Mái ấm tình thương Vinh Sơn: Ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật
(LSO) – Sinh ra và bị khiếm khuyết, không lành lặn đã là một thiệt thòi lớn của các em khuyết tật. Không có khả năng nhận thức, không thể tự chăm sóc bản thân, chịu đau đớn về thể xác và tâm hồn, nỗi đau ấy không ai có thể cảm nhận được. Để bù đắp phần nào, tại Mái ấm tình thương Vinh Sơn, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, các em bị khuyết tật được chăm sóc, yêu thương vỗ về. Nơi đây, nhiều em đã coi như gia đình thứ 2 của mình.
Những ngày cuối tháng 10/2018, chúng tôi có dịp đến thăm các cháu đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Mái ấm tình thương Vinh Sơn.
Nữ tu Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Mái ấm tình thương Vinh Sơn cho biết: Mái ấm tình thương Vinh Sơn được thành lập từ năm 2009, tại đây đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 31 trẻ khuyết tật. Các em chủ yếu là khuyết tật dạng đặc biệt nặng. Có 20/31 em bị bại liệt, không có khả năng tự phục vụ. Các em đến từ nhiều nơi, chủ yếu là ở hai tỉnh: Lạng Sơn và Cao Bằng, những nơi vùng sâu, vùng xa, gia đình các em không có khả năng chăm sóc.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, Chi nhánh Lạng Sơn tặng quà cho Mái ấm tình thương Vinh Sơn
Chăm sóc trẻ em phát triển bình thường đã khó, song việc chăm sóc trẻ khuyết tật đặc biệt nặng lại càng vất vả bội phần. Từ việc cho các em ăn, vệ sinh cá nhân, chăm sóc phục hồi các chức năng, các vấn đề về sức khỏe, cách nằm, cách ngồi để không bị hoại tử… những điều đó do 8 nữ tu tại Mái ấm Vinh Sơn thay phiên nhau phụ trách hằng ngày nhằm xây dựng cho các em khuyết tật có một môi trường sống sạch và tốt nhất.
Em Dương Thị Lan Anh (7 tuổi), bị khuyết tật hệ vận động, cho biết: Từ bé, con đã được các sơ chăm sóc rất tốt. Hằng ngày, con giúp các sơ quét nhà, lau nhà, rửa bát… Ở đây con rất vui. Con muốn ở đây mãi với các sơ.
Bên cạnh niềm vui nhìn thấy các em khuyết tật có một cuộc sống tốt hơn thì các nữ tu tại đây cũng gặp không ít khó khăn. Do nguồn tài chính còn hạn chế nên việc đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất hay sắm sửa các đồ gia dụng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, với các nữ tu do sức khỏe có hạn, việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân khi phải bế, đưa các em di chuyển cũng gặp nhiều hạn chế. Bởi kinh phí hoạt động của trung tâm là do nhà dòng và giáo phận Lạng Sơn giúp đỡ. Tại trung tâm ngày càng có thêm nhiều cháu khuyết tật, các cháu ngày một lớn nên chi phí sinh hoạt, chăm sóc, nuôi dưỡng cũng tăng, nguồn kinh phí ngày càng thiếu hụt.
Hiện nay, Mái ấm tình thương Vinh Sơn chưa được nhiều người biết đến bởi cách xa trung tâm thành phố. Trung bình mỗi năm, ngôi nhà chung này đón từ 4 – 5 đoàn thiện nguyện tới thăm, hỗ trợ cho các em. Những món quà của các đoàn thiện nguyện đem đến Mái ấm tình thương Vinh Sơn thường tập trung vào các trang thiết bị giúp phục hồi chức năng hay rèn luyện sức khỏe như: cáng nằm, xe chạy bộ; các nhu yếu phẩm, tã, bỉm, xà phòng, quần áo và đồ chơi. Các phần quà là sự động viên, khích lệ tinh thần cho các em.
Đơn cử như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, Chi nhánh Lạng Sơn (SHB Lạng Sơn) từ 3 năm nay luôn đồng hành cùng Mái ấm tình thương Vinh Sơn để đem những suất quà, những bộ quần áo đến với các em khuyết tật. Anh Lê Đặng Dũng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng SHB Lạng Sơn cho biết: Đến thăm và tặng quà tại mái ấm thấy hoàn cảnh các em rất đáng thương. Theo đó, ngân hàng đã đồng hành cùng mái ấm để chung tay, hỗ trợ, giúp đỡ từ 3 năm nay.
Với những người đang làm việc, sinh sống tại Mái ấm tình thương Vinh Sơn thì niềm vui có được rất đơn giản. Đó là niềm vui khi được chăm sóc, được yêu thương, niềm vui từ việc hằng ngày nhìn thấy các em vui chơi, nô đùa, tự chăm sóc bản thân, tự chăm sóc lẫn nhau. Tuy nhiên, để mái ấm tình thương có thêm điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các em ngày càng thiết thực, hiệu quả rất cần sự chung tay, giúp sức của cộng đồng.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()