"Ma lai", "thuốc thư" hại người
"Ma lai", "thuốc thư" là những hình thức mê tín đã tồn tại khá lâu trong vùng đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên. Sau ngày giải phóng, cùng với sự chăm lo của chính quyền các cấp, điều kiện kinh tế được cải thiện giúp thay đổi nhận thức của đồng bào, những hủ tục lạc hậu này gần như không còn nữa. Tuy nhiên gần đây, ở Gia Lai, nhiều vụ án mạng xảy ra có liên quan đến hủ tục lạc hậu này, phần nào ảnh hưởng cuộc sống bà con.
Ðã hơn một tháng trôi qua nhưng gia đình anh Yah, chị Anay, trú tại làng Ktu, xã Chư Á, TP Plây Cu (Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng khi tai họa bất ngờ ập đến với gia đình mình. Yin (17 tuổi), con trai út của anh chị gặp một nhóm người trong làng một lần lên nương. Yin chào hỏi nhưng không thấy ai trả lời, Yin nói: “Mọi người nghĩ tôi có “thuốc thư” hay sao mà không trả lời”. Không ngờ, những người này đã vu cho Yin có “thuốc thư”. Chuyện Yin có “thuốc thư” nhanh chóng lan ra khắp làng và họ liên tưởng đến cái chết của Hmơ (sinh năm 1995), người cùng làng. Trước đó không lâu, Hmơ bị bệnh nặng, Yin đến thăm và động viên bạn, chẳng ngờ ít hôm sau thì Hmơ chết, người dân trong làng cho rằng Yin đã bỏ “thuốc thư”. Mù quáng tin vào lời đồn thổi, Mưng (24 tuổi) là anh họ của Hmơ, cùng một nhóm thanh niên trong làng đã kéo đến nhà Yin, dùng gậy đánh vào đầu khiến Yin bị thương nặng.
Một ngày cuối tháng 7-2013, làng Hố Bi (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai) tổ chức đám tang cho thầy giáo Rah Lan Phong vừa mất vì bệnh. Trong đám tang, vì quý nhau nên ông Kpă Wur (55 tuổi) trú ở thôn Kênh Siêu có bốc thịt đút cho người cùng thôn là Kpă De (32 tuổi) ăn. Sau khi chôn cất thầy Phong xong, mọi người ai về nhà nấy, tiếp tục công việc lao động sản xuất như thường ngày. Khoảng một tháng sau, Kpă De bỗng dưng bị đau bụng dữ dội. Nhớ lại chuyện ông Kpă Wur có đút thức ăn cho mình, Kpă De cho rằng ông này đã bỏ thuốc thư hại mình. Kpă De kéo cả gia đình sang nhà ông Kpă Wur đe dọa và đòi bồi thường nếu không sẽ làm lớn chuyện.
Ðược tin báo, chính quyền xã Chư Pơng lập tức xuống thôn Kênh Siêu vận động Kpă De điều trị tại bệnh viện. Ban đầu, Kpă De nhất định không chịu đi viện. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì thuyết phục, cuối cùng Kpă De cũng đi khám bệnh. Tại bệnh viện, Kpă De được chẩn đoán là bị viêm tá tràng và được uống thuốc. Bí thư chi bộ thôn Kênh Siêu Ðặng Xuân Tâm cho biết: Xã Chư Pơng đông đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống vẫn còn rất lạc hậu. Ðiều đáng mừng là các cấp chính quyền kịp thời nắm bắt thông tin, cho nên đã ngăn chặn được nhiều sự việc đáng tiếc.
Những hủ tục mê tín, lạc hậu bị một số đối tượng xấu lợi dụng để lừa bịp bà con. Ðó là những “thầy mo” có khả năng trừ yêu ma và lấy ra những vật (như mảnh chai, viên sỏi…) mà người bệnh bị kẻ ác dùng “thuốc thư” bỏ vào người để gây đau đớn. Chính quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng có phương án đấu tranh, vạch mặt các trò lừa đảo để bà con thấy.
Gần đây, được tin báo của quần chúng, Công an huyện Mang Yang đã bắt quả tang ông Wung, một thầy mo ở làng Ðắc Trôi khi đang hành nghề mê tín, lừa đảo người dân. Trước sự có mặt của chính quyền, đông đảo dân làng và những bằng chứng do công an đưa ra, thầy mo cúi đầu nhận tội và diễn lại trò lừa bịp của mình cho dân làng xem… Thì ra, thầy mo đã chuẩn bị sẵn các thứ như: sỏi, xương cá, miếng cao-su nhỏ… giấu trong kẽ các ngón chân, sau đó tay vừa xoa chỗ đau người bệnh, miệng lâm râm khấn vái. Khi thấy người bệnh không để ý, thầy lấy các vật đã chuẩn bị sẵn đặt vào vị trí đau của người bệnh, sau đó đặt một ống nứa vào hút ra các “vật thể lạ” bảo rằng do một người nào đó ở cùng làng hoặc có người thù ghét là “ma lai” bỏ “thuốc thư”(!) Sau khi bị lật tẩy trò lừa bịp trên, Wung đã công khai xin lỗi dân làng hứa sẽ không lừa bịp bà con nữa.
Thường những vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng, được làng đưa ra phân xử bằng nhiều hình thức như: Thi lặn nước, Già làng đứng ra phân giải bằng cách cho hai người thi lặn nước, nếu ai chịu không được, nổi lên trước là người có tội, phải thua và ngược lại; đổ chì (hai người xòe tay ra, già làng dùng một chiếc lá lót, sau đó nấu chảy chì và đổ lên, nếu tay người nào bị chì rơi xuống, đốt tay thì người đó có tội). Cách phân xử kiểu hủ tục trên rất phản khoa học, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân, cần phải trừ bỏ, bởi nó để lại hậu quả là những cái chết oan uổng. Bởi theo phong tục người có tội sẽ bị làng phạt rất nặng, có khi tán gia bại sản, bị đuổi khỏi làng và còn mang tiếng xấu với dòng họ, dân làng.
Với các vụ án đau lòng đã xảy ra, chính quyền, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng điều tra, xác minh và kiên quyết xử lý theo pháp luật, nhất là những tên cầm đầu, cố tình lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, kích động họ vi phạm pháp luật. Các vụ án mạng thương tâm vừa qua đã cảnh báo một thực tế là hiện nay trong cộng đồng dân cư của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn đang tồn tại các hủ tục lạc hậu. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền, đoàn thể các cấp ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung phải có những biện pháp cấp bách, tích cực; nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhằm kiên quyết đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống đồng bào.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()