Ma túy "thế hệ mới" - mối hiểm họa học đường
Theo một khảo sát của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay, khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này lại có tới 70% – 75% là giới trẻ, học sinh – sinh viên (tuổi từ 17 – 35 tuổi). Có thể thấy học sinh sinh viên là những đối tượng mới lớn, trong độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới và muốn thể hiện bản thân nhanh chóng trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới, và học đường là thị trường béo bở của chúng. Bọn chúng lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để bào chế rất nhiều dạng ma túy thế hệ mới, được đánh giá là cực độc so với ma túy truyền thống, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá của giới trẻ, vừa che mắt cơ quan chức năng khi phát hiện, ngăn chặn ma túy vào học đường cũng như sự kiểm soát của gia đình và nhà trường với học sinh và con em mình.
“Nước vui”, “bùa lưỡi”, “bột dâu”, “bột xoài” với hình thức bắt mắt dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng |
Vụ việc 13 học sinh Trường THPT Hoành Bồ (Quảng Ninh) bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay sau khi sử dụng một loại kẹo dẻo do một bạn trong lớp mang đi cho ngày 25/10 vừa qua là một ví dụ. Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết đây là loại kẹo có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa, được một du học sinh mang về làm quà.
Trước đó, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cũng đã phát hiện bắt giữ hai vụ tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý được ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm hương dâu pha uống như một loại nước giải khát. Khó ai có thể phát hiện đây lại là một dạng ma túy tổng hợp để đề phòng, ngăn chặn.
Bên cạnh đó, lực lượng công an ở nhiều tỉnh, thành còn phát hiện, bắt giữ nhiều vụ tàng trữ, mua bán, sử dụng các chất ma túy mới, các chất hướng thần có tác dụng tương tự dạng bào chế của ma túy như “nước vui”, “bóng cười”, “bùa lưỡi”… Ngoài ra, hiện nay có sự gia tăng rất nhanh các chất ma túy mới, các chất hướng thần có tác dụng tương tự ma túy mà khi bị phát hiện chưa có tên trong danh sách các chất ma túy được quản lý. Theo Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), số lượng chất ma túy hiện nay được quản lý tăng lên gấp hơn hai lần so với trước (có 543 chất ma tuý và 57 tiền chất). Những loại ma túy này được bào chế để dễ tàng trữ, dễ sử dụng, đa dạng về thành phần gây nghiện và có tính năng làm hưng phấn, gây ảo giác, dễ dẫn dụ giới trẻ, thanh thiếu niên. Điều này cho thấy mức độ ngày càng tinh vi của các đối tượng phạm tội.
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, các đối tượng bán ma túy tinh vi đến mức ngoài việc tìm cách đưa ma túy bán ở những hàng quán quanh trường học, chúng còn sử dụng hình thức bán hàng “đa cấp” và bán qua mạng xã hội để có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng hơn trong giới trẻ. Với hình thức bán hàng đa cấp, những đối tượng trong đường dây buôn bán càng tích cực phát triển hệ thống chân rết, dễ dàng biến những đối tượng sử dụng ma túy, đặc biệt là học sinh sinh viên thành người bán hàng, trực tiếp để rủ rê, lôi kéo bạn bè vào con đường ma túy hòng có tiền để mua thuốc. Con đường từ người nghiện trở thành tội phạm trở nên rất ngắn.
Ngoài ra, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, độ tuổi nghiện trẻ hóa gây nên chứng rối loạn tâm thần, mất kiểm soát, khó điều trị…, thậm chí, khi sử dụng nhiều loại ma túy tổng hợp còn dẫn đến không kiểm soát được hành vi, gây hậu quả nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối…” gây ra nhiều hệ quả vô cùng đau xót cho xã hội. Và thực tế đã chứng minh rằng, sự buông lỏng quản lý của gia đình và nhà trường là nguy cơ lớn nhất khiến học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với ma túy.
Để ngăn chặn ma túy học đường, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp thực hiện, Bộ Công an và Bộ Giáo dục đào tạo đã có sự phối hợp trong việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho học sinh sinh viên, xây dựng hệ thống giải pháp phòng ngừa ma túy trong học đường; thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học; bắt và xử lý rất nhiều vụ buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy… Tuy nhiên, việc ngăn chặn ma túy trong giới trẻ, đặc biệt trong học đường là nhiệm vụ không nên chỉ giao phó cho lực lượng công an và nhà trường, mà cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội.
Đầu tiên, mỗi gia đình cần phải là pháo đài vững chắc nhất trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy. Các bậc cha mẹ phải là người đầu tiên quan tâm, giám sát, quản lý, giáo dục con em mình. Ngoài việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, tiền bạc, các bậc cha mẹ cũng cần theo dõi những biểu hiện để có những ứng xử phù hợp, sớm phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy.
Tăng cường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống tệ nạn xã hội. Ảnh minh họa: TH |
Đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về ma túy và tác hại của ma túy, những phương thức mà tội phạm ma tuý sử dụng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy; đồng thời trang bị thêm cho các em bản lĩnh và kỹ năng để các em tự có sức đề kháng trước những cám dỗ… Việc tuyên truyền cần được thực hiện thông qua hình thức đa dạng và sinh động. Ngoài ra, cần đào tạo để mỗi học sinh sinh viên có kỹ năng phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán và sử dụng ma túy, coi mỗi em là một người quan sát, giám sát, “cần ăng ten” để sớm phát hiện và ngăn chặn.
Lực lượng công an ngoài việc tăng cường kiểm tra những cơ sở bán hàng ở cổng trường, sẵn sàng đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm tội phạm để tạo môi trường trong sạch xung quanh trường học, cần liên tục cập nhật tình hình thay đổi phương thức hoạt động của tội phạm ma túy, phương thức nhận biết các dạng ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới để gia đình, nhà trường và bản thân các em biết và phòng tránh. Tăng cường tập huấn cho lực lượng giáo viên, tổng phụ trách, bí thư đoàn thanh niên những kỹ năng, nghiệp vụ giáo dục, tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học.
Học sinh sinh viên là lực lượng cốt lõi, lâu dài, là nguồn lực của đất nước trong tương lai. Nếu học đường bị ma túy xâm nhập, hậu quả khôn lường không chỉ đối với học sinh, sinh viên và gia đình các em, mà còn làm suy yếu tương lai đất nước. Cuộc chiến chống ma túy đã và sẽ phải là cuộc chiến quyết liệt, không ngừng nghỉ, không khoan nhượng. Sự phối hợp của công an, gia đình, nhà trường, địa phương sẽ là thành trì vững chắc trong việc bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước./.
Ý kiến ()