Mài nhọn mũi nhọn cử tạ
Sau thất bại tại Olympic Paris 2024 (Olympic 2024) của đô cử Trịnh Văn Vinh, cử tạ vẫn được nhận định là mũi nhọn của thể thao Việt Nam trong mục tiêu chinh phục huy chương Olympic. Vấn đề là mài nhọn mũi nhọn ấy ra sao.
Trắng tay và câu chuyện được báo trước
Khi Trịnh Văn Vinh thất bại ở cả 3 lần cử giật tại Olympic 2024, đồng thời sớm chấm dứt phần tranh tài của mình tại sân chơi nay, nhiều người đã hiểu rằng cử tạ Việt Nam đã không thể cắt đứt mạch trắng huy chương tại Olympic từ năm 2012.
Tất nhiên, người trong cuộc đều hiểu rằng, việc trắng tay rời Olympic 2024 cũng không quá bất ngờ với trường hợp đô cử Trịnh Văn Vinh. Trước ngày lên đường sang Paris dự Olympic 2024, người trong nghề đều thống nhất rằng muốn chinh phục dù chỉ tấm HCĐ thì đô cử này phải chinh phục mức tạ tổng cử khoảng 300kg ở cả phần thi cử giật và cử đẩy.
Trong khi đó, thành tích tốt nhất của Trịnh Văn Vinh từ khi trở lại thi đấu cũng mới là mức 294kg, mức tạ đủ để anh giành vé dự Olympic 2024 nhưng không bảo đảm cho việc anh có giành huy chương ở sân chơi này hay không. Còn khả năng Trịnh Văn Vinh tái lập mức tạ 307kg như anh từng làm được tại SEA Games năm 2014 hầu như khó xảy ra. Việc phải nghỉ thi đấu 4 năm thực sự ảnh hưởng đến khả năng duy trì thành tích của đô cử này. Nếu nghỉ thi đấu khoảng 1-2 năm, đô cử còn có thể vớt vát được khả năng duy trì phong độ. Còn khi nghỉ thi đấu 4 năm mà không có cảm giác thi đấu thực sự thì đô cử khó có thể là chính mình. Không kể, điều kiện tập luyện, tập huấn, dinh dưỡng, phục hồi sau tập luyện tại địa phương không thể tốt như khi được gọi vào đội tuyển quốc gia (dù vẫn là ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác). Tất cả để thấy chỉ riêng việc đạt tới mức tạ 294kg cũng là nỗ lực lớn của đô cử này.
Cho nên, chính Ban huấn luyện cũng chỉ đặt mục tiêu tranh chấp HCĐ cho đô cử này ở Olympic 2024 và đi kèm là vô số điều kiện khác như sự xuất thần của Vinh, sự sa sút đột ngột của các đối thủ hoặc các đối thủ nâng hỏng trong tất cả lượt đấu ở phần thi của mình. Đó cũng là những thứ mang tính “hên, xui” và không bảo đảm chắc chắn khả năng giành huy chương ở Olympic 2024 của Trịnh Văn Vinh.
Cuối cùng, chính đô cử người Bắc Ninh lại đi vào tình huống nâng tạ hỏng trong cả 3 lần thi cử giật của mình và sớm chấm dứt cuộc chơi tại Olympic 2024. Có chút hụt hẫng khi kỳ vọng vào đô cử này khá lớn, đặc biệt khi ấy, cơ hội giành huy chương Olympic 2024 khi đó của Đoàn thể thao Việt Nam đều dồn cả vào môn cử tạ. Nhưng nếu nhìn nhận kỹ thì đó cũng là hệ quả của việc thiếu tài năng và sự hạn chế trong việc đầu tư cho các tài năng của thể thao Việt Nam nói chung, cử tạ Việt Nam nói riêng.
Trong chia sẻ của mình, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ & Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng cũng nhận định rằng thất bại của Trịnh Văn Vinh ở Olympic 2024 không gây sốc hay bất ngờ với giới chuyên môn.
Hiểu một cách đơn giản, đó là điều đã được báo trước.
Nhưng vẫn phải tập trung cho cử tạ
Thất bại tại Olympic 2024 cũng đánh dấu lần thứ ba liên tiếp cử tạ Việt Nam không thể giành huy chương tại Olympic. Lần gần nhất giành huy chương là vào năm 2012 khi Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ. Xa hơn là tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn ở Olympic 2008.
Dù 3 lần trắng tay liên tiếp nhưng về lâu dài cử tạ vẫn sẽ là mũi nhọn của cử tạ Việt Nam khi hướng đến đấu trường Olympic. Nhìn ra các nước Đông Nam Á khác có nguồn lực về con người cho môn cử tạ cũng tương đương Việt Nam, một số nước đang thành công ở đấu trường Olympic. Ngay ở hạng cân 61kg môn cử tạ tại Olympic 2024, nơi Trịnh Văn Vinh tranh tài, Thái Lan có đô cử Silachai Theerapong giành HCB với tổng cử 303kg dù chưa bước sang tuổi 21. Trong khi đó, Malaysia cũng có lực sĩ xếp thứ 4 ở hạng cân này Bin Kasdan với tổng cử 297kg. Nếu kể đến đô cử Eko huyền thoại của Indonesia, người cũng thất bại trong cả 3 lần thi cử đẩy ở hạng 61kg tại Olympic vừa qua sau khi đã ở nhóm đầu nội dung cử giật, rõ ràng hạng 61kg hoàn toàn phù hợp với các đô cử Đông Nam Á.
Nếu có kể thêm về sự phù hợp của các đô cử Đông Nam Á tại Olympic thì đó là hạng 73kg ở Olympic 2024 khi đô cử Rizki Juniansyah (Indonesia) đã giành tấm HCV lịch sử đầu tiên cho cử tạ Indonesia. Cũng ở hạng cân này, giành HCB là đô cử Thái Lan, Wichuma Weeraphon.
Những ví dụ từ các nước Đông Nam Á ngay tại kỳ Olympic 2024 cũng cho thấy nếu có chiến lược đầu tư bài bản, khôn khéo thì hoàn toàn có thể tính chắc về việc giành huy chương ở sân chơi này hay vì trông vào chuyện “hên, xui”. Và cử tạ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này khi các chuyên gia đều khẳng định, tố chất của người Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đầu tư cho các hạng cân nhỏ.
Câu chuyện của cử tạ Việt Nam giờ vẫn là tìm được những VĐV thực sự xuất sắc cả về tố chất chuyên môn cũng như ý chí thi đấu. Đương nhiên là có cả một định hướng đầu tư mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn thời gian qua để bảo đảm phát huy hết tiềm năng của VĐV. Bởi với điều kiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng, phục hồi như thời gian qua thì khó nói đến chuyện giành huy chương với tâm thế của người đi chinh phục.
Nói như nhiều chuyên gia thì đã coi cử tạ và một số môn khác là mũi nhọn để chinh phục tấm huy chương Olympic thì ngành Thể thao phải tìm mọi cách để mài nhọn mũi nhọn này. Thậm chí, khi chưa tháo gỡ được khó khăn về cơ chế, nguồn lực thì với một số môn chỉ để tham gia sân chơi SEA Games, cơ quan quản lý thể thao chỉ cần quản lý về mặt nhà nước. Và đi kèm là dồn kinh phí từ những môn này cho những mũi nhọn phục vụ sân chơi Olympic của mình. Vấn đề ở đây là sự quyết tâm thay đổi và dám làm đến cùng.
Còn nhiều đô cử có tiềm năng Ngay ở hạng 61kg, hiện cử tạ Việt Nam đang có nhiều đô cử giàu tiềm năng như K Dương, KBrum hay A Tân. Tại giải cử tạ trẻ thế giới 2023, KBrum giành HCĐ hạng 61kg với tổng cử 255kg. Dù vậy, tìm được đô cử có tố chất như á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn vẫn là bài toán không dễ giải với cử tạ Việt Nam. (Minh Khuê) |
Ý kiến ()