“Mắc bẫy” thâu tóm
Vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu Việt khá tiếng tăm bất ngờ bị rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A). Cánh cửa hội nhập đang rộng mở, xu hướng này sẽ ngày càng phức tạp, khó lường. Phân tích câu chuyện sau những thương vụ M&A, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thương hiệu Việt đang từng bước “tuột” khỏi tay người đã sinh ra và dày công tạo dựng. Phải chăng, “khách lấn chủ” đang là nguy cơ trước mắt?
Công ty cổ phần Kinh Đô, một trong những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh bánh kẹo hàng đầu tại nước ta, vừa qua đã phải bán 80% cổ phần trong mảng kinh doanh bánh kẹo cho đối tác Tập đoàn Mondelez International (Hoa Kỳ) với giá gần 8.000 tỷ đồng, mặc dù công ty vẫn tăng trưởng ổn định. Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh Đô Trần Kim Thành giải thích, dù dẫn đầu thị trường bánh kẹo trong nước nhưng ngành hàng này không còn nhiều cơ hội phát triển như trước đây. Thương vụ trên nhằm giúp Kinh Đô chuyển hướng đầu tư vào các ngành khác, có thể mang lại lợi nhuận cao như cà-phê, mì gói, dầu ăn,… Một thương vụ M&A khác cũng làm rúng động thị trường là Công ty Power Buy mua lại 49% cổ phần của Công ty thương mại Nguyễn Kim. Giống như rất nhiều DN Việt Nam khác, Nguyễn Kim cuối cùng vẫn phải dựa vào sức mạnh tài chính của nước ngoài trong chiến dịch giữ thị phần và tốc độ tăng trưởng trong ngành kinh doanh bán lẻ. Rất nhiều thương vụ khác, như Tribeco bị thâu tóm bởi Uni President; hay bia Huda,… cũng khiến nhiều người hiểu chuyện cảm thấy tiếc nuối.
Nhiều thương hiệu Việt bị thâu tóm đã chứng minh rằng: các DN nước ngoài nhìn thấy ở thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển nếu được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và họ nhanh chóng chớp thời cơ. “Sức khỏe” của DN nội khá èo uột, vốn chỉ đủ 20 đến 30% nhu cầu kinh doanh. Chưa kể tới việc 60 đến 70% số siêu thị trong nước phụ thuộc vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, nhân lực điều hành chưa được đào tạo,… DN sản xuất, kinh doanh kiểu đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết, hợp tác đầu tư, không định hình được chiến lược phát triển ở cả ba cấp nhà nước, ngành và DN.
Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của DN nước ngoài sẽ là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Vì vậy, để DN Việt không bị mắc “bẫy” thâu tóm thương hiệu ngay trên sân nhà, các DN phải tự đổi mới, tổ chức lại sản xuất hàng hóa một cách bài bản với quy mô lớn, có chất lượng. Nếu đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn cho đối tác nước ngoài, phải thật tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị DN, nắm bắt những kinh nghiệm của DN nước ngoài để từng bước phát triển, không đánh mất chính mình, từ vai ông chủ trở thành làm thuê.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()