Mang chữ đến với phụ nữ vùng cao
Lớp xóa mù chữ do bộ đội biên phòng tổ chức tại bản Noong Phụ, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La).
Từ câu chuyện buồn
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La Vì Thị Bình cho biết, công tác PCGD – XMC ở tỉnh miền núi Sơn La không dễ dàng. Một phần do điều kiện tự nhiên ở vùng núi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, một phần do điều kiện xã hội, mặt bằng dân trí thấp. Nhưng chủ yếu do đặc điểm Sơn La là tỉnh có 12 dân tộc anh em, dân số 1,2 triệu người nhưng có đến 83,7% trong số đó là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế nghèo nàn, phong tục tập quán còn lạc hậu, cho nên tỷ lệ người chưa biết chữ cao.
Trước đây, có thời điểm 99% số dân Sơn La không biết chữ, nhưng đến nay tỷ lệ này đã được cải thiện, phổ cập giáo dục đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn nhiều người chưa biết chữ, phần lớn là chị em phụ nữ và trẻ em. Khi tổng kết công tác di dân thủy điện Sơn La, các cơ quan chức năng phát hiện trong số 12.584 hộ dân thuộc diện đối tượng được hưởng chính sách thì có hàng trăm người phải điểm chỉ vào hồ sơ bồi thường hỗ trợ vì không biết chữ. Năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La đã có cuộc khảo sát, phát hiện hàng nghìn chị em ở vùng cao biên giới không biết chữ, khi tham gia bầu cử phải xác nhận bằng điểm chỉ dấu vân tay. Ngay sau đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La đã xây dựng chương trình xóa mù chữ cho chị em hội viên phụ nữ. Hội đã làm việc với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh, tổ chức đánh giá lại hiện trạng, phối hợp các ngành thực hiện PCGD – XMC cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020.
Một câu chuyện khác, bà Cầm Thị Chiêu, một giáo viên nghỉ hưu, ở tổ 14 phường Quyết Thắng, TP Sơn La, kể lại: Ngay trên địa bàn phường, một số chị em đồng bào dân tộc H’Mông chuyển xuống thành phố sinh sống. Trong bảy gia đình thì bốn hộ có chị em không biết chữ, gặp khó khăn trong cuộc sống. Bà Chiêu đã đến thăm hỏi, động viên các chị đi học XMC. Sau bốn tháng học chữ, các chị đã biết đọc, viết, biết tính toán ở mức độ thông thường. Lớp học “đặc biệt” này không chỉ dạy chữ, bà Chiêu còn giúp chị em học kỹ năng giao tiếp xã hội, biết sắp xếp công việc gia đình hiệu quả hơn. Bà Chiêu cho biết, những chị em có người thân là cán bộ còn như thế thì số chị em phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa khác của tỉnh Sơn La, tỷ lệ không biết chữ chắc chắn còn cao…
Ðến nỗ lực mang chữ
Trước thực trạng đó, năm 2015, HÐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 113/2015/NQ-HÐND ngày 10-9-2015 về chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái học chương trình XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của tỉnh, chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục, trường học, đoàn thể, tổ chức xã hội, bộ đội biên phòng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ, trẻ em gái đến các lớp XMC. Theo thống kê của Ban chỉ đạo PCGD – XMC tỉnh, trong độ tuổi từ 15 – 60, toàn tỉnh còn 23.378 người chưa biết chữ, trong đó 15.584 người là chị em phụ nữ.
Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì đã xây dựng chương trình phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Nông dân để phân công trách nhiệm, thực hiện công tác PCGD – XMC. Việc tổ chức dạy học, quản lý lớp học đã bảo đảm theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Ðối với phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ lần đầu huy động ra lớp thực hiện chương trình xóa mù chữ theo quy định 1.500 tiết (tương đương trình độ lớp 3), chương trình giáo dục tiếp theo, giai đoạn 2 quy định 1.080 tiết (tương đương trình độ lớp 5). Theo đó, Nghị quyết số 113 đã đề ra mức hỗ trợ trực tiếp cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ là 10 nghìn đồng/người/buổi. Hỗ trợ tối đa cho mỗi học viên học chương trình XMC là 1.500.000 đồng; học chương trình giáo dục sau khi biết chữ là 1.080.000 đồng. Nhờ có sự động viên, khích lệ bằng vật chất cho nên bà con nhân dân đã hưởng ứng ra lớp một cách sôi nổi. Nhiều địa phương có mô hình tổ chức lớp hợp lý, phù hợp tập quán sản xuất của đồng bào. Những nơi có điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp thì mở tập trung vào ban ngày tại các cơ sở trường học. Một số nơi lại tổ chức dạy học vào ban đêm, từ 20 giờ đến 22 giờ. Cách thức tổ chức đa dạng, vận dụng uyển chuyển thời gian tại từng nơi đã giúp việc học tập hiệu quả.
Thượng tá Quàng Văn Tiên Trưởng ban Vận động quần chúng – Phòng chính trị BÐBP tỉnh Sơn La, cho biết: Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện công tác XMC từ nhiều năm trước. Riêng trong ba năm 2017 đến 2019, BÐBP tỉnh đã mở được chín lớp PCGD – XMC ở bốn đồn biên phòng, với 239 học viên tham gia. Thông qua các lớp học, ngoài học chữ, còn tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt địa bàn, xây dựng tình cảm gắn bó giữa bộ đội với nhân dân vùng biên giới. Chính từ lớp học PCGD – XMC do Ðồn Biên phòng Nậm Lạnh tổ chức, chị Vừ Thị Súa, từ người chưa biết chữ nay đã được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ bản Nậm Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp.
Qua ba năm thực hiện Nghị quyết số 113/2015/NQ-HÐND, tỉnh Sơn La đã tổ chức được 324 lớp xóa mù chữ và lớp học sau biết chữ cho 9.630 phụ nữ, trẻ em gái. Năm 2018, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 – 60 chiếm 97,15%, trong đó nữ chiếm 96,8%. Số phụ nữ và trẻ em gái mù chữ trong toàn tỉnh không còn nhiều, chỉ khoảng 3% số dân. Hiện nay, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Sơn La đã xây dựng chương trình phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục duy trì công tác PCGD – XMC giai đoạn 2020 – 2025. Càng về sau công tác này càng khó khăn do người chưa biết chữ sinh sống rải rác ở các bản, xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Nhưng với quyết tâm nâng cao hiểu biết, kiến thức cho chị em phụ nữ, từng bước đẩy lùi việc phân biệt đối xử, tạo sự bình đẳng giới thì tỉnh Sơn La xác định PCGD – XMC, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái là mục tiêu quan trọng.
Ý kiến ()