Màn hình LCD của máy tính, điện thoại ảnh hưởng tới sức khỏe con người
Hàng năm thế giới sản xuất ước tính khoảng 198 triệu km2 màn hình LCD và hơn 48,5 triệu thiết bị LCD đã bị loại bỏ ra môi trường thành rác điện tử. Đó là nguồn độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe của con người khi sử dụng thiết bị điện tử và sinh vật biển khi rác thải điện tử bị chảy ra đại dương.
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kết nối Innovaconnect VinFuture lần thứ 2 có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực này, thu hút được sự quan tâm của giới khoa học Việt Nam.
Trong bài trình bày với chủ đề "Những tiến bộ trong nghiên cứu về các chất gây ô nhiễm mới nổi: từ giám sát đến hợp tác toàn cầu để quản lý ô nhiễm hiệu quả", Giáo sư Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) đã cảnh báo về những tác hại từ màn hình điện thoại, máy tính đến không chỉ người sử dụng mà còn cả các loài sinh vật biển khi rác thải điện tử bị xả thải ra đại dương.
Giáo sư Kenneth Leung cho biết: "Tất cả chúng ta đều đang sử dụng điện thoại di động và tôi rất tiếc phải nói rằng điều đó không an toàn một chút nào".
Ông giải thích, trong màn hình LCD của điện thoại di động đều có mô-đun tinh thể lỏng LCM (LCD Module). Trong một màn hình LCD thường sử dụng hỗn hợp gồm 10 đến 20 LCMs.
Theo một nghiên cứu vào năm 2018, hàng năm thế giới sản xuất ước tính khoảng 198 triệu km2 tấm màn hình LCD và hơn 48,5 triệu thiết bị LCD đã bị loại bỏ ra môi trường thành rác điện tử. Một LCM điển hình bao gồm khung hydrocarbon cứng và các vòng cyclohexyl/aromatic khiến chúng bền vững, tích lũy sinh học và gây độc cho sinh vật sống.
Các chất này đã xâm nhập vào tóc, da tay người sử dụng. Và nếu như chúng ta càng sử dụng nhiều thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại và các thiết bị khác thì nồng độ các chất LCMs này càng tăng theo.
Theo nhà khoa học này, chúng ta có thể loại bỏ đến 85% các chất này nếu có các nhà máy xử lý chất thải thứ cấp. Tuy nhiên đến nay, 80% các quốc gia chưa có các nhà máy xử lý chất thải thứ cấp này.
Thế giới cần phát triển công nghệ loại bỏ LCMs từ màn hình LCD.
Giáo sư Kenneth Leung
Như vậy, việc đầu tư tiền, ngân sách để xây dựng các nhà máy xử lý thứ cấp rất quan trọng. Và nếu không xử lý rác thải điện tử thì có 50% các chất thải bị xả thải ra đại dương.
Theo Giáo sư Kenneth Leung, các nhà khoa học đã nghiên cứu mật độ phân bổ của chất LCMs ở cửa sông Châu Giang, Trung Quốc. "Chúng tôi đã phát hiện 10 loại LCMs được phân bố rộng rãi trong khu vực này, và nồng độ của các chất này khi so sánh với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy khác thì được coi là tác nhân gây rủi ro hàng đầu. Độ dốc của các chất LCMs từ ven biển ra ngoài khơi cho thấy nguồn gốc của chúng là từ đất liền", ông cho biết.
Không chỉ xuất hiện trong trầm tích ở cửa sông mà LCMs còn xuất hiện trong các mô tế bào của các heo, cá voi và có tác động lớn tới sức khỏe của các loài sinh vật này, cụ thể là chúng đã làm ảnh hưởng đến bộ não của cá heo.
Theo Giáo sư Kenneth Leung, chúng ta cần loại bỏ chất LCMs từ màn hình LCD bị thải ra môi trường. Một trong những biện pháp đó là chúng ta cần giảm thời gian tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử.
Giải pháp nữa là cần có màng bọc màn hình thiết bị điện tử để giảm sự tác động của chất LCMs vào cơ thể chúng ta. Ông đề xuất thế giới cần phát triển công nghệ loại bỏ LCMs từ màn hình LCD.
Ý kiến ()