Mái ấm cho người nghèo ở Thừa Thiên - Huế
Lễ khánh thành và bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo tại TP Huế. Trong những căn nhà khang trang còn thơm mùi vôi mới là những ánh mắt biết cười, những gương mặt trẻ em hồn nhiên tươi vui khi mùa Xuân đến. Đó là những gia đình nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn vừa được các cấp, các ngành, nhà hảo tâm tỉnh Thừa Thiên - Huế xây mới trong dịp Tết Nhâm Thìn tặng.Những mái ấm đầu XuânĐầu Xuân, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hưng - một gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xã Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Đây là năm đầu tiên gia đình ông được sống trong ngôi nhà kiên cố trị giá hơn 30 triệu đồng. Nhà ông đông con, ông làm nghề bốc vác, nhưng một tuần chỉ làm được dăm ba bữa, không đủ tiền lo cho gia đình, vợ ông lại đau ốm liên miên nên mãi mà vẫn không thoát nghèo được. Gia đình ông vui lắm khi chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm của Chính phủ (Đề án 167) và sự góp sức của...
![]() Lễ khánh thành và bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo tại TP Huế. |
Trong những căn nhà khang trang còn thơm mùi vôi mới là những ánh mắt biết cười, những gương mặt trẻ em hồn nhiên tươi vui khi mùa Xuân đến. Đó là những gia đình nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn vừa được các cấp, các ngành, nhà hảo tâm tỉnh Thừa Thiên – Huế xây mới trong dịp Tết Nhâm Thìn tặng.
Những mái ấm đầu Xuân
Đầu Xuân, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hưng – một gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xã Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế). Đây là năm đầu tiên gia đình ông được sống trong ngôi nhà kiên cố trị giá hơn 30 triệu đồng. Nhà ông đông con, ông làm nghề bốc vác, nhưng một tuần chỉ làm được dăm ba bữa, không đủ tiền lo cho gia đình, vợ ông lại đau ốm liên miên nên mãi mà vẫn không thoát nghèo được. Gia đình ông vui lắm khi chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm của Chính phủ (Đề án 167) và sự góp sức của địa phương cùng các đoàn thể, ông đã xây dựng được một ngôi nhà giúp gia đình yên tâm sinh sống và làm ăn. “Mưa bão liên miên khiến cho ngôi nhà ngày càng xiêu vẹo, dột nát. Tưởng rằng Tết ni phải đi ở nhờ nhà người khác, ai ngờ lại có một mái ấm đúng trong dịp Tết. Nhiều đêm nằm ngủ trong ngôi nhà mới mà tui cứ ngỡ mình nằm mơ…” – Ông Hưng xúc động nói.
Không riêng gì gia đình ông Hưng, từ năm 2008 đến nay, xã Quảng An đã hoàn thành xây dựng hơn 200 căn nhà cho người nghèo với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí xã tự vận động để xóa nhà tạm gần 200 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 15 căn nhà cho hộ nghèo. Tại nhiều xã của huyện Quảng Điền đã huy động thêm nguồn vốn khác để xây nhà cho hộ nghèo, chẳng hạn như xã Quảng Vinh đã có sáng kiến kêu gọi các thôn hỗ trợ vật liệu xây dựng, ngày công, tiền mặt. Các xã Quảng Phước, Quảng Lợi, Quảng Thái… thì đứng ra bảo lãnh để các hộ nghèo được mua vật liệu xây dựng xóa nhà tạm.
Nằm trong khu nhà tái định cư Liên Thuyền, thôn Quy Lai, xã Phú Thanh (Phú Vang), ngôi nhà mới còn phảng phất mùi sơn, chị Trần Thị Thẻo, một trong 20 hộ vừa được trao nhà, đang hướng dẫn những đứa con học hành. Chị không giấu nổi niềm vui, nói: “Nhà chị trước ở trên thuyền, cả nhà đều làm nghề đánh cá sống qua ngày. Được Đảng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, tui đã vay mượn thêm để xây nhà mới, cuộc sống đã tạm ổn định, gia đình vui lắm. Năm nay đón Tết ở nhà mới mà”. Nói xong, chị đứng dậy dẫn chúng tôi đi thăm ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, ngôi nhà gia đình chị mơ ước bao nhiêu năm qua. Niềm vui của gia đình chị Thẻo cũng là niềm vui của nhiều cư dân nghèo trong khu tái định cư được xây dựng nhà tình thương trong mùa xuân này.
Trước đây, gia đình chị Thẻo cũng như các hộ khác ở khu tái định cư Quy Lai quanh năm sống lênh đênh trên sông nước bằng nghề đánh cá, rảnh rỗi thì nuôi thêm vài lồng cá, tăng thêm thu nhập qua ngày. Thực hiện dự án định cư của tỉnh, 20 hộ dân vạn đò ở thôn Quy Lai được cấp đất ở (mỗi hộ bình quân 110 m2) trong khu quy hoạch mới dọc đê Quy Lai – Tân Mỹ. Gần năm năm lên định cư, nhưng đa phần nhà cửa của bà con khu tái định cư đều tạm bợ lắm, những trận bão và lũ lụt trong hai năm qua làm xiêu vẹo, tốc mái toàn bộ. Từ nguồn “Quỹ vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ tỉnh đã hỗ trợ 200 triệu đồng (mỗi hộ 10 triệu đồng) để xây nhà tình thương cho cư dân vạn đò, gia đình chị Thẻo được bố trí nơi ở mới trong khu tái định cư. Sau khi xây nhà, gom góp một ít vốn chị mở quán tạp hóa buôn bán phục vụ bà con trong khu vực và làm thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn. Cuộc sống của vợ chồng chị đã dần ổn định với ngôi nhà mới bao năm mơ ước. Còn đối với gia đình ông Trần Giải, cụm trưởng khu tái định cư Quy Lai, niềm vui không chỉ có ngôi nhà mới mà còn được nhân đôi, bởi hai người con lớn của ông vừa được nhận vào làm việc tại một công ty may ở TP Hồ Chí Minh. Ông tâm sự: “Nhà tui nghèo quá, hai cô con gái đầu phải nghỉ học sớm, đi làm thuê làm mướn ở nhiều nơi nhưng giờ đã ổn định rồi, được học nghề may và xin vào làm ở một công ty, lương bổng cũng kha khá, mừng lắm”.
Huy động tổng lực chăm lo người nghèo
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế Lê Quang Dũng, trong ba năm triển khai chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (Đề án 167), toàn tỉnh đã giải ngân gần 80 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp dân cư. Phong trào “Ngày vì người nghèo” cũng đã thu hút sự quan tâm và giúp đỡ của nhiều cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài nguồn lực của T.Ư, còn có nguồn ngân sách của địa phương, nguồn vay ngân hàng chính sách xã hội và huy động sự đóng góp bằng ngày công lao động của người dân ở những nơi có hỗ trợ nhà ở. Hầu hết, các huyện, thị xã trong tỉnh thực hiện việc giải ngân bảo đảm nguồn kinh phí cho các hộ nghèo triển khai xây dựng nhà ở. Với yêu cầu xây dựng mỗi căn nhà tối thiểu 24 m2, có móng, nền, tường, mái chắc chắn, nhưng hầu hết các hộ đã xây dựng nhà truyền thống 35 m2 với mức đầu tư bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/nhà.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà tạm cho hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trước kế hoạch một năm. Đây cũng là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong công tác xóa nhà tạm cho người nghèo với nhiều cách vận động như mở hội nghị chuyên đề về xóa nhà tạm cho đồng bào ở A Lưới; vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội cùng “góp sức” lo cho người nghèo. Trong quá trình thực hiện, các địa phương trong tỉnh còn vận động nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, họ tộc, hộ ít khó khăn hơn nhường cho hộ khó khăn nhiều hơn được có nhà ở trước. Từ nguồn quỹ “Xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”, Hội LHPN tỉnh đã vận động hơn 72 nghìn lượt phụ nữ tham gia, đóng góp được 2,9 tỷ đồng xây dựng nhà cho phụ nữ nghèo. Đoàn thanh niên tỉnh với phong trào “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với nhiều hoạt động hướng về vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới mà cao trào là chiến dịch hè hằng năm, vận động các cấp, các ngành giúp đỡ hộ nghèo và nhiều hoạt động như khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tấm lợp, cây trồng, vật nuôi, tặng quà cho gia đình khó khăn, xây dựng và sửa chữa hàng trăm nhà với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Các hội đoàn thể khác trong tỉnh như Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Người mù, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc da cam đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho biết: Tỉnh chủ trương không chạy theo thành tích, tránh việc để người dân “thay thế nhà tạm này bằng một nhà tạm khác” mà đi vào thực chất của chương trình, tạo điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con. Tỉnh đề ra định mức hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà để thực hiện việc xóa nhà tạm, trong đó vốn từ chương trình do T.Ư hỗ trợ năm triệu đồng/nhà, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Ở từng địa phương, ngoài việc công khai nguồn vốn hỗ trợ, các đối tượng trong diện hộ nghèo được hướng dẫn chọn nhà theo các thiết kế mẫu. Chính quyền cơ sở thực hiện chức năng giám sát nhưng để người dân tự làm, tự quản lý nguồn vốn nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư. Hiện có khoảng 45 – 55% số hộ trong vùng tự đóng góp thêm tiền với mức bình quân từ một đến ba triệu đồng/hộ cùng nhân công, vật liệu để xây dựng những căn nhà bền đẹp và khang trang.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Phùng cho biết: Năm 2011, phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục ủng hộ để giúp đỡ người nghèo, nhất là những gia đình đang còn nhà ở tạm bợ, dột nát với tổng số tiền vận động hơn 16,2 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng 2.271 nhà ở cho người nghèo, giúp đồng bào có ngôi nhà mới đón Tết cổ truyền Nhâm Thìn. Điều đáng ghi nhận là dù nguồn kinh phí hỗ trợ khiêm tốn, nhưng nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ thêm ngày công của các đoàn thể, bà con, nên nhiều ngôi nhà được xây dựng nhanh chóng, thuận lợi, góp phần giúp người nghèo ổn định được cuộc sống. |
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()