Mãi ngân vang âm điệu đàn dân tộc
Trải qua những biến động và trước sự cạnh tranh của các xu hướng âm nhạc phương Tây, thời thượng khác, song những thanh âm trong trẻo của đàn dân tộc vẫn như ngọn suối mát lành chảy qua nhiều thế hệ, nuôi dưỡng tâm hồn và làm nên tinh hoa văn hóa Việt Nam. Ấy là bởi ngày đêm có những người vẫn luôn âm thầm gìn giữ "vốn cổ" của cha ông, để những thanh âm dân tộc mãi được ngân xa và vang vọng.
Trải qua những biến động và trước sự cạnh tranh của các xu hướng âm nhạc phương Tây, thời thượng khác, song những thanh âm trong trẻo của đàn dân tộc vẫn như ngọn suối mát lành chảy qua nhiều thế hệ, nuôi dưỡng tâm hồn và làm nên tinh hoa văn hóa Việt Nam. Ấy là bởi ngày đêm có những người vẫn luôn âm thầm gìn giữ “vốn cổ” của cha ông, để những thanh âm dân tộc mãi được ngân xa và vang vọng.
Thổi hồn cho gỗ
Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo nằm trên phố Hào Nam, Hà Nội đưa chúng tôi tìm đến nhà riêng của nghệ nhân Phùng Tân Tuyên, người đã dành trọn cả đời để làm nên những cây đàn truyền thống. Trong không gian gần 30 m2 của mặt trước tầng một là hàng trăm những nhạc cụ dân tộc được xếp treo ngay ngắn trên tường và trong các tủ kính. Ðủ các thể loại từ đàn tranh đến nguyệt, bầu, nhị, hồ, líu… khiến hiếm ai có thể tin tất cả đều được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm đàn dân tộc ở Ðào Xá, Ðông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội, miền quê còn giữ được nghề làm đàn cổ truyền, tình yêu dành cho những nhạc cụ dân tộc của nghệ nhân Phùng Tân Tuyên từ ngày ông còn bé. Ông yêu và gắn bó với những sáo, thập lục, tì bà… đến nỗi, món quà quen thuộc dành cho những người bạn thân thiết nhất thuở thiếu thời đều là những cây đàn dân tộc do chính ông miệt mài sáng tạo. Năm 20 tuổi, mang theo nhiệt huyết với cây đàn, chàng thanh niên tên Tuyên quyết định “đầu quân” cho Xí nghiệp nhạc cụ Việt Nam. Với tay nghề sẵn có, ông nhanh chóng được bầu làm tổ trưởng sản xuất, rồi trưởng phòng kỹ thuật, phó giám đốc kỹ thuật với nhiều năm liền được phong danh hiệu Chiến sĩ Thi đua ngành văn hóa. Những năm tháng được cơ quan tín nhiệm phân công đi khảo sát tình hình sản xuất nhạc cụ và thực tập ở các nước Trung Quốc, Nga, Lào đã cho ông thêm nhiều trải nghiệm để học hỏi và ứng dụng những kỹ thuật mới vào việc sản xuất nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Ðam mê được làm ra những nhạc cụ dân tộc lúc nào cũng bùng cháy mãnh liệt, nên ngay cả sau khi về hưu, nghệ nhân Phùng Tân Tuyên cũng không dừng lại. Năm 1990, ông quyết định thành lập Cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc Phùng Tân Tuyên tại nhà mình, để được ăn cùng đàn, ngủ cùng đàn, và cũng để con cháu, thế hệ sau không quên nghề truyền thống của tiên tổ.
Theo người nghệ nhân già, chúng tôi đi tham quan, chứng kiến tận mắt những công đoạn làm đàn của gia đình ông. Từ tầng hai đến tầng sáu của ngôi nhà la liệt những phiến gỗ các loại, có cả những phiến gỗ còn thô và cả những phiến được mài giũa công phu thành mặt đàn, đáy đàn. Người nghệ nhân kỳ công thiết kế riêng thành những không gian chuyên để trữ gỗ, chuyên để phơi đàn và chuyên để làm bóng. Những người yêu đàn, chơi đàn, đam mê nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc Việt Nam khắp trong và ngoài nước hầu như không ai là không biết đến nghệ nhân Phùng Tân Tuyên, bởi ông vốn nổi tiếng là người biết “nghe tiếng gỗ”. Chỉ cần nhìn lướt qua, đôi mắt tinh anh của người nghệ nhân cũng đã cảm nhận đâu là gỗ tốt để làm đàn, loại gỗ nào hợp với đàn gì và có thể phát ra âm thanh thế nào. Ông nói, một chiếc đàn dù bóng bẩy bắt mắt đến mấy mà không thể làm vang ngân những âm thanh đẹp thì không giá trị. Cây đàn phải tạo được âm thanh ngân vang, chở đi cái hồn cái cốt, những nét đẹp văn hóa của một dân tộc thì càng phải có âm thanh chân thực, sống động. Với ông, yếu tố có tính chất quyết định nhất tới chất lượng của tiếng đàn nằm ở chất liệu gỗ. Gỗ phải được để khô tự nhiên mà không qua phơi sấy, không bị cong vênh, không bị mối mọt và chịu được những khắc nghiệt của thời gian, thời tiết mới tạo được những thanh âm tinh tế nhất. Chẳng hạn, mặt đàn thập lục phải được làm từ gỗ cây ngô đồng, chung quanh phải làm bằng gỗ trắc và tuân thủ nghiêm ngặt quy luật dày – mỏng của gỗ mới tạo được độ cộng hưởng chuẩn xác của hộp đàn. Trong số những loại nhạc cụ dân tộc do nghệ nhân Phùng Tân Tuyên làm ra, người yêu đàn ấn tượng nhất với những cây đàn tranh của ông. Bởi nếu đàn tranh xưa chỉ có 16 dây cho nên âm lượng nhỏ, ngựa đàn bé dễ bị chạy làm méo âm thanh thì qua sáng tạo và bàn tay điêu luyện của người nghệ nhân, cây đàn tranh đã được cải tiến thành nhiều loại với 17 dây, 19 dây, 21 dây hoặc 23 dây tùy theo yêu cầu của từng bộ nhạc cụ, ngựa đàn cũng được chế tạo lớn hơn để tạo ra những âm thanh vang hơn, đẹp hơn. Những cây đàn dân tộc của nghệ nhân Phùng Tân Tuyên đã đi theo những nghệ sĩ trong nước tham dự nhiều cuộc thi âm nhạc quốc gia, quốc tế, theo những người yêu đàn thế giới tìm đến nhiều miền đất lạ trên toàn cầu. Năm 2002, trong Hội nghị Văn hóa Âu – Á, nhạc cụ dân tộc do chính tay nghệ nhân Phùng Tân Tuyên sản xuất đã vinh dự được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dùng làm quà tặng những chính khách tham dự. Tình yêu với tiếng đàn dân tộc nơi người nghệ nhân già ngấm dần từ đời cha sang đời con, để rồi cả bốn người con trai của ông đều đi theo nghiệp làm đàn. Ðứng trước vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, nghề làm đàn dân tộc bỗng trở thành “nghề rỗng ruột” với muôn vàn khó khăn, nhưng người nghệ nhân già chưa bao giờ thôi hy vọng con cái và thế hệ mai sau sẽ vẫn có đủ đam mê và nhiệt huyết để làm sống mãi nghề làm đàn truyền thống.
Lưu giữ và chắp cánh những tiếng đàn dân tộc
Người cả đời mải miết với công tác nghiên cứu khoa học về nhạc cụ truyền thống để sau khi nhắm mắt xuôi tay, những mong có thể để lại cho đời cả “gia tài” vô giá về âm thanh dân tộc, đó là NSƯT Bá Phổ – người được mệnh danh là “ông vua đàn nguyệt”, cũng là một trong những người tiên phong nghiên cứu bài bản về nhạc cụ dân tộc tại Việt Nam. Ðến thăm Bá Phổ Nhạc đường do chính nghệ sĩ Bá Phổ sáng lập, chúng tôi như bị choáng ngợp bởi sự xuất hiện của hơn 200 loại nhạc cụ khác nhau của các dân tộc Việt, trong đó có tới 108 loại được làm bằng tre nứa. Có những loại đàn quen thuộc như: đàn đáy, nguyệt, tứ, nhị, tơ-rưng, cồng chiêng…, và có cả những loại đàn chưa mấy người được nghe tên như: đàn cò ke, lứu, tàn máng, Kní, Gong tre, Klong-pút… Trên căn gác hai rộng chừng 30 m2, bên cạnh các nhạc cụ dân tộc, nghệ sĩ Bá Phổ còn dành một không gian nhỏ để biểu diễn tại chỗ. Tới đây, không chỉ được chiêm ngưỡng gần như đầy đủ các loại đàn dân tộc, được cầm thử, chơi thử mà còn được thưởng thức tài nghệ biểu diễn của chính vị chủ nhân am hiểu từ cách làm đến cách chơi từng loại. Bởi thế, hằng năm, Bá Phổ Nhạc đường đã đón tiếp không ít những đoàn khách tham quan, trong đó có cả những giáo sư, tiến sĩ, những nhà nghiên cứu nhạc cụ dân tộc trong, ngoài nước.
Ðối với nghệ sĩ Bá Phổ, chỉ có nghiên cứu về nhạc cụ một cách khoa học, triệt để mới đủ sức thấu hiểu sâu sắc từng tiếng đàn dân tộc. Xuất thân là nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông có nhiều điều kiện được đi công tác và biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc. Bằng sự am hiểu và dày công nghiên cứu của mình, nghệ sĩ Bá Phổ đã có nhiều đóng góp cho việc cải tiến, làm mới những nhạc cụ dân tộc, trong đó đáng kể nhất phải nói tới đàn tơ-rưng. Ít ai biết rằng, hầu hết các cây đàn tơ-rưng được sản xuất và trình diễn phổ biến hiện nay là công sức sáng tạo của nghệ sĩ Bá Phổ. Nếu cây đàn gốc của Tây Nguyên chỉ là đàn ngũ cung chơi được những giai điệu đơn giản với năm ống nứa được sắp xếp theo thứ tự âm cao nhất dưới cùng, âm thấp nhất trên cùng; thì nghệ sĩ Bá Phổ đã biến tấu thành loại nhạc cụ có ba hàng với 15 ống nứa, chơi được cả 12 cung bậc mang âm sắc thanh trầm khác nhau, chuyển tải được tất cả các giai điệu dù là phức tạp. Không những thế, ông còn thay đổi lại cách sắp xếp ống nứa sao cho thanh cao nhất được đặt trên cùng, thanh thấp nhất dưới cùng để người diễn tấu tiện “phiêu” theo cung bậc cảm xúc.
Sự nghiêm túc trong nghiên cứu của ông không chỉ thể hiện ở công sưu tập gần như đầy đủ tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của 54 dân tộc, mà còn thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc từ cách chế tạo đến cách chơi từng loại nhạc cụ. Ông đã miệt mài cụ thể hóa sự am hiểu đó thành những tập tài liệu khoa học kỳ công viết về hơn 200 loại nhạc cụ khác nhau, từ bộ đàn cung kéo tới bộ hơi, bộ gõ, bộ dây, tự thân van…; trong đó nêu rõ về cả nguyên liệu làm đàn, cấu tạo đàn, tần số dao động âm thanh, chỉ ra tỉ mỉ đâu là nguồn sinh âm, nguồn tạo âm, nguồn phát âm, cộng hưởng, thậm chí chỉ ra cả động tác, tư thế chơi từng loại nhạc cụ thế nào cho chuẩn. Bằng việc tự học, nghệ sĩ Bá Phổ đã sở hữu một kho tàng tri thức về nhạc cụ dân tộc lớn. Năm 2009, Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc đã phong ông là Giáo sư danh dự, thường xuyên mời ông sang thực hiện những đợt dạy nhạc và cử giáo viên, sinh viên sang Việt Nam nghe ông thỉnh giảng.
Trong guồng quay của đời sống bộn bề, khi mà nghệ thuật âm nhạc cũng bị thương mại hóa trầm trọng và nguy cơ mai một nền cổ nhạc, thật đáng quý khi vẫn có những người như nghệ nhân Phùng Tân Tuyên hay nghệ sĩ Bá Phổ, những người đã bất chấp bao khó khăn thời cuộc để gìn giữ kỳ được những âm điệu đàn dân tộc.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()