Ghi chép của phóng viên Báo Nhân DânRời Xin-ga-po tươi đẹp và mến khách, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tiếp tục chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ma-lai-xi-a, một nước gần gũi trong khu vực Đông - Nam Á. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng các nước bạn bè thành viên ASEAN, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực, quyết tâm tạo lập mối quan hệ sâu sắc, tin cậy, toàn diện hơn vì lợi ích của hai nước và của cộng đồng ASEAN.Từ trên máy bay nhìn xuống, Ma-lai-xi-a xanh thẫm một mầu của những rừng cây cọ, cây cao-su bát ngát, thế mạnh nổi trội hàng đầu thế giới của đất nước này. Lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Nhà Quốc hội trong 21 loạt đại bác chào mừng với sự tham dự của Quốc vương Ma-lai-xi-a Toan-cu...
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân
Rời Xin-ga-po tươi đẹp và mến khách, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tiếp tục chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ma-lai-xi-a, một nước gần gũi trong khu vực Đông – Nam Á. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng các nước bạn bè thành viên ASEAN, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực, quyết tâm tạo lập mối quan hệ sâu sắc, tin cậy, toàn diện hơn vì lợi ích của hai nước và của cộng đồng ASEAN.
Từ trên máy bay nhìn xuống, Ma-lai-xi-a xanh thẫm một mầu của những rừng cây cọ, cây cao-su bát ngát, thế mạnh nổi trội hàng đầu thế giới của đất nước này. Lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Nhà Quốc hội trong 21 loạt đại bác chào mừng với sự tham dự của Quốc vương Ma-lai-xi-a Toan-cu Mi-dan Giai-na Bi-la Sa và Hoàng hậu, Thủ tướng Na-gíp Tun Áp-đun Ra-đắc và Phu nhân, những nghi lễ cao nhất của chuyến thăm cấp nhà nước. Ngay tối 28-9, khi Đoàn ta vừa tới, Quốc vương Ma-lai-xi-a và Hoàng hậu đã tổ chức Quốc yến trọng thể tại Hoàng cung, chiêu đãi Chủ tịch nước ta, Phu nhân và các thành viên trong Đoàn. Cùng dự chiêu đãi có Thủ tướng Na-gíp Tun Áp-đun Ra-dắc và nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ Ma-lai-xi-a. Tại đây, trong bài phát biểu của mình, Quốc vương Ma-lai-xi-a đã nhớ lại những ấn tượng sâu sắc về đất nước và nhân dân Việt Nam khi thăm nước ta năm 2009 và bày tỏ sự hài lòng về những bước phát triển quan trọng của quan hệ hai nước trong thời gian qua, không chỉ trong khuôn khổ chính trị mà còn được mở rộng trong các lĩnh vực hợp tác khác, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch. Quốc vương bày tỏ tin tưởng rằng, quan hệ hai nước Việt Nam – Ma-lai-xi-a, sau 38 năm thiết lập sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cả trên bình diện song phương cũng như khu vực, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Sau lễ đón, Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-gíp Tun Áp-đun Ra-dắc và Phu nhân đã đến chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân. Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, khẳng định sẽ phấn đấu đưa quan hệ song phương phát triển hơn nữa cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc Ma-lai-xi-a luôn duy trì là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt 5,5 tỷ USD và hiện có gần 390 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 19 tỷ USD. Hai bên nhất trí trên cơ sở quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp hiện nay, hai nước có nhiều cơ hội để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, lao động, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch…
Thúc đẩy hợp tác toàn diện quan hệ song phương là ưu tiên trong chuyến thăm này của Chủ tịch nước. Với Ma-lai-xi-a, hai nước sẽ sớm tổ chức kỳ hợp thứ 5 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật để rà soát và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực này, nhất là về thương mại và đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 10 tỷ USD trong thời gian tới. Về hợp tác an ninh, quốc phòng song phương, hai bên sẽ tích cực thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia và Thỏa thuận về thiết lập cơ chế tuần tra chung trên biển; tăng cường thông tin, liên lạc và thường xuyên tiếp xúc lãnh đạo cấp cao Hải quân hai nước.
Đến Cu-a-la Lăm-pơ, Thủ đô Ma-lai-xi-a, ai cũng muốn đến tham quan tòa Tháp đôi, công trình đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của Cu-a-la Lăm-pơ. Tòa Tháp đôi được thiết kế theo mô hình kiến trúc Hồi giáo truyền thống, theo đó tất cả các tầng trên đều có cửa sổ nhìn thông ra khoảng không gian rộng lớn của thành phố. Mỗi tòa tháp có 88 tầng, chiều cao là 451,9 m, được công nhận là tháp đôi cao nhất thế giới. Tháp đôi nằm ở Tây Bắc trung tâm thành phố Cu-a-la Lăm-pơ (KLCC), trên diện tích rộng 341.763 m2. Dự án xây dựng Tháp đôi chính thức được khởi công cùng ngày với dự án xây dựng KLCC năm 1992 và khánh thành năm 1998. Toàn bộ KLCC rộng 1,7 triệu m2. Trụ sở của Công ty Dầu khí quốc gia Ma-lai-xi-a (Petronas) đặt tại Tháp đôi. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới Tháp đôi thăm Petronas. Đoàn Việt Nam đã được bạn đưa lên tầng 42, nơi hai tòa tháp được nối với nhau bằng một cây cầu, để nhìn toàn cảnh Cu-a-la Lăm-pơ trong ánh nắng vàng rực rỡ. Thăm Petronas, Chủ tịch nước đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và thiết thực giữa Petro Việt Nam và Petronas trong 20 năm qua, đem lại lợi tích kinh tế to lớn cho mỗi nước. Chủ tịch nước cũng đề nghị hai tập đoàn tăng cường hợp tác trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác những mỏ dầu khí mới tại Việt Nam và Ma-lai-xi-a. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp nhận khoản tiền 50 nghìn USD của Petronas dành cho các các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Theo đánh giá mới đây, trữ lượng dầu khí của Mai-lai-xi-a ước tính là 3,6 tỷ thùng dầu và 86 nghìn tỷ feet khối khí tiêu chuẩn. Trung bình mỗi ngày, Petronas khai thác 630 nghìn thùng và 5 tỷ feet khối khí tiêu chuẩn… Như anh Nguyễn Xuân Phong, một cán bộ đại diện cho Petro Việt Nam ở đây, cho biết: “Bạn đi trước ta, nên có trình độ và kinh nghiệm hơn, vì thế ta có thể học hỏi được nhiều!”.
Ma-lai-xi-a là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ và cao-su hàng đầu thế giới. Các ngành kinh tế phát triển mạnh là chế tạo, xây dựng và dịch vụ. Sau khi giành được độc lập (31-8-1957), Mai-lai-xi-a cũng chỉ là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Đến những năm 70 của thế kỷ trước, đất nước này thực hiện chính sách hướng Tây, nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Mai-lai-xi-a chuyển sang chính sách hướng Đông, chủ yếu tăng cường quan hệ với Nhật Bản và một số nước NICs nhằm học tập và tranh thủ vốn, kinh nghiệm để hiện đại hóa đất nước. Những năm gần đây, trong khi vẫn tranh thủ vốn, kỹ thuật và đầu tư của các nước phương Tây và các nước NICs, Ma-lai-xi-a đã thực hiện chính sách hướng Nam, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển để mở rộng thị trường. Từ năm 1999 đến 2008, nước này đạt tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm. Năm 2009, Mai-lai-xi-a tăng trưởng âm do hậu quả nặng nề của khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu (-2%). Chỉ một năm sau, 2010, kinh tế Mai-lai-xi-a đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, đạt tăng trưởng 7,2% nhờ thành công của Chính phủ trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế khi nhanh chóng chuyển hướng thị trường xuất khẩu từ các nước truyền thống như EU, Bắc Mỹ sang các thị trường khác ở châu Á, Trung Đông và đưa ra hai gói kích cầu trị giá khoảng 18 tỷ USD. Hiện nay, với GDP hằng năm khoảng 250 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người/năm là 9.000 USD (số liệu của IMF), thông qua việc áp dụng mô hình kinh tế mới ở tầm vĩ mô (từ tháng 4-2010), Ma-lai-xi-a phấn đấu đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2020, thu nhập bình quân đầu người/năm là 15 nghìn USD… Để thực hiện, Mai-lai-xi-a đang tập trung phát triển khoa học – công nghệ, áp dụng công nghệ cao để tạo ra hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh cao; tập trung vào giáo dục và đào tạo để bảo đảm có nguồn nhân lực chất lượng cao…
Trong thời gian ở Ma-lai-xi-a, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành thời gian tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Ma-lai-xi-a, trên tinh thần tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư với Việt Nam. Đó là các tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư và đang chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam như: Tập đoàn nhiệt điện JAK Resouces Berhd, Tập đoàn Ngân hàng CIMB, Tập đoàn sản xuất ô-tô Proton, Tập đoàn bán lẻ Parkson, Tập đoàn đa ngành Hicom và Berjaya. Trong dịp này, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ma-lai-xi-a đã được tổ chức trọng thể tại khách sạn Royal Chulan, một khách sạn to đẹp, mầu nâu nhạt, mang đậm dấu ấn kiến trúc dân tộc Mã Lai, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn của hai nước. Tham dự Diễn đàn này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp trả lời tất cả các câu hỏi của doanh nghiệp bạn chung quanh vấn đề chính sách và môi trường đầu tư ở Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, chủ trương của Việt Nam là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, cái gì còn vướng mắc thì cùng nhau trao đổi, nếu bất hợp lý thì sửa… Những câu trả lời rõ ràng, hợp tình hợp lý và cao hơn cả là sự chân thành của người đứng đầu Nhà nước ta khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ma-lai-xi-a thêm phấn chấn, trong tiếng vỗ tay vang hội trường.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bạn có nhã ý mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm Thủ đô hành chính Putrajaya, ý tưởng về một Trung tâm Hành chính của Chính phủ Liên bang mới thay thế cho Cu-a-la Lăm-pơ nổi lên từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nay đã thành hiện thực. Việc này để nhằm tiếp tục phát triển Cu-a-la Lăm-pơ theo hướng là Trung tâm thương mại và tài chính. Tổng diện tích Trung tâm Hành chính rộng 4.932 ha, có 38% được dành cho công viên, hồ nước, phần còn lại để xây dựng các văn phòng cơ quan chính phủ, các khu thương mại, nhà ở, công trình công cộng. Điểm nhấn ở đây là hồ Putrajaya rộng 650 ha, một hồ nước nhân tạo điều hòa khí hậu cho thành phố. Đến đây sẽ thấy những loại đèn đường có một không hai, được thiết kế cùng với những loài thực vật, cây cảnh, hoa leo bám trông thật bắt mắt, hài hòa với thiên nhiên. Đây chỉ là thí dụ nhỏ về sự cụ thể đến từng chi tiết trong tổng thể tuyệt đẹp của Putrajaya này…
Trước khi rời Ma-lai-xi-a, Chủ tịch nước đã gặp gỡ Cựu Thủ tướng Ma-lai-xi-a Ma-ha-thiaMô-ha-mét, vừa từ nước ngoài trở về để kịp có cuộc gặp thân mật và cảm động này. Cựu Thủ tướng Ma-ha-thia Mô-ha-mét là nhà lãnh đạo có uy tín cao ở đất nước này, được đánh giá là người đã đưa đất nước Ma-lai-xi-a phát triển từ nền kinh tế hàng hóa trở thành “một con hổ công nghiệp” của khu vực bằng chính sách phát triển tự lập. Các cuộc tiếp xúc cấp cao trong chuyến đi này đều diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành, hợp tác tin cậy, thể hiện sự đồng thuận và nhất trí cao về thúc đẩy hợp tác song phương, cũng như trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Để có được các mối quan hệ tốt đẹp như ngày hôm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đấy là nhờ công lao to lớn của các vị lãnh đạo tiền bối của hai nước đã dày công vun đắp…
Theo Nhandan
Ý kiến ()