Lý giải vì sao điểm chuẩn thi đại học khối C năm 2022 tăng chóng mặt
Theo các chuyên gia giáo dục, điều này do điểm môn Lịch sử đã “biến hình” thành công trong Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua với mức điểm cao chưa từng có.
Điểm chuẩn đại học khối C ở hầu hết tất cả các trường đại học đều cao ở mức kỷ lục, từ trường tốp dưới cho đến trường tốp đầu, ở gần như tất cả các ngành. Theo các chuyên gia giáo dục, điều này do điểm môn Lịch sử đã “biến hình” thành công trong Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua với mức điểm cao chưa từng có kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách tổ chức thi.
Chuẩn cao chạm trần, tăng trên 7 điểm
Điểm chuẩn khối C ở các trường tốp trên, những ngành “hot” đã tăng khá cao trong những năm gần đây và năm nay tiếp tục lập kỷ lục mới.
Điểm chuẩn khối C của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi có hàng loạt ngành cao ngất ngưởng. Trong số 27 ngành có xét tuyển khối C, có tới 9 ngành, chiếm 30%, có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên, tương ứng với hơn 9,6 điểm mỗi môn (nếu không có điểm cộng ưu tiên). Số ngành có điểm từ 27 trở lên là 20 ngành. Mức điểm tăng khoảng 1 điểm so với năm 2021 (trừ ngành Hàn Quốc học).
Đặc biệt, một số ngành có mức điểm chuẩn rất cao như ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học với cùng mức điểm chuẩn 29,95 điểm, ngành Báo chí với 29,9 điểm. Đây là mức điểm cao chạm trần khi điểm tối đa của các bài thi chỉ ở mức 30 điểm, trong khi môn Ngữ văn là môn tự luận, vốn khó để đạt điểm 10 hơn các môn trắc nghiệm. Theo đó, cơ hội để đỗ vào các ngành học này rất khó khăn nếu thí sinh không có điểm ưu tiên.
Tại Đại học Luật Hà Nội, điểm trúng tuyển theo tổ hợp khối C cũng rất cao, tăng từ nửa điểm đến gần 2 điểm so với năm 2021. Cụ thể, điểm chuẩn khối C ngành Luật Kinh tế là 29,5 điểm, ngành Luật là 28,75 điểm, ngành Luật (phân hiệu Đắk Lắk) là 24,5 điểm.
So với các tổ hợp khác trong cùng ngành tuyển sinh, tổ hợp khối C luôn có điểm chuẩn cao nhất, chênh từ 2 đến 5 điểm so với các ngành khác. Tại Đại học Luật Hà Nội, điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế khối tổ hợp A01 là 26,55 điểm, tổ hợp A00 là 26,35 điểm, thấp hơn khoảng 3 điểm so với so với mức 29,5 điểm của khối C. Ngành Luật (phân hiệu Đắk Lắk) có điểm chuẩn khối A01 và A00 đều chỉ 19 điểm nhưng khối C là 24,5 điểm, cao hơn 5,5 điểm.
Với những trường tốp trung và những ngành học ít thu hút học sinh hơn, mức tăng điểm chuẩn khối C năm nay càng rõ rệt.
Tại Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số-Tổ chức và quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số năm 2021 có điểm chuẩn khối C chỉ 16 điểm thì năm nay đã lên 23,45 điểm, tăng tới 7,45 điểm. Tương tự, ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số-Tổ chức và quản lý du lịch vùng dân tộc thiểu số cũng tăng từ 6,5 điểm, từ 17 điểm (năm 2021) lên 23,5 điểm; ngành Bảo tàng học tăng 5,75 điểm, từ 17 điểm (năm 2021) lên 22,75 điểm; ngành Thông tin thư viện tăng 4 điểm, từ 20 điểm (năm 2021) lên 24 điểm…
Kéo điểm nhờ môn Lịch sử
Việc điểm chuẩn khối C sẽ tăng là điều đã được các chuyên gia giáo dục dự báo ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, so với mọi năm, điểm môn Lịch sử năm nay có bước nhảy vọt so với các năm trước. Điều này kéo theo điểm tổ hợp khối C tăng.
Kết quả môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 gây bất ngờ cho nhiều người khi lần đầu tiên phổ điểm môn này lệch trái, tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ ở mức dưới 20%, thậm chí nhận “mưa” điểm 10 sau nhiều năm liên tiếp là môn có điểm thi vô cùng thấp, xếp “đội sổ” trong số tất cả các môn thi tốt nghiệp, đa số thí sinh có điểm dưới trung bình và phổ điểm luôn luôn lệch phải.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử năm nay đạt điểm bình quân là 6,34 điểm. Mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình là 19,34%. Đặc biệt, số lượng thí sinh đạt từ điểm 9 trở lên cao kỷ lục. Cả nước có 1.779 bài thi đạt điểm 10 trong khi năm 2021 chỉ có 266 bài thi đạt điểm tuyệt đối. Số bài đạt điểm 9,75 là gần 3.800 bài thi, năm 2021 chưa đến 1.000 bài thi đạt điểm số này. Số bài thi đạt điểm 9,5 là gần 5.600 bài (năm 2021 là 2.025 bài). Có hơn 8.300 bài thi đạt điểm 9,25 (nhiều hơn năm ngoái gần 5.000 bài) và trên 11.700 bài thi điểm 9 (nhiều hơn năm 2021 gần 7.000 bài).
So với năm 2021, số bài thi điểm 10 môn Lịch sử năm nay tăng gần 7 lần, số bài thi điểm 9,75 tăng 4 lần, số bài thi điểm 9,5 tăng gấp 2,7 lần, số bài thi điểm 9,25 tăng 2,4 lần và số bài thi đạt điểm 9 tăng gấp 2,3 lần.
Sự chuyển dịch của điểm số môn Lịch sử được thể hiện rõ trên bản đồ phổ điểm khi đặt tương quan so sánh giữa hai năm 2022 và 2021.
Trong khi đó, ở hai môn còn lại của khối C00 là môn Địa lý và Ngữ văn, phổ điểm cơ bản tương năm 2021. Ở môn Ngữ văn, số bài thi đạt từ điểm 9,25 trở lên năm nay tăng gấp đôi so với năm 2021, số bài thi đạt điểm 9 tăng 30%. Tuy nhiên, ở môn Địa lý, số lượng bài thi điểm cao lại giảm gần tương đương.
Điểm chuẩn tuy cao chót vót nhưng theo các chuyên gia giáo dục, điều này không tương ứng với việc chất lượng thí sinh đi lên khi đề thi môn Lịch sử năm nay được coi là “dễ thở” hơn rất nhiều so với mọi năm./.
Ý kiến ()