Mầm non nông thôn Bắc Sơn- những "gam" màu sáng
LSO – Về thực chất, sự phát triển của cấp học mầm non (MN) Bắc Sơn là sự vươn lên mạnh mẽ của các trường MN nông thôn. Có sức vươn ấy là “sự gồng mình” của ngành GD Bắc Sơn và của cả hệ thống chính trị, nhằm thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Giờ giáo dục thể chất tại Trường Mầm non Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn
Đến Trường MN xã Quỳnh Sơn lần này, chúng tôi cảm nhận được sự đổi mới của ngôi trường. Năm 2009, công trình xây dựng cũng chỉ có khu nhà học với 3 phòng học, không có phòng chức năng và nhà vệ sinh cho các cháu. Được vận động, gia đình ông Dương Công Tuyến đã hiến cho nhà trường 564 m2 đất, gia đình ông Dương Công Nhị đã trao đổi 77 m2 để xây thêm lớp học và làm khuôn viên. Nay, tuy một số phòng học chưa đạt yêu cầu, song nhà trường đã có đủ cơ sở vật chất (CSVC) đảm bảo cho các cháu học tập vui chơi. Vì vậy, tỷ lệ thu hút các cháu đến nhà trẻ đã đạt 40%, độ tuổi mẫu giáo đạt 100%. Tuy vậy, bếp nấu ăn cho các cháu vẫn là ngôi nhà cũ kỹ chia đôi, MN và tiểu học mỗi cấp một nửa. Có lẽ đổi mới nhất của CSVC nhà bếp so với năm 2010 là có thêm mấy cái chạn bát.
Theo thống kê tại thời điểm tháng 10/2012, Bắc Sơn có 14 trường MN nông thôn, đạt tỷ lệ 73,68% các xã khu vực nông thôn. Phải nói rằng, việc thành lập các trường MN nông thôn là một chủ trương lớn, hợp lòng dân nên tỷ lệ huy động ở loại hình này đã khá cao (huy động ra nhà trẻ đạt 29%, mẫu giáo 99,7%, MG 5 tuổi 100%-cao hơn tỷ lệ chung của tỉnh). Tuy nhiên, trong 189 phòng học của cấp học, tỷ lệ phòng kiên cố mới đạt 27,51%, có 16 phòng học cấp 4 và vẫn còn tới 75 phòng học nhờ, 46 phòng học tạm. Với nhận thức, đảm bảo tốt công tác ăn bán trú để phòng chống suy dinh dưỡng và “giải phóng” sức lao động cho người phụ nữ nông thôn, cũng tức là nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, Ban chỉ đạo phổ cập các cấp đã làm hết sức mình để huy động nhân lực, tài lực và vật lực cho cấp học. Đến nay 100% trường MN đã có bếp nấu ăn tại trường chính và 12 trường đưa cơm đến tận phân trường với cự ly xa nhất đến 7 km như phân trường Thâm Sli của xã Tân Tri. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT “Nói không với trường MN không có công trình vệ sinh, hàng rào, biển trường, cổng trường”, đã có 20 trường chính, 11 điểm trường có công trình vệ sinh, 40 điểm trường có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 11 trường có tường rào, cổng trường. Về thiết bị nhà bếp, các trường đều dùng nguồn xã hội hóa mua sắm xoong nồi, bát đĩa, đồ chia cơm cho các cháu, ngoài ra đã có 10 trường có thiết bị lọc nước, 20 trường có tủ lạnh. Đội ngũ cô nuôi gồm 70 người, trong đó 52 người có chuyên môn nấu ăn, 100% đã có chứng nhận được bồi dưỡng kiến thức vệ sinh ATTP.
Từ điểm xuất phát rất thấp, cấp học mầm non ở Bắc Sơn nói chung và MN nông thôn nơi đây nói riêng có sự phát triển nhanh cả về lượng và chất phải nói đến sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo sâu sát của UBND, sự vào cuộc một cách tích cực của các ban ngành đoàn thể và của nhân dân, sự năng động của phòng GD&ĐT huyện trong công tác xã hội hóa GD. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân đã đóng góp 1200 ngày công, các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp và người dân đóng góp trên 618 triệu đồng để tu sửa, làm mới trường lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy và học cũng như hậu cần. Đặc biệt, năm học 2011-2012 đã có 17 hộ dân tại 6 xã hiến tặng cho các nhà trường 13.917m2 đất. Năm 2012, công đoàn ngành đã phát động đóng góp và tặng Trường MN Vũ Sơn 190 triệu đồng xây dựng phòng học; đoàn viên thanh niên Bắc Sơn quyên góp được 75 triệu đồng xây dựng Trường MN Hưng Vũ; quỹ bảo trợ trẻ em huyện ủng hộ đồ chơi cho các trường trị giá 120 triệu đồng; nhân kỷ niệm ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn, các đại biểu đã quyên góp được 78 triệu đồng giúp trường MN Vũ Sơn “cứng hóa” sân chơi, tường rào.
Tuy vậy, do phát triển quá nhanh nên loại hình trường MN nông thôn Bắc Sơn đứng trước nguy cơ thiếu tính bền vững, nhất là về phòng học, nhà bếp, các thiết bị phục vụ cho công tác bán trú, ăn bán trú. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho rằng, nơi học có thể tạm bợ, song nơi vui chơi và bếp ăn thì không thể, vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích cho các cháu và không đảm bảo an toàn VSTP. Đây là mối lo thường trực hàng ngày của Ban chỉ đạo phổ cập cấp huyện; bài học của Trường MN Vũ Sơn rất có ích và là sự cảnh báo sâu sắc cho công tác an toàn VSTP ở các trường MN nông thôn. Lo nhưng không biết làm thế nào, vì kinh phí xây dựng và mua sắm đòi hỏi rất lớn, sức đóng góp của dân lại có hạn.
Ý kiến ()