Mang hài lòng cho khách hàng
Lễ tân Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn hướng dẫn khách đặt phòng |
Theo thống kê của Sở VHTTDL, toàn tỉnh hiện có hơn 260 nhà hàng, khách sạn lớn, nhỏ với khoảng 300 người làm bộ phận lễ tân. Hằng năm, Sở VHTTDL thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hàng khách sạn tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ cho nhân viên bộ phận lễ tân. Thời gian tập huấn thường kéo dài khoảng 5 ngày với các nội dung chủ yếu như: cách đón tiếp, chào khách, phục vụ khách, từ chối khách… Từ năm 2010 đến nay, sở tổ chức được 6 lớp tập huấn về nghiệp vụ lễ tân với hơn 400 học viên tham gia.
Cùng với đó, Sở VHTTDL đã tuyên truyền, vận động chủ các nhà hàng, khách sạn tích cực tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên lễ tân. Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn là một doanh nghiệp lớn với 11 nhân viên lễ tân và cũng là đơn vị tiêu biểu, quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ phận này.
Ông Vũ Minh Tuân, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn cho biết: Bộ phận lễ tân có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh và quyết định tính chuyên nghiệp của khách sạn, nhà hàng. Vì thế, chúng tôi luôn sắp xếp thời gian cho nhân viên tham gia tập huấn nghiệp vụ theo chương trình của Sở VHTTDL hằng năm cũng như tập đoàn, định kỳ 6 tháng/lần. Ngoài ra, nhân viên lễ tân của khách sạn còn được tham gia tập huấn quản lý lễ tân để nâng cao tính chuyên nghiệp.
Không chỉ riêng khách sạn Mường Thanh, ở các nhà hàng, khách sạn khác trên địa bàn, đội ngũ lễ tân cũng được quan tâm nâng cao chất lượng. Chị Lành Thị Thanh Bình, lễ tân Nhà khách Tỉnh ủy cho biết: Tôi và đồng nghiệp thường xuyên được đơn vị tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân do Sở VHTTDL tổ chức. Vì thế, chúng tôi được cập nhật những kiến thức mới, phục vụ khách hàng được tốt hơn.
Đã nhiều lần đến Lạng Sơn, chị Hoàng Thanh Hương (thành phố Hà Nội) cho biết: Mỗi lần đi công tác hay du lịch Lạng Sơn, tôi cảm thấy rất thoải mái, hài lòng vì nhân viên lễ tân ở đây rất thân thiện, chu đáo, nhiệt tình. Có lần tôi để quên đồ dùng cá nhân, được các bạn tìm giúp và gửi về tận nhà.
Thực tế trên cho thấy, phần lớn nhân viên lễ tân ở các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn toàn tỉnh đều được đào tạo bài bản và tạo nên những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và bạn bè gần xa khi đến Xứ Lạng.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 1383/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề lễ tân, trong 10 năng lực cơ bản, 12 năng lực chung thì nhân viên lễ tân phải biết sử dụng Tiếng Anh ở cấp độ giao tiếp cơ bản và chuẩn bị các tài liệu kinh doanh bằng tiếng Anh. Trong khi đó, khách du lịch đến Lạng Sơn thường sử dụng tiếng Trung nên cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình giao tiếp, phục vụ khách.
Để khắc phục hạn chế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách khi đến với Lạng Sơn, bà Đặng Thùy Lan, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ phận lễ tân ở các nhà hàng, khách sạn; tổ chức các hội thi để nhân viên có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tự xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân viên tại đơn vị.
Ý kiến ()