Mãi là người bạn chân thành, thân thiết
Sông Ða-nuýp chia thành phố Bu-đa-pét thành hai phần, Bu-đa và Pét, được nối với nhau bằng chín cây cầu, chín công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Năm nay, thành phố kỷ niệm 140 năm Ngày hợp thành Bu-đa-pét, thủ đô nước Hung-ga-ri. Tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Hung-ga-ri, chúng tôi có dịp được du thuyền trên sông Ða-nuýp để thưởng ngoạn vẻ đẹp của đôi bờ dòng sông đã đi vào thơ ca và các loại hình nghệ thuật khác.
Sông Ða-nuýp chia thành phố Bu-đa-pét thành hai phần, Bu-đa và Pét, được nối với nhau bằng chín cây cầu, chín công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Năm nay, thành phố kỷ niệm 140 năm Ngày hợp thành Bu-đa-pét, thủ đô nước Hung-ga-ri. Tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Hung-ga-ri, chúng tôi có dịp được du thuyền trên sông Ða-nuýp để thưởng ngoạn vẻ đẹp của đôi bờ dòng sông đã đi vào thơ ca và các loại hình nghệ thuật khác.
Kia là cây cầu Xích với kiến trúc cổ kính, họa tiết khỏe khoắn, vạm vỡ có bốn con sư tử đá, biểu tượng của sức mạnh vẫn sừng sững bên dòng sông trong xanh hơn 300 năm nay. Buổi sáng, nắng thu dát vàng trên những vương cung, thánh đường, phô hết vẻ đẹp tuyệt vời của thủ đô nước bạn. Chúng tôi đến Quảng trường Anh hùng khi từng đàn chim bồ câu sà xuống tắm nắng. Giữa quảng trường là Ðài tưởng niệm ngàn năm. Ở đây có cụm tượng gồm bảy vị lãnh tụ trên lưng ngựa, tay cương, tay kiếm tượng trưng cho bảy bộ lạc đã có công hợp thành nhà nước Hung Gia Lợi. Phía sau là tượng đài các anh hùng trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc với chất liệu bằng đồng, bất chấp nắng mưa, dông bão và bụi thời gian, chúng tôi thấu hiểu khát vọng hòa bình, hạnh phúc của người dân Hung-ga-ri. Và khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang long trọng đặt hoa, dưới chân tượng đài, chúng tôi lại càng hiểu vì sao vào năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn tổng phản công, Hung-ga-ri đã thiết lập quan hệ với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Nhà nước ta được tổ chức với nghi thức trọng thể nhất được tổ chức tại Phủ Tổng thống do Ngài Tổng thống A-đe Gia-nốt chủ trì. Cuộc hội đàm giữa Tổng thống A-đe Gia-nốt và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra ngay sau đó ít phút. Tại cuộc họp báo, Ngài Tổng thống A-đe Gia-nốt đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên thủ một nước đã giành được những kết quả, thành tựu đáng khâm phục về phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng kinh tế và đặc biệt Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo và cà-phê. Quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước Việt Nam – Hung-ga-ri tiếp tục phát triển tốt đẹp trong những năm qua. Tổng thống A-đe Gia-nốt tự hào cho biết: “Hung-ga-ri đã giúp Việt Nam đào tạo 4.000 người có trình độ trên đại học và trở thành quốc gia có cộng đồng người không phải gốc Hung-ga-ri mà nói tiếng Hung-ga-ri nhiều nhất thế giới”. Tổng thống thông báo tin vui, Chính phủ Hung-ga-ri đã quyết định tăng đáng kể số học bổng, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Hung-ga-ri muốn chứng tỏ với thế giới bề dày truyền thống về giáo dục và đào tạo. Chúng tôi thầm khâm phục Hung-ga-ri, một quốc gia có gần 10 triệu dân mà có đến 14 người đoạt Giải Nô-ben. Vì vậy, cùng với dược phẩm, giáo dục, đào tạo là hai lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác phát triển của Hung-ga-ri đối với Việt Nam.
Tổng thống hào hứng thông tin cho những người làm báo của hai nước biết, kết thúc hội đàm, ông và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chứng kiến lễ ký kết ba văn bản hợp tác quan trọng, trong đó có thỏa thuận hợp tác, nghiên cứu, pháp quy và kỹ thuật trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình giữa Chính phủ hai nước. Tổng thống Gia-nốt nhấn mạnh, Hung-ga-ri sẽ chuyển giao kinh nghiệm và đào tạo tay nghề cho 2.000 người Việt Nam tham gia vận hành nhà máy điện nguyên tử dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Trả lời câu hỏi các bạn đồng nghiệp của chúng tôi về Hung-ga-ri xác định vị trí của Việt Nam như thế nào trong triển khai chính sách đối ngoại hướng đông của mình, Tổng thống Gia-nốt trả lời ngay mà không cần phải cân nhắc, rằng chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và kết quả cuộc hội đàm đã chứng tỏ Việt Nam là đối tác quan trọng đối với Hung-ga-ri. Tổng thống nói rõ hơn: Không chỉ đạt những thành tựu trên lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam có vị thế cao ở Ðông – Nam Á và các tổ chức quốc tế. Hung-ga-ri ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong hợp tác với ASEAN và với đối tác thứ ba.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ niềm xúc động đến thăm đất nước Hung-ga-ri tươi đẹp, niềm vui trước quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong 60 năm qua phát triển hết sức tốt đẹp, nhất là quan hệ chính trị, ngoại giao. Quan hệ kinh tế – thương mại ngày càng có chuyển biến tích cực nhưng chưa phát huy hết tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu hợp tác phát triển của hai nước. Chủ tịch nước cho biết, trong chuyến thăm này, đại diện 70 doanh nghiệp Việt Nam cùng đi để cùng các chủ doanh nghiệp Hung-ga-ri tìm hiểu khả năng phát triển hợp tác sản xuất, kinh doanh. Việt Nam hoan nghênh và tạo mọi điều điện để các nhà đầu tư Hung-ga-ri kinh doanh lâu dài, có hiệu quả tại thị trường Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch đô thị và hệ thống giao thông công cộng, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, thủy sản, dược phẩm, giáo dục và đào tạo. Về phương hướng sắp tới, hai nước thống nhất duy trì trao đổi đoàn cấp cao; tăng cường hợp tác các bộ, ngành, nhất là hợp tác giữa các địa phương của hai nước mà việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hà Nội và Bu-đa-pét là thí dụ điển hình; phối hợp có hiệu quả hơn nữa tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế. Chủ tịch nước cảm ơn Hung-ga-ri đã cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng kinh tế – xã hội LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong triển khai đường lối đối ngoại tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn luôn coi Hung-ga-ri là đối tác quan trọng, mong muốn Hung-ga-ri là cửa ngõ để thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để trở thành cầu nối, cửa ngõ để Hung-ga-ri thâm nhập thị trường ASEAN cũng như các thị trường khu vực Ðông – Nam Á. Cảm ơn Nhà nước và nhân dân Hung-ga-ri tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt tại đây làm ăn sinh sống phát đạt và hội nhập xã hội, Chủ tịch nước mong muốn cộng đồng người Việt tại đây và 4.000 người Việt được đào tạo tại Hung-ga-ri sẽ là nhịp cầu vững chắc vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, Chủ tịch nước xúc động nói: “Việt Nam và Hung-ga-ri mãi mãi là những người bạn chân thành, thân thiết của nhau”.
Hợp tác kinh tế là động lực quan trọng để củng cố và gắn kết bền chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước. Ngày làm việc thứ hai của chuyến thăm cấp Nhà nước Hung-ga-ri được khởi đầu bằng việc Chủ tịch nước dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hung-ga-ri do Phòng Thương mại – Công nghiệp hai nước tổ chức. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gợi mở những định hướng hợp tác phát triển quan trọng. Theo đó, doanh nghiệp hai nước có thể kết nối hình thành mạng lưới hợp tác, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Hung-ga-ri thâm nhập thị trường ASEAN và châu Á qua cửa ngõ Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường châu Âu qua cửa ngõ Hung-ga-ri. Doanh nghiệp hai nước có thể kết hợp các thế mạnh của mình để hợp tác đầu tư kinh doanh tại nước thứ ba. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề có tiềm năng thế mạnh rất lớn nhưng chưa được phát huy đúng tầm mức. Có thể kết hợp công nghệ và trình độ đào tạo của Hung-ga-ri với nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam để đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, Hung-ga-ri và của khu vực. Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp hàng hóa là những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, triển vọng rất lớn. Doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác để thử nghiệm, tiến tới triển khai ứng dụng công nghệ cao của Hung-ga-ri tại Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản Việt Nam giúp hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh tại thị trường Liên hiệp châu Âu (EU). Việt Nam và Hung-ga-ri cần hợp tác nghiên cứu khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường.
Hai ngày làm việc trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hung-ga-ri, chúng tôi mắt thấy, tai nghe và cảm nhận mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống Việt Nam- Hung-ga-ri đã và đang được củng cố và ngày càng làm sâu sắc, hiệu quả hơn. Việt Nam và Hung-ga-ri mãi mãi là người bạn chân thành, thân thiết của nhau.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()