Mái nhà sa mộc ở miền núi Nghệ An
Nhiều bản của người Mông, Thái, Khơ Mú ở Nghệ An lợp mái nhà bằng ván cây sa mộc. Điều đó tạo nên sự độc đáo trong kiến trúc nhà ở của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao.
Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) với hơn 11.000 dân, có 3 nhóm người sinh sống lâu đời là Thái, Mông và Khơ Mú. Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tập quán du canh, du cư dần bãi bỏ. Làng bản sầm uất hơn. Không còn sống nay đây mai đó, người dân nghĩ đến việc dựng nhà kiên cố. Gỗ làm nhà cũng được chọn lựa kỹ. Để mái nhà trở nên bền hơn mái cọ, người dân tìm đến gỗ sa mộc để lợp nhà.
Mái nhà sa mộc ở bản Nóng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. |
“Cây sa mộc dễ chẻ như tre nứa. Gỗ mềm nhưng bền lắm nên dân bản hay dùng lợp mái”, ông Lương Văn Minh, một cư dân bản Nóng, chia sẻ. Ông Minh có một căn nhà sàn lợp mái sa mộc. Tuổi thọ của mái nhà đã gần 30 năm. Trong khi gia chủ đã vài lần thay ván thưng, cột kèo và một số chi tiết khác của ngôi nhà nhưng chưa phải thay mái. Ông Minh cho rằng, trong bản có nhiều nhà sàn mà phần mái đã có từ 30, 40 năm về trước. Mái mới nhất cũng đã hơn 10 năm.
Việc khai thác gỗ sa mộc làm mái nhà cũng thật đơn giản. Người ta chỉ việc chặt hạ những cây có kích thước đủ lớn để làm tấm lợp, sau đó dùng dao đi rừng chẻ dọc thân cây tạo thành những tấm ván. Những ván gỗ có chiều dài từ 50cm đến 100cm được vận chuyển về phơi khô và đem đóng đinh lên mái nhà. “Chúng tôi không bao giờ xẻ ván lợp nhà bằng cưa vì như thế nước dễ thấm xuống mái nhà, trong khi chẻ bằng tay thì nước sẽ theo thớ gỗ xuống đất”, ông Minh giải thích thêm.
Bản Nóng hiện có 141 hộ dân thì khoảng 80% số nhà sàn còn giữ được mái sa mộc. Gần đây, việc khai thác thứ gỗ này về làm mái nhà bị cấm nên người dân chuyển sang dùng những tấm lợp sản xuất theo công nghệ hiện đại. Nhiều hộ dân vẫn giữ lại mái cũ bằng cách lợp tôn lên phía trên để tránh dột.
Dẫu thô mộc, nhưng những mái nhà lợp ván đã trở thành nét rất riêng trong kiến trúc nhà ở của người miền núi, không chỉ ở xã Tri Lễ. Trong những chuyến đi về các xã như Nậm Giải, đặc biệt là vùng Mường Đán thuộc xã Hạnh Dịch (Quế Phong) thì những mái nhà bằng ván sa mộc cũng khá phổ biến. Tại Mường Đán hiện còn trên 100 hộ dân vẫn giữ được những ngôi nhà lợp mái sa mộc.
Những ngôi nhà lợp ván gỗ cũng được xem như là đặc trưng trong kiến trúc nhà ở của người Mông ở Nghệ An. Hiện nay, đến các bản người Mông ở các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Tây Sơn (Kỳ Sơn) người ta vẫn dễ bắt gặp những mái nhà bằng gỗ sa mộc. Tuy nhiên hầu như chẳng còn tìm thấy những mái nhà lợp mới. Việc khai thác cây sa mộc hiện nay đã được hạn chế một cách cơ bản.
Trong tương lai không xa, những mái nhà bằng sa mộc vốn đã trở nên hiếm hoi dần sẽ biến mất. Đó là điều dễ hiểu. Các cộng đồng dần dà cũng phải học cách hy sinh những điều thân thuộc không còn phù hợp để hướng đến những mục tiêu lớn hơn, trong đó có việc bảo về rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ý kiến ()