LSO-Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức các mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”. Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng vẻ vang, mà 35 năm qua, trong Đảng ta đã có biết bao anh hùng liệt sĩ như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và hàng vạn đảng viên gương mẫu trung với nước hiếu với dân…”Năm nay, kỷ niệm 101 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 – 4-11-2010), thêm một lần nữa và mãi mãi chúng ta tôn vinh những cống hiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ cho quê hương Lạng Sơn – nơi sinh...
LSO-Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức các mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng vẻ vang, mà 35 năm qua, trong Đảng ta đã có biết bao anh hùng liệt sĩ như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và hàng vạn đảng viên gương mẫu trung với nước hiếu với dân…”
Năm nay, kỷ niệm 101 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 – 4-11-2010), thêm một lần nữa và mãi mãi chúng ta tôn vinh những cống hiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ cho quê hương Lạng Sơn – nơi sinh thành đồng chí, cho đất nước ta, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
|
Dâng hoa tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ – Ảnh: Phan Cầu |
Tháng 12-1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng (một trong những tổ chức tiền thân của Đảng ta). Năm 1935, đồng chí là Bí thư chi bộ. Năm 1938, đồng chí được cử vào Ban lãnh đạo Xứ ủy Bắc kỳ. Năm 1939, đồng chí là Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 11-1940, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 5-1941, đồng chí được bầu vào Ban thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác mặt trận và binh vận. Chỉ tính từ sau khi là đảng viên cộng sản, là ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng, với cương vị, trọng trách và tài năng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho Đảng ta, đất nước ta, quê hương Lạng Sơn chúng ta trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ năm 1930 đến năm 1935, đồng chí trực tiếp vận động, giác ngộ quần chúng nhân dân, xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng đầu tiên ở Lạng Sơn từ Văn Uyên qua Thoát Lãng lên Thất Khê sang Bắc Sơn và thiết lập các trạm liên lạc bảo vệ cán bộ của Đảng từ trong nước ra họp Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, Trung Quốc. Năm 1933, đồng chí kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Lạng Sơn tại xã Thụy Hùng. Từ năm 1935 đến đầu năm 1938, đồng chí trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Ngày 25-9-1936, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn được thành lập. Năm 1937, chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng, đồng chí góp nhiều ý kiến cho Tỉnh ủy Cao Bằng về công tác xây dựng Đảng, đồng chí đã mở được lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng Cao Bằng. Ngày 11-4-1938, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, chi bộ xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương, huyện Tràng Định) được thành lập. Cuối tháng 4-1938, đồng chí kiểm tra các cơ sở cách mạng ở Võ Nhai, Thái Nguyên và mở lớp huấn luyện cho thanh niên địa phương giác ngộ cách mạng. Từ giữa năm 1938 đến tháng 11-1940, đồng chí cùng Ban lãnh đạo Xứ ủy Bắc kỳ thường xuyên chỉ đạo sâu sát việc củng cố các cơ sở Đảng và phong trào quần chúng cách mạng ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Vĩnh Yên, Quảng Ninh… Từ năm 1941 đến tháng 8-1943, đồng chí trực tiếp chỉ đạo việc duy trì, phát triển Đội du kích Bắc Sơn, xây dựng củng cố căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai và chỉ đạo công tác binh vận ở Hà Nội, Hải Phòng. Cuối tháng 2-1941, làm việc với Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn, đồng chí chỉ đạo những công tác cần kíp ở Bắc Sơn, triển khai việc phát triển Đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân làm nòng cốt cho phát triển lực lượng vũ trang của Đảng. Tại Bắc Sơn, đồng chí đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đội Cứu quốc quân đưa đường và bảo vệ an toàn đoàn cán bộ Trung ương đi họp Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó, Cao Bằng. Tháng 8-1941, đồng chí kiểm tra phong trào cách mạng tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó, đồng chí đến Vĩnh Yên chỉ đạo việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng ở địa phương. Năm 1943, ở Hà Nội, đồng chí trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng cách mạng trong giai cấp công nhân và công tác giác ngộ binh lính địch. Được đồng chí trực tiếp chỉ đạo, nhiều cơ sở cách mạng trong công nhân, binh lính được hình thành và hoạt động có hiệu quả, lực lượng cách mạng ở Hà Nội không ngừng lớn mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng ta kịp thời liên hệ, chỉ đạo phong trào cách mạng đang dâng lên mạnh mẽ trong cả nước, tiến tới nổi dậy khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 25-8-1943, đồng chí bị giặc Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái, Hà Nội. Dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và mọi cực hình tra tấn, không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 24-5-1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí Hoàng Văn Thụ tại pháp trường Tương Mai, Hà Nội. Là một cán bộ xuất sắc của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn có cống hiến to lớn trong việc sáng lập và làm chủ bút báo Giải Phóng, chỉ đạo công tác tuyên truyền của báo Giải Phóng và của tạp chí Cộng sản đã góp phần tuyên truyền, giác ngộ cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về chủ nghĩa Mác – Lênin, về phong trào cách mạng vô sản và phổ biến, truyền đạt những kinh nghiệm, phương pháp tổ chức, củng cố cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng cách mạng cho các Tỉnh ủy Bắc bộ. Ngoài ra, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn có cống hiến to lớn trong việc thành lập, củng cố, phát triển Mặt trận Việt Minh, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, góp phần thành công trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ một thanh niên dân tộc Tày yêu nước trở thành một đảng viên cộng sản, thành một cán bộ cao cấp, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhà chiến lược tài ba của Đảng, với những kinh nghiệm và sáng tạo của mình trong hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng được Đảng ta, nhân dân tôn vinh. Tự hào quê hương Lạng Sơn có người con ưu tú xuất sắc Hoàng Văn Thụ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn biến niềm tự hào, lòng biết ơn đồng chí Hoàng Văn Thụ thành hành động cách mạng, chung lòng hiệp sức, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên, giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Lạng Sơn ngày càng giầu mạnh, văn minh.
Trung Thành
Ý kiến ()