Mang ánh sáng cho người dân
– Trong năm 2022, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội tổ chức chương trình khám, chữa các bệnh về mắt cho người dân. Thông qua chương trình, giúp người nghèo vùng sâu, vùng cao, biên giới được tư vấn sức khỏe, được tiếp cận với thiết bị y tế hiện đại, cách chăm sóc mắt và phát hiện sớm các bệnh về mắt để kịp thời điều trị, mang lại ánh sáng cho người nghèo.
Bà Nông Thị Chuyên (sinh năm 1959), khu phố Ngọc Quyến, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia bị bệnh mộng mắt thường xuyên sưng tấy, bỏng rát, khô, ngứa gây khó chịu ở vùng mắt. Nếu không được phẫu thuật sớm khối u sẽ phát triển lớn dần lan đến giác mạc, biến dạng giác mạc và gây cản trở tầm nhìn của mắt. Về lâu dài không chữa trị sớm sẽ gây biến chứng viêm mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa. Do kinh tế gia đình bà không khá giả nên chưa có điều kiện đi khám, điều trị mắt. Tháng 7/2022, bà Chuyên biết được thông tin có đoàn bác sỹ từ Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội đến khám các bệnh về mắt tại thị trấn Bình Gia, bà đã chủ động nhờ con cháu đưa đến khám và được bác sỹ chỉ định phẫu thuật mộng mắt. Sau khi được các bác sỹ tư vấn, bà đã quyết định xuống Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội phẫu thuật. Từ khi phẫu thuật về được 2 tháng, mắt trái của bà đã hồi phục, không còn bị những triệu chứng đau, sưng tấy và cản trở tầm nhìn như trước đây.
Bác sỹ Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội khám các bệnh về mắt cho người dân huyện Văn Quan
Bà Nông Thị Chuyên chia sẻ: Hiện nay, mắt tôi đã hoàn toàn bình phục. Khi đi phẫu thuật tôi được hưởng bảo hiểm y tế nên không phải chi trả viện phí, tôi còn được Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội hỗ trợ chi phí đi lại, ăn uống tại bệnh viện. Đến nay, mắt tôi đã lành lặn, thuận tiện cho sinh hoạt hằng ngày.
Không chỉ có bà Chuyên mà trong năm 2022, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội tổ chức khám, chữa các bệnh mắt cho trên 12.000 người dân sinh sống tại 83 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Bình Gia, Văn Lãng, Đình Lập, Lộc Bình, Văn Quan. Người dân tham gia chương trình được các bác sỹ khám, tư vấn các bệnh về mắt như: Đo thị lực; kiểm tra và phát hiện các bệnh về mắt trên máy sinh hiển vi, kiểm tra đáy mắt, mộng mắt. Đồng thời, các bác sỹ còn thăm khám, tư vấn các phương pháp điều trị các bệnh về mắt, giải đáp các thắc mắc về tình hình sức khỏe của người bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Trong đó, có 330 người được phẫu thuật thay thủy tinh thể, mổ mộng mắt và đã có đôi mắt sáng trở lại. Đồng thời, các bệnh nhân xuống Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội phẫu thuật còn được bệnh viện hỗ trợ kinh phí đi lại, tiền sinh hoạt ăn uống, điều trị tại bệnh viện. Nguồn kinh phí do Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội tài trợ.
Để hoạt động khám, tư vấn các bệnh về mắt và cấp phát thuốc miễn phí được người dân biết đến và tham gia, ngay từ đầu năm 2022, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội thống nhất lên kế hoạch cụ thể, lựa chọn các đối tượng, địa điểm tổ chức hoạt động. Cùng với đó, Hội CTĐ tỉnh chỉ đạo các đơn vị huyện hội triển khai kế hoạch đến toàn bộ các xã, thị trấn và tiến hành đăng ký số người tham gia khám tại chương trình. Dựa trên số lượng người đăng ký cao hay thấp, Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội sẽ tổ chức khám theo cụm xã hoặc từng xã, thị trấn để đạt được kết quả cao nhất.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Đây là lần thứ hai, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội tổ chức khám, chữa các bệnh về mắt tại Lạng Sơn. Lần đầu tiên tổ chức chương trình từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến giữa năm nay mới tổ chức lại được hoạt động nhân đạo này. Qua đó, đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đối tượng thuộc hộ nghèo, chính sách, người già neo đơn ở các xã vùng sâu, vùng cao, biên giới được tiếp cận với thiết bị y tế hiện đại, được các bác sỹ khám tận tình, tư vấn cách chăm sóc, bảo vệ cho đôi mắt sáng, khỏe để phục lao động, sinh hoạt hằng ngày. Chương trình không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mà còn có những tác dụng tích cực trong việc tuyên truyền, vận động xã hội yêu thương, đùm bọc lần nhau, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc.
Chăm sóc sức khỏe nói chung và đem lại ánh sáng cho người nghèo nói riêng là một nghĩa cử cao đẹp, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Hoạt động thiết thực này không chỉ mang lại niềm vui cho các đối tượng được thụ hưởng và nguồn động viên tinh thần to lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 người bị khiếm thị, còn số lượng người bị mắc các bệnh về mắt vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Cùng với đó, người khiếm thị do đục thủy tinh thể, màng, mộng mắt tập trung nhiều ở vùng sâu, vùng xa. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên họ chưa tìm đến các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe và nhiều người không biết rằng họ có thể tìm lại được ánh sáng nếu được phẫu thuật. Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhất là khám chữa các bệnh về mắt đạt kết quả cao, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các địa phương trong tuyên truyền đến người dân. Nhất là công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với các bệnh viện lớn của Trung ương, các bệnh viện chuyên khoa về mắt để tổ chức các hoạt động khám, chữa các bệnh về mắt, tư vấn sức khỏe, cách chăm sóc, bảo vệ đôi mắt khỏe, mắt sáng, đồng thời hỗ trợ phẫu thuật mắt cho người bệnh để họ có sức khỏe tốt, yên tâm lao động sản xuất, sinh hoạt, vươn lên phát triển kinh tế.
Ý kiến ()