'Mạng 5G là cuộc cách mạng viễn thông để kiến tạo xã hội số'
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CNVT Quân đội (Viettel) |
Triển khai 5G tại Việt Nam theo nhu cầu người dùng
Viettel mới đây đã thực hiện kỹ thuật cuộc gọi 5G đầu tiên. So với các nước khác, tốc độ triển khai 5G ở Việt Nam ra sao?
Ông Tào Đức Thắng:Viettel nhận giấy phép thử nghiệm 5G vào ngày 23/1, là nhà mạng đầu tiên nhận giấy phép thử nghiệm 5G tại Việt Nam và Viettel cũng đã là nhà mạng đầu tiên thực hiện cuộc gọi 5G tại Việt Nam ngày 10/5. Trước đây, Việt Nam triển khai các mạng di động 2G, 3G, 4G sau thế giới từ 7-10 năm. Đến 5G, Việt Nam mới thuộc nhóm nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G, chỉ sau các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia.
Vừa qua, tại hội nghị di động thế giới thì những thiết bị 5G đầu tiên mới được trình diễn. Có thể nói, Viettel đang song hành với việc triển khai mạng 5G toàn cầu.
Khi triển khai mạng 4G, Viettel làm theo kiểu “tổng lực”, ngay lập tức xây dựng mạng lưới trên toàn quốc đến tận vùng sâu, vùng xa, biển đảo. Đối với mạng 5G, Viettel có áp dụng cách làm này?
Ông Tào Đức Thắng:Trước mắt, chúng tôi sẽ triển khai 5G đáp ứng theo nhu cầu, tức là nơi nào có nhu cầu lớn thì sẽ triển khai 5G. Hiện nay, mạng 4G đã phủ sóng toàn quốc, cơ bản đáp ứng được các nhu cầu internet tốc độ cao của các khách hàng thông thường. 5G sẽ được triển khai ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các nhà máy thông minh, các bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, những nơi đòi hỏi tốc độ mạng thật đặc biệt, dung lượng cao, độ trễ thấp, thậm chí có thể truyền hình ảnh theo thời gian thực, để làm nền tảng cho những công nghệ mới. Như vậy, Viettel sẽ không triển khai đồng loạt mạng 5G mà sẽ theo nhu cầu của khách hàng.
5G của Viettel không chỉ là tốc độ
Có ý kiến cho rằng hiện lượng khách hàng chuyển đổi từ 2G, 3G sang 4G chưa được như mong muốn, nhiều người dân vẫn dùng mạng 3G, thậm chí mạng 2G. Vậy đầu tư mạng 5G vào lúc này có thực sự cần thiết?
Ông Tào Đức Thắng: Hết tháng 4/2019, Viettel đã có 17 triệu thuê bao 4G; dự kiến, đến hết năm nay lũy kế sẽ có khoảng 24 triệu thuê bao 4G. Tốc độ chuyển đổi sử dụng sang mạng 4G như vậy là nhanh. Mạng 4G giúp khách hàng tra cứu, học tập, giải trí thuận lợi hơn rất nhiều, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, từ đó thúc đẩy nền kinh tế-xã hội số.
Cũng cần làm rõ, các mạng 3G, 4G chỉ là sự tiến hóa của tốc độ truyền dữ liệu viễn thông đáp ứng các nhu cầu thông thường của người dùng, chưa phục vụ được sản xuất công nghiệp thông minh, công nghiệp robot. Đến 5G thực sự là cuộc cách mạng khi tốc độ kết nối mà chúng tôi thử nghiệm đạt tới 1,5-1,7 Gbps, tức là gấp hơn 40 lần tốc độ 4G, gấp hơn 100 lần tốc độ 3G. Đây không chỉ đơn thuần là “hơn” hay “kém” về tốc độ truyền tải trong công nghệ mạng viễn thông, mà phải gọi là sự khác biệt hoàn toàn, như giữa “có” hay “không”. Muốn là những nước dẫn đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải có mạng 5G.
Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ tháng 7/2018 báo cáo về nghiên cứu, triển khai công nghệ 5G, Bộ TT&TT cũng đã nêu rõ xu hướng phát triển của hệ sinh thái số hóa toàn cầu và các dịch vụ, ứng dụng trên nền tảng internet vạn vật, (IoT), dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi công nghệ mới mà hiện 3G, 4G đang triển khai không hoàn toàn đáp ứng được. Do vậy, triển khai công nghệ 5G là nhằm đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển trong hiện tại và tương lai.
Cần các doanh nghiệp cùng triển khai hệ sinh thái 5G
Để mạng 5G mang lại hiệu quả lớn thì cần phải có một hệ sinh thái các ngành công nghiệp ứng dụng 5G. Vậy Viettel làm những gì cho quá trình chuẩn bị này?
Ông Tào Đức Thắng:Viettel đã triển khai các giải pháp kỹ thuật trên 4G để thực hiện cho kết nối vạn vật (IoT), đồng thời đầu tư mở rộng thêm các platform (nền tảng kỹ thuật – PV) cho IoT. Chúng tôi sẽ tạo ra sân chơi để các nhà sáng tạo đưa ra các giải pháp phục vụ nhu cầu của con người, của xã hội dựa trên nền tảng kết nối IoT. Trên nền tảng 4G, Viettel đã có giải pháp bãi đỗ xe, camera giám sát, tích hợp công tơ điện trên máy điện thoại, thu nhiệt, cảm biến nhiệt để giám sát môi trường nước phục vụ cho nuôi tôm…
Nhưng 5G sẽ tạo thế mạnh vượt trội cho các giải pháp trong tương lai. Việc phát triển 5G mang lại hiệu quả thay đổi nền sản xuất và đời sống thế nào phụ thuộc rất nhiều vào các nhà phát triển ứng dụng. Tốc độ truyền tải dữ liệu cao, độ trễ thấp và kết nối số lượng lớn là thế mạnh của 5G, sẽ giúp phát triển thêm nhiều ứng dụng, công nghệ để giải quyết các vấn đề của sản xuất và xã hội. Để có nhiều ứng dụng để kết nối vào thành hệ sinh thái, chắc chắn một mình Viettel không thể làm hết, mà cần có nhiều công ty cùng tham gia cung cấp dịch vụ ứng dụng dựa trên nền tảng 5G. Bộ KH&CN đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo kết nối IoT là cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các ý tưởng sáng tạo từ internet vạn vật.
Về phía nhà mạng, Viettel là hỗ trợ về đường truyền và platform. Hiện nay, các start up đã hiểu thế mạnh của 5G rồi. Vấn đề là họ cần bắt tay vào phát triển ứng dụng.
Những thách thức lớn trên con đường triển khai hệ sinh thái đó mà Viettel cần vượt qua là gì, thưa ông?
Ông Tào Đức Thắng:Hiện Viettel mới thử nghiệm 5G ở quy mô nhỏ, chứ còn để triển khai chính thức chắc chắn phải có tần số riêng, phù hợp cho 5G. Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là tần số nào để làm 5G. Như Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nói là tần số cho 5G nhu cầu phải gấp 10 lần tần số cho 4G. Chính vì vậy, để triển khai 5G bắt buộc phải triển khai đấu giá sớm tần số.
Đối với băng tần 3500 MHz thì cấu trúc như 2100-2600 MHz, có thể lắp đặt tại vị trí các trạm đã có sẵn. Nhưng đối với các tần số siêu cao, đến 28 GHz thì bắt buộc các nhà mạng phải triển khai cấu trúc mạng mới với các trạm bên trong nhà, trạm rất dày, phải triển khai thêm cột nhỏ thì mới đảm bảo được, nếu không có tần số phù hợp thì tín hiệu sẽ bị suy hao hết, bằng 0, không qua được tường nhà.
Cảm ơn ông.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()