"Ma trận" hàng hóa, thực phẩm bẩn
Vừa chân ướt chân ráo đi làm về, chị Nguyễn Thu Nga ở Đống Đa (Hà Nội) đã được nhân viên cửa hàng trái cây tươi Klever Fruits mang đến tận nhà một hộp nho Mỹ không hạt. Đây là sản phẩm khuyến mại do Klever Fruits tặng cho khách hàng VIP của mình.
Từ hai năm trở lại đây, chị Nga là một trong những khách hàng thường xuyên của nhiều cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu cao cấp, thậm chí trở thành khách VIP nhờ số tiền mua hàng khá lớn. So với hoa quả trong nước, giá các loại hoa quả nhập khẩu cách “một trời, một vực” và vẫn còn khá xa lạ đối với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. Đơn cử, nho Mỹ không hạt giá 299 nghìn đồng/kg; táo Envy Niu Di-lân 249 nghìn đồng/kg; quýt Ô-xtrây-li-a 199 nghìn đồng/kg; mận Mỹ 499 nghìn đồng/kg,…
Thế nhưng, một bộ phận người dân có thu nhập khá vẫn lựa chọn hoa quả nhập khẩu bởi những loại sản phẩm này có chất lượng thơm ngon hơn hẳn hoa quả trồng trong nước, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, lại phong phú về chủng loại, bảo đảm tiêu chí “sạch”. Trong khi thực phẩm, hoa quả bị ngâm tẩm, phun hóa chất độc hại tràn lan như thời gian qua, đây được coi là xu hướng tiêu dùng “thông thái”. Và nhu cầu này ngày càng gia tăng, khiến hàng loạt các cửa hàng (shop) bán hoa quả nhập khẩu cao cấp ra đời và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối. Những thương hiệu như Bestfruit, Gardenfruit, Fruitland, Klever Fruits,… đang nổi lên và có tính cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường với nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng khá ưu việt.
Tuy nhiên, gần đây, trước thông tin nhiều loại hoa quả Trung Quốc “đội lốt” hàng Mỹ, Niu Di-lân, khiến người tiêu dùng “thông thái” thật sự hoang mang, lo lắng. Ngay cả một số siêu thị có uy tín cũng bị phát giác nhập khẩu một số loại thực phẩm, hoa quả không rõ nguồn gốc và “gắn mác” hàng nhập khẩu. “Chúng tôi làm sao có thể phân biệt được đâu là táo nhập khẩu từ Mỹ hay Niu Di-lân, đâu là táo Trung Quốc “gắn mác”, bởi người ta có thể mua các loại tem nhập khẩu một cách dễ dàng rồi gắn vào sản phẩm”, chị Nga chia sẻ. Thận trọng với hoa quả nhập khẩu, không ít người tiêu dùng quay trở lại tìm mua những loại hoa quả trong nước như na, bưởi, dưa hấu, ổi,… theo kiểu “ăn cho nó lành”.
Người tiêu dùng đành chỉ biết tự bảo vệ mình bằng cách chọn mua hoa quả theo mùa, tránh mua những loại quả trái mùa hay quả lạ, sợ có hóa chất độc hại. Đây cũng chính là tâm lý tiêu dùng hiện nay nhằm đối phó với “ma trận” hàng thực phẩm nhập khẩu lẫn lộn, nhập nhèm này. Chẳng lẽ các cơ quan chức năng đành “bó tay, ngó lơ” trước “ma trận” thực phẩm bẩn, mặc kệ người tiêu dùng tự xoay xở?
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()