Mầm non vùng cao, khó khăn trong phấn đấu đạt chuẩn
LSO-Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh đã có 118 xã, phường thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỷ lệ 52,2%. Tuy vậy, những trường mới tách gặp rất nhiều khó khăn về CSVC để phục vụ cho nuôi dạy và toàn tỉnh vẫn còn tới 43 xã chưa có trường mầm non (MN).
Học sinh Trường Mầm non xã Hữu Lân (Lộc Bình) thực hiện vệ sinh trước giờ ăn |
Chỉ sau hơn 2 năm triển khai Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, số trường MN được tách từ phổ thông để thành lập trường mới tăng rất nhanh. Cùng với đó, bằng các giải pháp khác nhau, các địa phương đã giải quyết được khâu “trọng yếu” nhất là đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà trường. Đó là sự cố gắng rất lớn của ngành để tạo điều kiện từng bước cho phổ cập. Tuy nhiên, như “con nhà nghèo” ra ở riêng, các trường MN mới tách gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất (CSVC). Bằng công tác xã hội hóa và những nguồn đầu tư khác, các địa phương đã tập trung cao độ nguồn lực cho cấp học này. Các phòng GD&ĐT như Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Quan… đã năng động dùng các nguồn như tiết kiệm chi thường xuyên, nguồn từ Công đoàn ngành để đầu tư xây dựng bếp ăn, mua sắm trang thiết bị tối thiểu như máy lọc nước, tủ lạnh trang bị cho các trường vùng khó khăn. Phòng GD&ĐT Đình Lập đã tiếp nhận sự hỗ trợ của Quảng Ninh ưu tiên bộ đồ chơi ngoài trời cho trường MN xã Bắc Xa; ngành GD&ĐT huyện Bắc Sơn đã đẩy mạnh xã hội hóa trong việc tạo quỹ đất và mua sắm các thiết bị phục vụ nuôi dạy cho các trường mới thành lập. Nhiều huyện như Chi Lăng, Hữu Lũng đã dùng ngân sách huyện để xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh cho các trường. Đến nay toàn cấp học đã có 186 trường MN với 357 điểm trường đã có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 163 trường với 320 điểm trường có hàng rào; 181 trường với 357 điểm trường có nhà vệ sinh.
Tuy nhiên các trường MN vùng cao, vùng khó khăn vẫn trong tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về CSVC. Được tách từ trường tiểu học, điểm trường chính của trường mầm non xã Hữu Lân (Lộc Bình) hoàn toàn phải nhờ các phòng học của trường THCS. Và như một “tác động dây chuyền”, khi “nhường” CSVC cho trường mầm non, trường THCS buộc phải “cắt hợp đồng” cho mượn phòng học đối với hệ bổ túc THPT cấp xã. Và hệ quả là khi học sinh lớp bổ túc THPT xã Hữu Lân phải ra ngoài thị trấn Lộc Bình để học, thì số học viên bỏ học rất đông. Cô giáo Vi Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường MN Hữu Lân cho biết, do chỉ được mượn phòng học, phòng vệ sinh, mà không được “mượn sân” nên thiết bị, đồ chơi ngoài trời không có chỗ kê, học sinh chịu rất nhiều thiệt thòi. Những trường có được sự thuận lợi hơn như trường MN xã Bắc Lãng (Đình Lập) cũng chỉ nhờ trụ sở cũ của UBND xã và cửa hàng thương mại cũ. Đã là phòng mượn, sân nhờ thì nhà trường cũng không có quyền, hoặc điều kiện kinh phí để cải tạo các phòng thành lớp học, nhất là ánh sáng cho các lớp, nơi để đồ dùng đồ chơi, sàn lớp học ẩm thấp, bẩn thỉu, đồ dùng đồ chơi ngoài trời không có chỗ kê và chỗ chơi, hàng rào tạm bợ ngay sát quốc lộ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Cô giáo Lại Thị Ngoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: trường có 25 cháu trong độ 5 tuổi ở tất cả 5 phân trường với tranh tre tấm lợp, mặc dù đã rất tích cực đưa chương trình giáo dục MN mới vào các lớp, song chất lượng toàn diện và tỷ lệ chuyên cần sẽ không thể đạt được như mong muốn. Nhìn các cháu học sinh cấp tiểu học xúm xít quanh thiết bị đồ chơi ngoài trời của trường MN, cô giáo Trương Quế Lan, Hiệu trưởng trường MN xã Thanh Lòa (Cao Lộc) nói với chúng tôi: “Các cháu đã học đến lớp 4 lớp 5 rồi, nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy đồ chơi ngoài trời, nên rất thích. Học sinh MN vùng cao thiệt thòi như vậy đấy.”
Tập trung đầu tư cho trường MN là một yêu cầu bức thiết hiện nay, để mang lại hiệu quả, trước mắt là tạo đủ điều kiện cho các xã vùng cao, vùng khó khăn phấn đấu đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; vừa tạo nền móng cho GDMN vùng cao, vùng khó khăn phát triển bền vững. Trên thực tế, rất nhiều xã vùng cao, vùng khó khăn đã đạt được các tiêu chí của phổ cập, song tiêu chí về CSVC lại chưa đạt, nên đến cuối năm 2013, họ vẫn chưa được công nhận hoàn thành phổ cập.
Ý kiến ()