Màng chitosan - kéo dài thời gian bảo quản quả quýt
– Trong điều kiện tự nhiên quả quýt của tỉnh Lạng Sơn chỉ tươi ngon trong vài ngày nên khâu bảo quản sau thu hái gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm ra cách kéo dài thời gian bảo quản quả quýt với chi phí thấp.
Lạng Sơn có khoảng 1.000 ha quýt, cho sản lượng khoảng 6.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bắc Sơn, Tràng Định. Từ lâu, quýt ở Lạng Sơn, nhất là quýt vàng Bắc Sơn đã nổi tiếng vì hương vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy vậy, thời gian bảo quản sau thu hoạch ngắn. Từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2019, nhóm nghiên cứu do phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thế Chính, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên làm chủ nhiệm đã triển khai nghiên cứu đề tài “Ứng dụng màng sinh học chitosan – nano bạc nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả quýt của tỉnh Lạng Sơn”.
Người dân huyện Bắc Sơn thu hoạch quýt
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thế Chính cho biết: Màng chitosan có thể tạo thành từ những nguyên liệu sẵn có trong đời sống hằng ngày như: côn trùng, vỏ giáp xác (tôm, cua…). Qua các thí nghiệm cho thấy: chitosan có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn như E.Coli. Một số dẫn xuất của chitosan diệt được nấm hại và làm chậm quá trình bị thâm của rau, quả, an toàn với sức khỏe người sử dụng. Màng này có độ bền tương đương màng PE nên khá dai và khó rách. Chính vì vậy, chúng tôi chọn vật liệu này để kéo dài thời gian bảo quản quả quýt ở Lạng Sơn. Màng chitosan nano bạc có 2 ưu điểm nổi bật là tính năng bảo quản tốt hơn so với màng chitosan, khả năng phân hủy nhanh hơn.
Quy trình bảo quản bằng màng chitosan nano bạc được thực hiện sau khi quả quýt được làm sạch bụi bẩn bằng nước muối sinh lý, hong khô rồi được phun bao dung dịch chitosan nano bạc. Lớp màng bao rất mỏng khó quan sát bằng mắt thường nên không ảnh hưởng đến màu sắc tự nhiên của quả quýt. Quả quýt sau khi phun sương chitosan nano bạc được đưa vào các thùng các – tông để bảo quản lâu dài.
Quá trình thử nghiệm cho thấy: sử dụng màng chitosan nano bạc kết hợp với sử dụng kho lạnh có nhiệt độ từ 10 đến 12oc thì quả quýt được giữ tươi tối đa 30 ngày. Sau 30 ngày, tỷ lệ hao hụt do thối, hỏng là 6%, độ hao hụt khối lượng 6%, độ cứng của quả giảm sau 20 ngày, vitamin C giảm nhẹ, tuy nhiên, hàm lượng đường và chất sơ tăng. Ở nhiệt độ phòng, thời gian bảo quản được tối đa 15 ngày, tỷ lệ hư hỏng là 5%. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tổng chi phí nguyên liệu và nhân công là 810.000 đồng cho 10 lít dung dịch, mỗi lít sử dụng được cho 50 kg quả quýt, tương đương chi phí 1.620 đồng/1 kg quýt.
Đặc biệt, nhóm còn nghiên cứu phương pháp pha chế dung dịch chitosan mới với mục tiêu đơn giản hóa để có thể chuyển giao cho người dân quy trình pha chế, giảm giá thành. Nhóm đã sử dụng chitosan kết hợp với dấm ăn và benzoat để bảo quản quả quýt. Kết quả cho thấy hiệu quả bảo quản tương đương dung dịch chitosan nano bạc nhưng giá thành chỉ bằng 1/3. Bà Hoàng Thị Xuân, thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Trong điều kiện bình thường, quả quýt chỉ tươi ngon khoảng 1 tuần. Đây là cái khó của người trồng và kinh doanh mặt hàng này. Năm 2019, gia đình tôi được cấp phát 4 lít dung dịch chitosan nano bạc để bảo quản 150 kg quýt. Sau khi bao màng, quả quýt vẫn giữ được độ tươi ngon trong 1 tháng. Phương pháp bảo quản này có ích rất lớn với người trồng quýt như chúng tôi.
Với những ý nghĩa thiết thực đó, đề tài “Ứng dụng màng sinh học chitosan – nano bạc nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả quýt của tỉnh Lạng Sơn” đã được Hội đồng khoa học đánh giá đạt và nghiệm thu năm 2021. Việc tìm ra phương pháp bảo quản này có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm quýt. Để mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng quýt, nhóm nghiên cứu đề xuất với chính quyền và ban, ngành liên quan của tỉnh đầu tư mô hình bảo quản quả quýt với quy mô công nghiệp nhằm phục vụ xuất khẩu và đưa vào những siêu thị hoa quả theo quy chuẩn; đề nghị lãnh đạo các huyện đầu tư kho lạnh theo thôn, xã để làm tốt công tác bảo quản để kéo dài vụ quýt
Ý kiến ()