Không đòi hỏi cao về tay nghề và trình độ ngoại ngữ
Tình cờ, trưa 12-4, tôi gặp Trần Việt Dũng, quê ở xã Tân Hương, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh khi Dũng đến thăm một người anh họ vừa ăn trưa cùng tôi ở Thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a. Qua câu chuyện, tôi biết Dũng đã sang đây lao động được ba năm và vừa gia hạn hợp đồng lao động năm thứ tư. Hiện, Dũng đang làm việc tại Công ty Tăng-xu-li, ở Ta-man-tu Da-man-sa-ra với công việc xây dựng sân gôn. Tò mò, tôi hỏi Dũng về thu nhập, Dũng cho biết: Bình quân mỗi ngày 45RM, một tháng là 1.350RM, bằng 450 đô-la Mỹ, tương đương chín triệu đồng Việt Nam. Đấy là chưa kể tiền làm thêm giờ. Sau ba năm lao động, Dũng đã gửi về nhà 260 triệu đồng. Thế rồi Dũng thổ lộ: Anh ạ, quê em nghèo lắm, ruộng ít, đất đai khô cằn, kinh tế gia đình khó khăn. Trước khi đi xuất khẩu lao động, em còn nợ ngân hàng 30 triệu đồng do trước đó vay nuôi lợn. Lợn bị dịch tai xanh chết cả, em không biết lấy gì để trả nợ. Có học hành, nghề ngỗng gì đâu, nông dân mà. Nhờ chính sách của Nhà nước hỗ trợ người nghèo đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, em rất mừng. Bây giờ, kinh tế gia đình em cũng ổn, nuôi được các cháu đi học tử tế, còn dành dụm được ít lưng vốn. Em đang dự định đầu tư làm gì đó để sinh lời.
Nghe Trần Việt Dũng kể, tôi rất mừng cho Dũng. Thì ra, cũng như nhiều lao động khác mà tôi đã gặp trước đó ở Bang Penang của Ma-lai-xi-a. Nhiều người trong số họ cũng xuất thân từ nông dân ở những vùng quê nghèo như Dũng. Nhờ thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29-4-2009, họ đã được đi làm việc tại Ma-lai-xi-a. Đó là chị Nguyễn Thị Mười, quê ở xã Bình Sơn (Sông Công, Thái Nguyên); chị Nguyễn Thị Sen, quê thị trấn Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; hay chị Trần Thị Tâm (sinh năm 1974) ở xóm Phú Thọ, xã Lưu Sơn (Đô Lương, Nghệ An); em Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1976, đã có hai con, quê xã Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An. Tất cả đều là nông dân, chân lấm tay bùn, không nghề nghiệp. Sang Ma-lai-xi-a làm lao động dọn dẹp vệ sinh, lau chùi cánh cửa ở các bệnh viện, trường học. Công việc này phù hợp khả năng và sức lao động của họ. Chị Mười, em Thủy đều cho rằng, họ được các bác sĩ, nhân viên bệnh viện đối xử tốt, sống vui vẻ. Sang Ma-lai-xi-a từ ngày 25-10-2010, đến tháng 3 vừa qua, chị Mười đã gửi về nhà khoảng 90 triệu đồng, xây cho con gái được cái nhà. Em Thủy, chị Tâm, chị Sen cũng đã gửi về nhà được tương đương số tiền ấy! Đây là những lao động do Công ty Việt Hà (Hà Tĩnh) cung ứng cho Công ty ASMANA, ở Bang Penang, Ma-lai-xi-a, trong số 69 lao động bị đình chỉ việc làm vừa qua vì cư trú quá hạn. Lỗi của tình trạng này đã được xác định thuộc về Công ty sử dụng lao động ASMANA, chưa làm thủ tục gia hạn visa năm thứ hai cho lao động Việt Nam. Ngày 30-3-2012, Tổng Chưởng lý Ma-lai-xi-a quyết định trả lại hồ sơ cho Cơ quan nhập cư Penang giải quyết theo quy định của Luật Cư trú của Ma-lai-xi-a, không xét xử về hình sự theo quy định của Luật Chống buôn người. Trong số 69 lao động ở công ty này, có 23 người đăng ký tiếp tục ở lại làm việc, 46 người có nguyện vọng về nước.
Tối 10-4 vừa qua, 40 lao động trong số đó đã về nước an toàn. Sáu người còn lại đang làm thủ tục về nước trong một vài ngày tới. Những người đã đăng ký ở lại lao động tiếp tỏ rõ quyết tâm bám trụ đến cùng. Em Nguyễn Thị Thủy quả quyết, sẽ ở lại đến hết hợp đồng lao động. Còn em Võ Thị Thủy, sinh năm 1979, quê Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An khẳng định mạnh mẽ hơn: Muốn ở lại làm việc càng lâu càng tốt. Em nói: Đã nhiều tuổi rồi mà vẫn được tuyển đi lao động ở nước ngoài để xóa đói, giảm nghèo thì còn gì tốt hơn.
Rõ ràng, đây là một thị trường lao động khá “dễ tính”, không đòi hỏi cao về tay nghề và trình độ ngoại ngữ, rất phù hợp chính sách xóa đói, giảm nghèo bền vững đối với các huyện nghèo của Nhà nước ta.
Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Ma-lai-xi-a còn lớn
Ma-lai-xi-a có diện tích 329 nghìn 847 km2 (gần bằng diện tích Việt Nam), dân số 28 triệu người. Trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20, nền kinh tế nước này có những bước phát triển mạnh. GDP hằng năm tăng bình quân 6% – 7%. Trong thập niên đầu của thế kỷ 21, nền kinh tế Ma-lai-xi-a luôn có sự tăng trưởng từ 4% đến 7%. Với dân số và nguồn lao động ít, từ cuối năm 1990, Ma-lai-xi-a đã phải nhận lao động từ 10 nước vào làm việc (gồm In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Mi-an-ma, Nê-pan, Phi-li-pin, Thái-lan, Xri Lan-ca và Cam-pu-chia). Từ năm 2002, Ma-lai-xi-a bắt đầu nhận lao động Việt Nam, và sau đó cho phép nhận lao động Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Hiện nay, có khoảng ba triệu lao động nước ngoài làm việc tại Ma-lai-xi-a, trong đó có khoảng 1,2 triệu lao động bất hợp pháp. Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp để hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài, nhưng nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của các doanh nghiệp Ma-lai-xi-a vẫn không giảm, mà có chiều hướng tăng.
Những lao động đầu tiên của Việt Nam được thí điểm đưa sang Ma-lai-xi-a làm việc từ tháng 4-2002, với các điều kiện làm việc và thu nhập ổn định, phù hợp lao động xuất phát từ nông thôn của Việt Nam. Hơn 10 năm qua, nước ta đã đưa hơn 200 nghìn lượt người lao động sang làm việc, riêng năm 2006 có số lượng lao động đi nhiều nhất (hơn 37 nghìn người). Hiện nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 77 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại 11 trong số 13 bang của Ma-lai-xi-a. Các ngành nghề lao động tập trung làm việc nhiều là điện tử, dệt may, chế biến gỗ, cơ khí…, với thu nhập bình quân từ 750 đến 1.000 RM một tháng (1RM = 7.000 đồng VN). Phần lớn chủ sử dụng lao động không đòi hỏi cao về tay nghề, sức khỏe, ngoại ngữ đối với người lao động.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho Ma-lai-xi-a cũng bị ảnh hưởng, do đó việc làm của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Một số nhà máy, xí nghiệp không hoạt động hết công suất do đơn hàng xuất khẩu chậm. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã áp dụng các biện pháp kinh tế hữu hiệu để ngăn chặn suy thoái kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vì vậy nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài vẫn còn lớn. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về triển vọng thị trường lao động Ma-lai-xi-a, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta ở đây nhận định: Trong năm tới, Ma-lai-xi-a vẫn là một thị trường xuất khẩu lao động quan trọng đối với Việt Nam; phù hợp chính sách xuất khẩu lao động, xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước ta.
Để tiếp tục phát triển thị trường này, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều thuận lợi khá cơ bản. Đó là, Chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Ma-lai-xi-a; sự quan tâm của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương, sự chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thủ tục xuất nhập cảnh sang Ma-lai-xi-a thuận tiện; Chi phí đi lao động ở nước này phù hợp người Việt Nam; yêu cầu tay nghề không cao; chủ sử dụng có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, lao động nước ta phải cạnh tranh với lao động của các nước khác về tiền lương. Việc xử lý các vụ việc xảy ra, như tranh chấp lao động của các cơ quan chức năng Ma-lai-xi-a chậm. Một số người Việt Nam sang du lịch đã ở lại Ma-lai-xi-a làm việc bất hợp pháp. Tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài cư trú vẫn xảy ra. Các tổ chức phản động người Việt chọn Ma-lai-xi-a làm địa bàn hoạt động chính, thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo, thu thập thông tin từ lao động nước ta nhằm chống phá Chính phủ Việt Nam.
Ngoài những thuận lợi, khó khăn nêu trên, cũng cần nói thêm rằng, lao động Việt Nam có một số ưu điểm cho nên được giới chủ sử dụng lao động đánh giá cao như: Khéo tay, học việc nhanh, cần cù, chịu khó,… Song cũng còn hạn chế như, ý thức tổ chức kỷ luật của một số bộ phận lao động yếu, hay đòi hỏi quyền lợi, đình công, uống rượu, gây gổ đánh nhau. Đây là nguyên nhân khiến một số chủ sử dụng lao động e ngại tiếp nhận lao động Việt Nam.
Khắc phục hạn chế để khai thác tốt thị trường lao động
Ma-lai-xi-a vẫn được xác định là một thị trường xuất khẩu lao động quan trọng của nước ta trong những năm tới. Để giữ vững thị trường, ổn định tình hình lao động, gia tăng vững chắc số lượng lao động sang làm việc ở đây, theo đồng chí Nguyễn Tiến San, Tham tán, Trưởng Ban quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Ma-lai-xi-a là cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên.
Từ thực tế tình hình lao động ta ở Ma-lai-xi-a, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định, ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Ma-lai-xi-a; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này. Cần chú trọng công tác thẩm định hợp đồng, nhất là về tiền lương, bảo hiểm, điều kiện ăn ở và làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tiếp nhận lao động trước khi đưa người lao động đi làm việc, tránh để người lao động phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; yêu cầu các doanh nghiệp có nhiều lao động ở nước ngoài phải có đại diện thường trực ở nước sở tại, trong đó có Ma-lai-xi-a. Đại diện các doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm tra tình hình để sớm phát hiện những vướng mắc phát sinh, chẳng hạn doanh nghiệp sử dụng lao động của Ma-lai-xi-a không kịp thời làm thủ tục gia hạn visa cho lao động dẫn đến tình trạng lao động nước ta cư trú bất hợp pháp như vụ việc đáng tiếc đã xảy ra đối với 69 lao động của Công ty Việt Hà cung ứng cho Công ty ASMANA của Ma-lai-xi-a, làm mất khá nhiều thời gian của các cơ quan chức năng của ta trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và chính sách bảo hộ công dân ta ở nước ngoài. Đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam, ở cả trong nước và nước ngoài cần phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm quy định về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển chọn lao động các huyện nghèo đi làm việc tại Ma-lai-xi-a theo Quyết định số 71 nói trên của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần tổ chức thông tin cho người lao động hiểu rõ tình hình ổn định của thị trường lao động Ma-lai-xi-a để người lao động yên tâm đăng ký đi làm việc ở nước này. Cùng với đó là phổ biến cho lao động trước khi ra nước ngoài làm việc hiểu rõ những quy định của pháp luật nước ta và nước sở tại; quyền và nghĩa vụ của người lao động để họ chấp hành tốt và thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký kết. Mặt khác, cần tổ chức dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho lao động trước khi xuất cảnh để có điều kiện giao tiếp với phía đối tác, phản ánh kịp thời những vướng mắc với các cơ quan chức năng của ta và của bạn để tìm cách giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Đề nghị các cơ quan chức năng trong nước phối hợp chặt chẽ các cơ quan hữu quan của Ma-lai-xi-a có biện pháp hữu hiệu, ngăn chặn kịp thời hoạt động của các tổ chức phản động người nước ngoài gốc Việt thâm nhập cộng đồng lao động để dụ dỗ, lôi kéo, nhằm chống phá chính sách xuất khẩu lao động, chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách bảo hộ công dân của Nhà nước ta như trường hợp vừa xảy ra với 69 lao động của Công ty ASMANA; làm phương hại quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Ma-lai-xi-a.
Ý kiến ()