng thu nhập.
Đặc biệt, nhận thấy cây măng nứa trên địa bàn xã rất được ưa chuộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân nên tháng 10/2021, xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) măng nứa Vĩnh Yên gồm 30 hộ. Đồng thời, tháng 11/2021, UBND xã đã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm măng nứa. Từ đó đến nay, xã được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ in ấn hơn 4.000 bao bì, nhãn mác, hộp đựng… cho sản phẩm măng nứa.
Đáng chú ý, xã luôn tuyên truyền, vận động người dân có ý thức gìn giữ, bảo tồn giống cây này nên khi đào măng, bà con vẫn để lại ít nhiều cây non để măng mọc.
Ông Bàn Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết: Việc thu hái, bán măng nứa không chỉ góp phần quảng bá đặc sản của địa phương mà còn đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Do đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền bà con khoanh vùng bảo tồn, chăm sóc cây măng nứa để cây phát triển tốt hơn, mập hơn và tiến tới lựa chọn măng nứa khô làm sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của xã.
Tin rằng, với sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, sản phẩm măng nứa sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như góp phần lưu truyền văn hóa ẩm thực đặc sắc của địa phương.
Ý kiến ()