Mái nhà chung chắp cánh những ước mơ
LSO-Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh không chỉ đơn thuần là mái nhà chung cho những mảnh đời bất hạnh, mà còn là nơi nuôi dưỡng và chắp cánh biết bao ước mơ của những em nhỏ giàu nghị lực.
Các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh ôn bài trong dịp hè |
Đến trung tâm, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự lễ phép của các em nhỏ. Thiếu vắng tình thương và sự dìu dắt của gia đình, hầu hết những em nhỏ nơi đây đều chín chắn và tự lập hơn bạn bè đồng trang lứa. Điển hình như em Hoàng Thị Quý, 15 tuổi, xã Bắc La, huyện Văn Lãng. Quý là trẻ mồ côi, vào trung tâm đã được 5 năm, Quý luôn tự nhủ phải học tập tốt, vượt lên hoàn cảnh, 9 năm liền em đều đạt học sinh khá, giỏi. Quý tâm sự: “Các bác, các cô, chú ở đây như những người cha, người mẹ chăm sóc, dạy bảo chúng cháu, cháu được đi học. Ngoài ra, cháu còn được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, đi tham quan nhiều nơi. Các anh, chị lớn thì bảo ban các em nhỏ sống vui vẻ, hòa đồng”. Hiện Quý chuẩn bị thi vào Trường THPT Việt Bắc, em đang tích cực ôn luyện để thực hiện ước mơ làm chiến sỹ công an trong tương lai.
Không chỉ em Quý, em Hoàng Thị Băng Tâm, sinh năm 2011, ở thị trấn Văn Quan cũng có hoàn cảnh rất đáng thương. Tâm được đưa vào trung tâm khi mới 2 tuổi, bố mẹ em đều đã mất. Gắn bó với trung tâm 6 năm nay, cô bé với vóc dáng nhỏ nhắn, lanh lợi luôn nhận được tình cảm yêu mến của cán bộ trung tâm. Anh Phạm Viết Viễn, Trưởng Phòng Quản lý Giáo dục, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh cho biết: “Tâm là cô bé rất ngoan và chăm chỉ, hai năm học vừa qua cháu đều đạt học sinh giỏi, xuất sắc toàn diện, tuy còn nhỏ tuổi nhưng làm việc gì cháu đều có tinh thần tự giác cao”.
Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, được trung tâm nhận nuôi dưỡng, có nghị lực vượt khó vươn lên. Được biết, hiện trung tâm đang nhận chăm sóc 94 đối tượng, trong đó có 34 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt ở độ tuổi đi học; 23 đối tượng thiểu năng, khuyết tật; 19 cụ cao tuổi; còn lại là những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi dưới 36 tháng tuổi và một số trường hợp đặc biệt khác. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc tận tình của đội ngũ nhân viên, cán bộ trung tâm mà nơi đây luôn ấm áp tình yêu thương.
Cô Diệp Tuyết Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh cho biết: Tại trung tâm, các đối tượng được hỗ trợ hoàn toàn về ăn ở, y tế, tư vấn tâm lý, đặc biệt là các em trong độ tuổi đi học đều được học văn hóa, học nghề, nâng cao kỹ năng sống… Hằng năm, trung tâm đều tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, tham quan thực tế phù hợp từng lứa tuổi. Đối với những em trong độ tuổi đi học, sau thời gian ở đây, các em thi đỗ vào trường chuyên nghiệp vẫn được trung tâm hỗ trợ tiền ăn, học tập để có thể tiếp tục theo học. Hiện tại, trung tâm đã có 7 em theo học các trường cao đẳng, đại học như: em Chu Quốc Chỉnh (học Trường Sỹ quan chính trị tại Bắc Ninh), em Hoàng Thị Bền (học Đại học Nội vụ), em Hoàng Văn Bình (học Đại học Kinh tế Quốc dân)… Những thành quả trên đã tạo động lực, khích lệ cán bộ trung tâm làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()