Mai Sao nâng cao hiệu quả chăn nuôi
(LSO) – Trong những năm gần đây, nhờ tập trung phát triển chăn nuôi đã giúp nhiều hộ dân xã Mai Sao, huyện Chi Lăng tăng thêm thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, những năm gần đây, bên cạnh những vật nuôi truyền thống như: trâu, bò, lợn, gà, người dân xã Mai Sao đưa thêm những giống vật nuôi mới vào chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã tăng thêm thu nhập từ chăn nuôi, có hộ vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Nguyễn Ngọc Thạch, thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao là một ví dụ.
Anh Thạch cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu tập trung chăn nuôi lợn. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế thấp, chủ yếu lấy công làm lãi nên thu nhập từ chăn nuôi không được bao nhiêu. Năm 2012, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu mô hình thực tế ở các địa phương khác, gia đình tôi đầu tư chuồng trại, con giống để bắt đầu nuôi thỏ. Vừa làm, vừa học hỏi cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên tổng đàn thỏ tăng nhanh chóng. Đến nay, gia đình anh có gần 3.000 con thỏ, trong đó có 350 con thỏ giống (thỏ bố, mẹ), còn lại là thỏ thịt. Trừ chi phí, gia đình thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng. Tiếp đà thành công, bước sang năm 2019, gia đình anh dự kiến sẽ mở rộng diện tích chăn nuôi và tăng tổng đàn lên gấp đôi.
Mô hình nuôi hươu lấy nhung của gia đình anh Vi Văn Phương, thôn Sao Thượng B, xã Mai Sao
Tương tự gia đình anh Thạch, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi, gia đình anh Vi Văn Phương, thôn Sao Thượng B cũng mạnh dạn đưa thêm giống vật nuôi mới vào nuôi để phát triển kinh tế. Anh Phương cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu nuôi trâu, lợn, dê. Tuy nhiên, để chăm sóc các loại vật nuôi này mất khá nhiều thời gian, nhất là việc chăn thả. Bên cạnh đó, một số bệnh vẫn thường xảy ra trên đàn vật nuôi nên thu nhập khá bấp bênh. Năm 2017, gia đình anh quyết định chuyển đổi sang mô hình nuôi hươu lấy nhung. Hươu được gia đình mua về là những con đã trưởng thành, nuôi 1 năm có thể thu hoạch. Giá trị nhung rất cao, mỗi cặp cho trọng lượng trung bình 400 – 600 gam (4 – 6 lạng). Với giá thị trường vào khoảng 2 triệu đồng/lạng đem về cho gia đình 8 – 12 triệu đồng/cặp nhung hươu. Đến nay, gia đình có 5 con hươu, trong đó có 1 hươu cái, 1 hươu con và 3 hươu đực đã thu hoạch nhung 1 lần và chuẩn bị cho thu hoạch đợt tiếp theo. Theo anh Phương, cái hay của mô hình nuôi hươu này là việc chăm sóc đơn giản, ít bệnh và thời gian thu hoạch nhung có thể lên tới 19 – 20 năm.
Cùng với hươu và thỏ, người dân xã Mai Sao tiếp tục phát triển đàn vật nuôi truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 600 con trâu, bò; trên 1.500 con dê; gần 100 tổ ong; trên 1.000 con lợn cùng hàng nghìn con gia cầm các loại. Giá trị kinh tế từ chăn nuôi đem lại khá lớn. Theo số liệu thống kê, năm 2018, giá trị chăn nuôi trên địa bàn xã được gần 33 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ gia súc 23,5 tỷ đồng, gia cầm hơn 8 tỷ đồng và một số loại vật nuôi khác được hơn 700 triệu đồng…
Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi, bên cạnh sự chủ động của người dân, hằng năm, xã Mai Sao đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi cho bà con.
Ông Trịnh Quốc Hương, Chủ tịch UBND xã Mai Sao cho biết: Năm 2018, xã đã phối hợp tổ chức được 30 lớp tập huấn, trong đó có nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho gà, thỏ, lợn nái… Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển ổn định.
Hiệu quả từ chăn nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 8,9% (năm 2016 là 15,1%); thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm.
TÂN AN
Ý kiến ()