Malaysia và Việt Nam mở rộng đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược
Cả Malaysia và Việt Nam đều quan tâm đến việc mở rộng đầu tư và quan hệ thương mại song phương trong các lĩnh vực chiến lược này để thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và phát triển.
Nhân dịp ông Tengku Zafrul Aziz, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 10/7 phóng viên VNS/TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với ông nhằm làm rõ hơn về những nội dung xoay quanh các mục tiêu của chuyến thăm, sự phát triển hợp tác về đầu tư thương mại giữa hai nước Việt Nam – Malaysia cũng như vai trò của Malaysia với tư cách Chủ tịch ASEAN vào năm 2025.
-: Malaysia hiện đã sẵn sàng đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào 2025. Vậy, ông có thể chia sẻ về các mục tiêu kinh tế, cũng như tầm nhìn tương lai của cộng đồng ASEAN mà Malaysia hướng tới?
Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz: Tôi vừa tới từ Hà Nội và đang có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm đến Việt Nam để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng là đảm nhận vai trò chủ tịch tại ASEAN 2025 của Malaysia.
ASEAN với tổng GDP của 10 quốc gia thành viên vào khoảng 3,8 nghìn tỷ USD và có dân số khoảng 670 triệu người; trong đó một nửa trong số đó dưới 30 tuổi. ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và thứ 3 tại châu Á.
Tăng trưởng kinh tế khu vực được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, bình quân đạt 4-5%/năm trong giai đoạn 2010-2022. ASEAN dự kiến sẽ trở thành một trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới và tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, ASEAN vẫn là một trong những trung tâm có tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan. Năm 2024, ASEAN được kỳ vọng tiếp đà phục hồi tăng trưởng, có những bước tiến mạnh mẽ nhằm cải thiện rõ rệt bức tranh kinh tế-xã hội.
Vì vậy, với cương vị chủ tịch ASEAN, chúng tôi muốn thu hút sự tham gia của các quốc gia thành viên để cải thiện thương mại trong ASEAN. ASEAN cần tiếp tục xây dựng năng lực và củng cố nền móng khu vực nhằm tối đa hóa lợi ích của kết nối ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Hiện nay, các nước ASEAN cũng cam kết xây dựng Chương trình nghị sự kết nối ASEAN sau năm 2025 như một phần của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Một trong những cách để thực hiện điều đó là thương mại kỹ thuật số.
Tôi nghĩ Việt Nam và Malaysia đều chứng kiến những thay đổi trong dòng chảy đầu tư do địa chính trị, chiến tranh thương mại hay chiến tranh công nghệ giữa hai siêu cường kinh tế Trung Quốc và Mỹ đã dẫn đến việc các công ty sắp xếp lại chuỗi cung ứng và tìm đến khu vực ASEAN như là một sự thay thế.
Có thể thấy rất nhiều khoản đầu tư từ nhiều công ty khác nhau vào khu vực ASEAN, đặc biệt là ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ lĩnh vực bán dẫn. Vì vậy, đối với ASEAN, tôi nghĩ chúng ta cần chứng tỏ rằng ASEAN tiếp tục là điểm đến cho các công ty đang tìm cách sắp xếp lại chuỗi cung ứng của mình và tìm kiếm một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, an toàn hơn.
ASEAN thực sự có nguồn tài nguyên dồi dào về năng lượng sạch nên chúng tôi có thể làm gương cho các nước khác và chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi cũng tiếp tục tập trung hỗ trợ tính bền vững. Vì vậy, có rất nhiều điều chúng tôi đang xem xét khi làm Chủ tịch ASEAN và chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN khác.
-: Xin ông cho biết về mục tiêu chính của chuyến thăm Việt Nam lần này là gì? Và thương mại song phương giữa Việt Nam và Malaysia đã phát triển như thế nào trong những năm qua?
Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz: Mối quan hệ lâu dài giữa Malaysia và Việt Nam ở cấp Chính phủ đã là nền tảng của sự hợp tác song phương từ năm 1973. Trong suốt năm thập kỷ qua, hai quốc gia đã xây dựng một mối liên kết mạnh mẽ, được đặc trưng bởi sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau.
Mối đối tác lâu dài này đang chuẩn bị đạt một cột mốc quan trọng vào năm tới khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập đối tác chiến lược giữa họ. Một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử gần đây của quan hệ Malaysia-Việt Nam là chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia đến Việt Nam cách đây một năm.
Trong chuyến thăm này, nhiều vấn đề của cùng lợi ích đã được thảo luận, đặt nền móng cho các cuộc hợp tác tiếp theo giữa hai quốc gia. Cuộc họp sau đó được tổ chức để tiếp tục các cuộc thảo luận đó, nơi các nghị định chính về hợp tác tương lai đã được đề ra.
Một trong những cuộc thảo luận đáng chú ý là cuộc họp Ủy ban thương mại chung lần thứ 4, đã kết nối các quan chức Malaysia và Việt Nam để khám phá các lĩnh vực hợp tác trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Trọng tâm là các lĩnh vực kỹ thuật số và Halal, nhấn mạnh cam kết của cả hai quốc gia đối với phát triển kinh tế bền vững và đổi mới. Cuộc đối thoại xây dựng tích cực trong cuộc họp đã kết thúc bằng việc ký kết các biên bản ghi nhận các bước tiến đã thống nhất để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chính này.
Song song với đó, các cuộc họp với các nhà đầu tư từ các công ty Malaysia tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vào các khoản đầu tư đáng kể mà Malaysia đã thực hiện tại Việt Nam.
Với tổng số khoản đầu tư khoảng 13 tỷ USD cho đến nay, Malaysia là một trong những nhà đầu tư hàng đầu từ ASEAN tại Việt Nam. Thương mại song phương giữa hai quốc gia xếp trong top 4 của ASEAN và top 10 của Việt Nam, phản ánh mối liên kết kinh tế sâu sắc giữa hai quốc gia.
Các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tập trung vào khám phá cơ hội đầu tư trong năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng gió và xe điện, cũng như trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.
Cả Malaysia và Việt Nam đều quan tâm đến việc mở rộng đầu tư và quan hệ thương mại song phương trong các lĩnh vực chiến lược này để thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và phát triển.
Hai nước đặt mục tiêu thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025 và 20 tỷ USD vào năm 2030, nhấn mạnh tầm nhìn chung để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa Malaysia và Việt Nam.
-: Malaysia đang mong muốn tăng cường những lĩnh vực hợp tác đầu tư, kinh doanh nào? Và những ngành nào đang được nhắm đến?
Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz: Một lĩnh vực mới nổi đang thu hút sự quan tâm của chúng tôi là năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió tại Việt Nam. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên dồi dào, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng gió, khiến cho thị trường này trở nên hứa hẹn với các nhà đầu tư.
Hơn nữa, chúng tôi đang khám phá cơ hội đầu từ trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy tiềm năng hợp tác trong ngành điện và điện tử (E&E), một trong những trụ cột của nền kinh tế Malaysia.
Hơn nữa, cuộc trao đổi về hợp tác Halal đã được đề cập ở các cấp độ khác nhau, bao gồm cuộc họp với Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam. Chúng tôi đề xuất Việt Nam thành lập một cơ quan trung ương về hợp tác phát triển halal như là một sáng kiến quan trọng.
Bằng cách đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi giá trị Halal được hỗ trợ bởi các công ty của chúng ta, Malaysia có thể đóng vai trò hỗ trợ các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này.
-: Ông có thể nhận xét về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia và Việt Nam? Và chúng ta đã rút ra bài học gì từ xu hướng FDI ở Đông Nam Á?
Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz: Giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới và tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tỷ lệ lạm phát cao, ASEAN vẫn là một trong những trung tâm có tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan. Và ASEAN cũng đã nỗ lực để giữ thế trung lập trong các xung đột địa chính trị. Chúng tôi thân thiện với cả hai siêu cường.
Nếu nhìn vào hai quốc gia này là Mỹ và Trung Quốc, Mỹ chiếm khoảng 25% GDP thế giới và Trung Quốc là khoảng 18%. Vì vậy, cả hai đều chiếm khoảng một nửa GDP của thế giới. Vì vậy chúng ta sẽ luôn đứng ở góc độ trung lập và không đứng về phía nào.
-: Địa chính trị là yếu tố chính trong dòng đầu tư. Căng thẳng địa chính trị có thể tác động như thế nào đến dòng đầu tư vào ASEAN và phần còn lại của thế giới?
Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz: Địa chính trị là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dịch chuyền dòng đầu tư. Tuy nhiên trong tình hình kinh tế ảm đạm trên toàn cầu, ASEAN đã thể hiện là một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, với mức tăng trưởng chung toàn khối cao hàng đầu thế giới.
Các nước ASEAN tiếp tục cam kết duy trì ổn định tài chính và thúc đẩy hội nhập tài chính sâu rộng hơn để đưa khu vực trở thành “tâm điểm tăng trưởng” năm 2024 với “chiến lược phi thường” trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn chưa được cải thiện. Ngoài ra, ASEAN có nguồn tài nguyên dồi dào, có nguồn nhân lực chất lượng cao, có nguồn năng lượng sạch và cũng như có cơ sở hạ tầng tốt.
Vì vậy, chúng ta cũng có lợi thế cạnh tranh tốt, không chỉ về tính trung lập mà chúng tôi còn có các yếu tố phù hợp để các công ty chuyển đến đây. Trong khối ASEAN, Malaysia và Việt Nam là hai trong số các nước trong khối ASEAN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phuơng, và cùng là thành viên trong CPTPP. Đây cũng là dấu hiệu tích trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào khu vực.
-: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()