Mang lại niềm vui sáng mắt
LSO-Trung bình mỗi năm địa bàn tỉnh có khoảng 800 – 900 người bệnh được mổ mắt, trong đó có khoảng 700 người được mổ đục thủy tinh thể. Con số ấn tượng trên vừa thể hiện được những cố gắng của tập thể cán bộ, y bác sĩ làm việc tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh vừa thể hiện chừng đó niềm vui của người bệnh được thấy ánh sáng của cuộc sống.
Cán bộ Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội kiểm tra mắt sau phẫu thuật cho người bệnh |
3 năm trước, anh Hoàng Văn Noọng, 42 tuổi, ở thôn Trung Thượng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt. Gia đình thuộc diện khó khăn mà anh là lao động chính lại phải phụ thuộc vợ, con từ những cái nhỏ nhất. Anh Noọng chia sẻ: Được giới thiệu vào mổ mắt tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, sau khi mổ mắt trái, tôi đã có thể nhìn thấy mọi vật. Bây giờ tôi đang chờ để mổ tiếp mắt còn lại. Không gì vui sướng bằng việc có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh mình và quan trọng nhất là giảm được gánh nặng cho gia đình.
Vỡ òa trong niềm vui bên con cháu ngày tháo băng mắt, đó là tâm trạng của bà Nguyễn Thị Tại, 70 tuổi ở làng Trung, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Trước kia, mọi thứ chỉ được bà Tại cảm nhận qua đôi bàn tay. Nhưng sau ngày mổ mắt, cuộc sống muôn màu hiện ra, con cháu đông đủ quây quần bên cạnh, bà Tại không nén nổi xúc động: “Gia đình tôi cảm ơn các bác sĩ ở trung tâm nhiều lắm. Bây giờ tôi có thể tự lo sinh hoạt cá nhân và trông được các cháu rồi”.
“Khó có thể diễn tả được cảm xúc của những người bệnh đã nhìn thấy ánh sáng. Chỉ biết rằng, niềm vui đó không chỉ hiện hữu trên khuôn mặt của từng bệnh nhân, của người nhà người bệnh mà còn là niềm vui của các cán bộ, bác sĩ trong trung tâm sau thành công của mỗi ca mổ” – Bác sĩ Lê Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết.
Thống kê của Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội tỉnh cho thấy: tỷ lệ người dân mắc các bệnh về mắt chiếm khoảng 0,4% dân số toàn tỉnh. Trung bình, tại trung tâm, các bác sĩ tiến hành mổ 15-20 ca đục thủy tinh thể/tuần. Người bệnh sau khi mổ 1 ngày có thể tháo băng và tra thuốc, thử thị lực. Sau đó mắt sẽ sáng dần lên, từ 3-6 tháng thì thị lực có thể khôi phục hoàn toàn.
Ngoài việc khám, mổ mắt tại trung tâm, các bác sĩ cũng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện để khám và mổ mắt cho người bệnh tại địa bàn. Từ đầu năm 2016 đến nay, trung tâm đã hoàn thành kế hoạch “mắt sáng cho người cao tuổi” năm 2016 ở các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Bình Gia với hơn 160 ca mổ đục thủy tinh thể, mộng, quặm. Đây là chương trình phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh theo nhu cầu của huyện và của hội viên. Năm nay, trung tâm cũng tích cực cử các bác sĩ đi khám sàng lọc ở 4 huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình, Đình Lập và thực hiện phẫu thuật cho hơn 100 người bệnh. Dự kiến cuối tháng 9/2016 sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế 2 huyện Hữu Lũng và Bắc Sơn mổ mắt cho người bệnh tại 2 huyện này.
Để có thể thực hiện được khối lượng công việc như vậy, trung tâm đã sử dụng hiệu quả hệ thống mổ Pha Cô do Sở Y tế đầu tư; các máy móc hiện đại khác phục vụ cho việc khám, mổ và phục hồi mắt sau phẫu thuật như: siêu âm mắt, sinh hiển vi phẫu thuật… Bên cạnh đó, duy trì 2 bác sĩ mô mắt Pha Cô được đào tạo chính quy, 3 bác sĩ phụ mổ chuyên khoa 1. Đồng thời, 100% điều dưỡng phụ việc đều được tập huấn nghiệp vụ ở Viện Mắt Trung ương.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã phẫu thuật 333 ca đục thủy tinh thể, đạt 67% kế hoạch. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm. Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện 160 ca mổ mộng, quặm cho người bệnh. Chia sẻ thêm, bác sĩ Lê Bích Thủy cho biết: Trung tâm mong muốn được đầu tư máy mổ lưu động để phục vụ việc mổ mắt tại cộng đồng, mang ánh sáng đến cho thêm nhiều người bệnh.
HOÀI AN
Ý kiến ()