Mã QR - Chìa khóa công nghệ hữu ích thời Covid-19
Được sử dụng rộng rãi để kiểm soát vé tàu hoặc đặt chỗ trong rạp chiếu phim, mã QR là một cách truyền thông tin linh hoạt, nhanh chóng và an toàn. Mã QR còn được xem là chìa khóa công nghệ được nhiều nước sử dụng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Mã QR là gì?
Mã QR là cách viết tắt tiếng Anh của cụm từ “Quick response code” (nghĩa là “mã phản hồi nhanh”). Đây là mã vạch hai chiều, lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số. Mã QR trông giống như một loại bàn cờ phức tạp, được tạo thành từ các ô vuông nhỏ màu đen trên nền trắng. Hình dạng này không phải do ngẫu nhiên mà nó được lấy cảm hứng từ trò chơi cờ vây nổi tiếng của Nhật Bản. Theo báo Le Monde của Pháp, mã QR được tạo ra bởi kỹ sư người Nhật Masahiro Hara vào năm 1994. Ban đầu, mã QR được sử dụng trong các nhà máy của Toyota để theo dõi các phụ tùng thay thế trên dây chuyền sản xuất. Do đó, mã QR được sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản.
Kể từ đầu thập niên 2010, mã QR ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia khác. Ở nhiều nước châu Á, mã QR được sử dụng làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch mua hàng. Với lợi thế có số lượng người sử dụng điện thoại thông minh cài mã QR nhiều nhất trên thế giới, Trung Quốc đã thực hiện việc tiêu dùng không sử dụng tiền mặt khá thành công. Tại Pháp, mã QR chủ yếu được sử dụng để trao đổi thông tin. Bằng cách quét mã QR, hành khách có thể xuất trình vé khi đi tàu điện ngầm, xe bus, đọc thực đơn của một số nhà hàng nhất định, chia sẻ danh sách phát Spotify, xác thực vé xem phim thậm chí kết nối với mạng wifi. Có thể nói, lĩnh vực sử dụng mã QR là vô hạn.
Nhiều người Pháp sử dụng mã QR khai báo y tế khi vào rạp chiếu phim. Ảnh: sudouest.fr |
Định dạng của mã QR có nhiều lợi thế. Trước hết, mã QR có ưu điểm là cực kỳ dễ sử dụng. Có sẵn dưới dạng kỹ thuật số hay trên một tờ giấy, mã QR có thể được đưa đến bất cứ đâu. Việc sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ cần một thiết bị có camera là có thể quét mã QR. Ngày nay, hầu hết điện thoại thông minh đều có camera và chỉ cần đặt camera trước mặt mã QR, phần mềm sẽ tự quét các dữ liệu cần thiết.
Theo trang Gizmodo của Mỹ, mã QR có thể chứa nhiều thông tin gấp 100 lần mã vạch đơn giản. Do đó, nó có thể lưu trữ tất cả các loại dữ liệu. Một ưu điểm của mã QR là tính bất khả xâm phạm. Nhờ định dạng đặc biệt, các tay hacker rất khó có thể tấn công mã QR. Ngoài ra, mã QR làm giảm số lượng gặp gỡ trung gian giữa khách hàng và người bán, tạo nên lợi thế về mặt bảo mật.
“Bảo bối” thời dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số quốc gia đang thiết lập cơ chế cấp giấy chứng nhận y tế dựa trên công nghệ mã QR, coi đây là “bảo bối” thời dịch Covid-19, qua đó cho phép người dân có thể đi tới những nơi công cộng. Theo đó, mã QR trên giấy chứng nhận y tế sẽ chứa thông tin về tình trạng tiêm chủng hoặc miễn dịch của người giữ giấy cũng như danh tính của người đó. Một ứng dụng do chính phủ cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ (như chủ nhà hàng, nhà kinh doanh, người quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao…) sẽ quét mã QR để có thể biết giấy chứng nhận hợp lệ hay không hợp lệ; biết họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của khách hàng để đối chứng với những thông tin được lưu trên hệ thống căn cước công dân quốc gia.
Pháp là một trong những nước tiên phong sử dụng giấy chứng nhận y tế có gắn mã QR. Kể từ ngày 9-8, người dân Pháp muốn tới rạp chiếu phim, vào bảo tàng, lui tới các cơ sở thể thao, hay các quán cà phê, nhà hàng, hội chợ và triển lãm thương mại, cũng như khi đi máy bay, tàu hỏa hoặc xe bus đường dài sẽ phải mang theo giấy chứng nhận y tế có gắn mã QR. Để nhận được “bảo bối” này, người dân cần phải có giấy chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Theo tờ Le Monde, mặc dù vấp phải sự phản đối của một bộ phận dân chúng, nhưng trong những ngày qua, số lượng người yêu cầu cấp mã QR cho giấy chứng nhận y tế ở Pháp đã tăng đột biến bởi không ai muốn ngồi nhà chỉ vì chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Ý kiến ()