Mãi tỏa sáng "Tinh thần Tô Hiệu"
Khách tham quan nơi biệt giam đồng chí Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La. Tinh thần Tô Hiệu là tên cuốn sách do Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban Liên lạc nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên và Tỉnh ủy Sơn La phối hợp xuất bản, nhân kỷ niệm 54 năm Ngày đồng chí Tô Hiệu hy sinh. Sau khi xuất bản năm 1998, đến nay cuốn sách đã được sửa chữa, bổ sung, tái bản thêm hai lần, nhưng vẫn còn rất nhiều người tìm đọc, với thái độ trân trọng, ngưỡng mộ về người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một tài năng xuất chúng của Đảng những ngày đầu Cách mạng.Những ngày đầu tháng ba này, chúng tôi may mắn được gặp đoàn cán bộ xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) và thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu lên thăm, thắp hương tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu, tại Nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La. Được biết, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu, Tỉnh ủy Hưng Yên (quê hương đồng chí Tô Hiệu) và một số địa phương khác, trong...
Khách tham quan nơi biệt giam đồng chí Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La. |
Những ngày đầu tháng ba này, chúng tôi may mắn được gặp đoàn cán bộ xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) và thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu lên thăm, thắp hương tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu, tại Nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La. Được biết, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu, Tỉnh ủy Hưng Yên (quê hương đồng chí Tô Hiệu) và một số địa phương khác, trong đó có Sơn La, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tưởng nhớ người chiến sĩ cách mạng kiên trung, mẫu mực, có cống hiến xuất sắc của Đảng. Trong chuyến hành trang đặc biệt “về nguồn” lần này, đồng chí Tô Quyết Tiến, cháu ruột của đồng chí Tô Hiệu hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh mang theo nhiều ấn phẩm sách, ảnh về đồng chí Tô Hiệu. Tôi rất vui được đón nhận cuốn Tinh thần Tô Hiệu vừa mới tái bản lần hai, trong đó có bổ sung bài viết: “Gương hy sinh tinh thần Tô Hiệu” của đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng. Theo đồng chí Tô Quyết Tiến, vào năm 1998, khi biên soạn cuốn sách, mọi người băn khoăn chưa biết đặt tên thế nào, thì đồng chí Tô Duy, chủ biên cuốn sách nhớ đến một bài báo của đồng chí Trường Chinh viết về “Gương hy sinh tinh thần Tô Hiệu”. Đây là tên bài báo in trên báo Cờ Giải Phóng, số 10, ra ngày 28-1-1945, nhân kỷ niệm một năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu. Nhưng lúc đó ban soạn thảo đã không thể sưu tầm được, nên chỉ đến khi tái bản lần hai mới bổ sung nội dung bài báo vào cuốn sách. Vậy là, cái tên “Tinh thần Tô Hiệu” đã được lựa chọn đặt cho cuốn sách, mà theo mọi người không còn từ ngữ nào có thể thay thế được khi nói về đồng chí Tô Hiệu.
Cuốn sách Tinh thần Tô Hiệu đã tập hợp được hơn 30 bài viết, phần lớn là của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, từng hoạt động với đồng chí Tô Hiệu. Vì vậy, mỗi câu chữ, mỗi kỷ niệm, lời kể sinh động về đồng chí Tô Hiệu đều thấm đượm tình cảm cách mạng, tình đồng chí sâu sắc. Trong các bài viết, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Trưởng ban Liên lạc Nhà tù Sơn La, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có một bức thư tâm huyết nói về đồng chí Tô Hiệu, gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, viết: “Trong trăm ngàn liệt sĩ hy sinh nói trên, đồng chí Tô Hiệu nổi lên như một người mà chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù đế quốc chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng, mà trái lại trở nên một thứ lửa thử vàng, hun đúc trở thành gang thép”,v.v. Có thể nói, đọng lại sau tất cả các bài viết, đó là một tấm lòng tôn kính, trân trọng đối với đồng chí Tô Hiệu.
Qua những câu chuyện, chúng ta hình dung bối cảnh lúc đó, điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, đường sá đi lại hiểm trở và khó khăn vô cùng. Người chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp lưu đày lên nhà tù Sơn La, được ví như địa ngục trần gian, cầm chắc không có ngày trở về. Dưới chế độ hà khắc và dã man của kẻ thù, rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Nhưng càng trong khó khăn thử thách, đối chọi với âm mưu thâm độc của kẻ thù, đồng chí Tô Hiệu đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng, một lòng kiên trung với tổ chức, với Đảng. Đồng chí Tô Hiệu là người tiêu biểu cho ý chí đấu tranh cách mạng, thực hiện khẩu hiệu: “Biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng”. Đồng chí là người chủ trì trong việc thành lập Chi bộ nhà tù Sơn La, trực tiếp làm Bí thư Chi bộ, đề ra năm nhiệm vụ công tác. Trong đó, đồng chí là người trực tiếp đào tạo, huấn luyện lý luận Mác – Lê-nin, bồi dưỡng phương pháp đấu tranh cách mạng, chỉ đạo phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và ngoài nhà tù. Từ khi có chi bộ, phong trào cách mạng ở nhà tù Sơn La đã tỏa sáng, thức tỉnh đồng bào các dân tộc Sơn La và cả Tây Bắc vùng lên đấu tranh. Vì vậy, khi nói về đồng chí Tô Hiệu, không chỉ là người vận động phong trào, mà còn là người tổ chức, biết chăm lo đào tạo cán bộ cho Đảng. Vai trò của đồng chí Tô Hiệu trong nhà tù Sơn La được ví như linh hồn của Chi bộ, tiêu biểu cho ý chí đấu tranh cách mạng, giữ vững khí tiết người cộng sản.
Trong buổi lễ dâng hương tưởng nhớ đồng chí Tô Hiệu, bất giác tôi đọc dòng chữ ghi trên tấm bia tưởng niệm đặt tại nhà tù Sơn La: “Kiên trung – Bất khuất”. Phải chăng, đó cũng chính là “Tinh thần Tô Hiệu”, ý chí của những người cộng sản, một lòng một dạ chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngọn lửa cách mạng ấy cần tiếp tục được tỏa sáng, truyền lại cho thế hệ mai sau. Vì thế, nhà tù Sơn La là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tìm hiểu về lịch sử quê hương đất nước một cách sinh động và sâu sắc nhất. Được biết thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phối hợp làm tốt công tác này. Cô giáo Vũ Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiệu cho biết: Tháng 1 vừa qua, nhà trường đã triển khai đợt tuyên truyền giáo dục cho các em tìm hiểu về lịch sử nhà tù Sơn La bằng việc tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng. Trong năm 2011, nhà trường cũng đã tổ chức được ba đợt kết nạp 126 đội viên tại nhà tù Sơn La. Thông qua hình thức hoạt động ngoại khóa này, các em có cảm nhận trực quan, hiểu sâu hơn về lịch sử con người, mảnh đất Sơn La.
Trong câu chuyện với đồng chí Tô Quyết Tiến, được biết thêm một chi tiết thú vị, rằng đồng chí Tô Hiệu có thể được coi là người cộng sản đầu tiên làm công tác khuyến học. Chuyện kể rằng, vào năm 1938, sau khi được trả tự do từ nhà tù Côn Đảo trở về, đồng chí Tô Hiệu là người tập hợp, vận động cách mạng thông qua việc thành lập Hội đánh cờ, Nông dân tương tế để lôi cuốn quần chúng. Trong lần vận động xây trường học, đồng chí đã hô hào nhân dân thôn Xuân Cầu, với khẩu hiệu: “Kẻ góp công, người góp của hãy ủng hộ cho trường học chóng xong, tình đoàn kết muôn năm”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Trường “Kiêm Bị Xuân Cầu” ngày trước đã được đổi thành trường mang tên Tô Hiệu. Có lẽ từ ý nghĩa này, ngày nay nhiều người trong dòng họ Tô ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên), quê hương đồng chí Tô Hiệu luôn đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ. Đối với tỉnh Sơn La, đã nhiều năm nay, gia đình đồng chí Tô Hiệu, tiêu biểu là đồng chí Tô Quyết Tiến đã nhiều lần trao học bổng cho các cháu học sinh giỏi, coi đó là một phần nhỏ bé tri ân đến quê hương thứ hai, nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh.
Trong những ngày diễn ra hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu tại Sơn La, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La Trần Luyến cho biết: Hội đã phối hợp gia đình đồng chí Tô Hiệu xây dựng quỹ khuyến học mang tên đồng chí Tô Hiệu. Dịp này, tại Nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La, sẽ diễn ra Lễ trao 100 suất học bổng Tô Hiệu cho những học sinh có thành tích học tập tốt, chăm ngoan, vượt khó học giỏi. Những việc làm thiết thực, tình cảm cách mạng sâu sắc trong những ngày này dù ở Hưng Yên quê hương đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng nơi có nhiều kỷ niệm hoạt động cách mạng, hay Sơn La nơi đồng chí nằm xuống, chúng ta luôn nhớ đến đồng chí Tô Hiệu với thái độ trân trọng, khâm phục, noi gương cách mạng của đồng chí.
Tinh thần Tô Hiệu sẽ mãi mãi tỏa sáng!
Theo Nhandan
Ý kiến ()