Mang no ấm về với đồng bào vùng cao
Đồng bào Mông, ở các xã Sín Chải, Lao Chải, Thanh Thủy, Thanh Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) vừa đón Tết cổ truyền trong niềm vui mới. Tết sung túc hơn với mọi nhà, bởi bà con đã được hưởng lợi từ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, do Đoàn kinh tế - quốc phòng (KT-QP) B13 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang) đang triển khai, thực hiện trên địa bàn.Chợ phiên ở xã Lao Chải gần Tết tấp nập người mua sắm. Ông Lý Văn Xuyên, thôn Lùng Chư Phùng (xã Lao Chải) cố chen vào dòng người để chọn mua cho các con mấy bộ quần áo mới. Ông Xuyên nhẩm tính: 'Cũng đã lâu rồi, ba đứa con ông chưa có được một bộ quần áo mới như chúng bạn. Cũng tại cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi nhà ông. Cái nghèo sẽ còn kéo dài thêm, nếu ngày trước không nghe theo cái bộ đội về định cư ở mốc 238 này'.Trước đó, gia đình ông Xuyên, thuộc diện khó khăn nhất thôn Lùng Chư Phùng. Thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội...
Chợ phiên ở xã Lao Chải gần Tết tấp nập người mua sắm. Ông Lý Văn Xuyên, thôn Lùng Chư Phùng (xã Lao Chải) cố chen vào dòng người để chọn mua cho các con mấy bộ quần áo mới. Ông Xuyên nhẩm tính: 'Cũng đã lâu rồi, ba đứa con ông chưa có được một bộ quần áo mới như chúng bạn. Cũng tại cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi nhà ông. Cái nghèo sẽ còn kéo dài thêm, nếu ngày trước không nghe theo cái bộ đội về định cư ở mốc 238 này'.
Trước đó, gia đình ông Xuyên, thuộc diện khó khăn nhất thôn Lùng Chư Phùng. Thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội giúp nhân dân địa phương ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, đầu năm 2006, Đoàn KT – QP B13 đã tiến hành khảo sát toàn diện các hộ trên địa bàn và vận động nhân dân di cư ra các khu vực giáp biên giới. Quá trình vận động đồng bào định cư sát khu vực biên giới đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Đoàn tiến hành công tác tuyên truyền, vận động lâu dài, kết hợp khảo sát địa điểm, lập dự trù và triển khai dự án, giúp những hộ dân đầu tiên định cư trên miền đất mới. Hộ gia đình ông Xuyên được Đội sản xuất số 3 (đơn vị được giao đóng quân trên địa bàn xã Lao Chải) giúp dựng nhà mới, hỗ trợ một con bò giống và 500 gốc thảo quả. Từ sự giúp đỡ về vốn, kỹ thuật của bộ đội, gia đình ông Xuyên đã dần ổn định cuộc sống. Đến nay, số thảo quả đã cho thu hoạch, bò giống do đơn vị cấp đã sinh sản lứa đầu tiên, gia đình ông dẫu chưa được gọi là giàu nhưng không còn đói nữa. Cùng với gia đình ông Xuyên, 140 hộ dân khác trên địa bàn của xã cũng được Đoàn hỗ trợ giống vốn để phát triển cây thảo quả (một triệu đồng/ha). Thực hiện dự án trồng cây thảo quả, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ giàu. Điển hình như gia đình ông Giàng Vần Chang, ở Bản Phùng, xã Lao Chải. Với diện tích gần 9 ha, chỉ tính riêng trong năm 2010, gia đình ông đã thu nhập từ thảo quả gần 150 triệu đồng. Kết quả đó đã tạo niềm tin trong đồng bào các dân tộc ở huyện Vị Xuyên, đưa phong trào trồng và chăm sóc cây thảo quả ở địa phương phát triển mạnh.
Thượng úy Nguyễn Văn Thuấn, Đội trưởng Đội sản xuất số 6 cho chúng tôi biết: Đặc tính của cây thảo quả chỉ mọc trong rừng già, với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để khảo sát, đánh giá chính xác diện tích rừng và tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ, bảo đảm công bằng, công khai. Đồng thời, hướng dẫn bà con một cách chi tiết, tỉ mỉ cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản thảo quả. Để giúp bà con mở rộng diện tích thảo quả, các anh còn xây dựng 3 ha vườn ươm và cấp giống cây sa mộc, cây mỡ để bà con trồng rừng, mở rộng diện tích thảo quả bền vững. 'Đến nay diện tích thảo quả do đội trực tiếp triển khai đã lên đến 129,2 ha, cũng đồng nghĩa với chừng ấy héc-ta rừng được bảo vệ tốt' – Anh Thuấn khẳng định với chúng tôi như vậy. Nhận thấy hiệu quả và giá trị kinh tế của cây thảo quả, nhân dân cũng tích cực đầu tư giống, vốn trồng mới, đưa diện tích thảo quả toàn xã (gồm bốn thôn: Ngài Là Thầu, Cáo Sào, Lùng Chư Phùng, Bản Phùng) đạt 580,4 ha. Với mức thu bình quân khoảng 15 triệu đồng/ha thảo quả, người dân xã Lao Chải đang từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo, xây dựng quê hương mới. Chủ tịch UBND xã Lao Chải Vi Mạnh Hùng vui mừng chia sẻ với chúng tôi: Cây thảo quả thật sự là động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Chính quyền và nhân dân xã Lao Chải cảm ơn Bộ đội Đoàn KT – QP B13 đã mang đến cho địa phương dự án nhiều ý nghĩa.
Sau những thành công của dự án trồng cây thảo quả ở Lao Chải, Đoàn tiếp tục khảo sát và nhân rộng dự án này ra các địa phương khác của xã Sín Chải, Thanh Đức với tổng diện tích đạt 358 ha. Theo khảo sát bước đầu, hiện đã có 50% diện tích thảo quả từ dự án đã cho thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, mỗi hộ thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/năm. Phát huy thế mạnh địa phương, đầu tư phát triển các dự án phát triển kinh tế – xã hội có trọng điểm… là những nội dung luôn được Đoàn KT – QP coi trọng và thực hiện đồng bộ. Thời gian qua, Đoàn đã trợ giúp 324 con trâu, bò giống giúp các hộ dân trên địa bàn; xây dựng mô hình trồng cây khoai tây, trồng rau, ở xã Thanh Đức; mô hình ruộng năm tấn ở xã Thanh Thủy… Ngoài ra, Đoàn còn đầu tư, trợ giúp nhân dân khai hoang hơn 400 ha ruộng bậc thang, đất trồng cây hoa màu; hoàn thành 24 công trình dự án thủy lợi, điện và nước sinh hoạt, 17 dự án nâng cấp giao thông… với số tiền hàng trăm triệu đồng. Mỗi việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT – QP B13 đều xuất phát từ lòng quyết tâm mang no ấm đến với đồng bào nơi vùng cao biên giới. Các anh hiểu rằng: Mảnh đất nơi đây vẫn cần nhiều hơn những việc làm như thế.
Trong nắng xuân dịu nhẹ, các chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc mầu, xen lẫn bóng áo xanh của những người lính cùng nhau chơi các trò chơi ném còn, đẩy gậy, chọi gà… Nét nhọc nhằn của những ngày mưu sinh cuộc sống chưa phôi pha, song chúng tôi chợt nhận ra niềm lạc quan và sự tự tin trước cuộc sống mới qua tiếng khèn của một chàng trai trong xã vừa tấu. Tiếng khèn gọi bạn mang âm hưởng đằm thắm, du dương vút cao giữa trời xuân miền sơn cước cực bắc Tổ quốc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()