Lý do Pháp và đồng minh rút quân khỏi Mali
Sau 9 năm đưa quân tham chiến tại Mali, Pháp và đồng minh đã tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi quốc gia này. Có nhiều lý do khiến Paris dứt áo ra đi, trong đó phải kể tới mối quan hệ đổ vỡ giữa Pháp và chính quyền quân sự tại Bamako.
Trong cuộc họp báo tại Điện Élysée mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, quyết định rút quân được đưa ra khi Pháp và lực lượng đồng minh gặp nhiều trở ngại trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mali. Các trở ngại từ chính quyền quân sự ở Mali khiến các lực lượng nước ngoài không có đủ điều kiện về chính trị, pháp lý và tác chiến để hoạt động.
Pháp lần đầu triển khai quân đội tới Mali vào năm 2013 để đẩy lùi các chiến binh thánh chiến đang tiến công ở miền Bắc quốc gia châu Phi này. Trong suốt 9 năm, 48 binh sĩ Pháp đã hy sinh tại Mali nhưng mục tiêu đẩy lui hoàn toàn lực lượng nổi dậy Hồi giáo cực đoan vẫn chưa đạt được.
Quân đội Pháp hoạt động ở Đông Bắc Mali. Ảnh: The New York Times |
Trong khi đó, mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa Pháp và Mali lại dậy sóng sau khi chính quyền quân sự ở Bamako không tổ chức được các cuộc bầu cử sau hai cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào tháng 8-2020 và tháng 5-2021.
Phía Pháp cho rằng, việc chính quyền quân sự ở Mali kéo dài quá trình chuyển tiếp khiến tình hình ở nước này trở nên “mất kiểm soát”. Tháng trước, Pháp đã thông báo triệu hồi đại sứ tại Mali, sau khi chính quyền quân sự Mali yêu cầu Đại sứ Pháp rời khỏi quốc gia Tây Phi này trong vòng 72 giờ do những phát biểu của giới chức Pháp liên quan đến chính phủ chuyển tiếp tại Mali.
Ngoài căn nguyên gốc rễ là vấn đề khôi phục chính quyền dân sự ở quốc gia Tây Phi, sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Mali và Pháp cũng bắt đầu từ những nghi kỵ xung quanh chiến dịch Barkhane-chiến dịch chống thánh chiến của Pháp tại Sahel.
Theo phân tích của ông Richard Moncrieff, Giám đốc phụ trách khu vực Sahel của tổ chức International Crisis Group trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo L’Express, sự nghi kỵ đối với chiến dịch Barkhane khiến nhiều người cho rằng Pháp đang lợi dụng bất ổn ở Mali để kéo dài sự hiện diện với mong muốn tăng cường vị thế và ảnh hưởng ở khu vực châu Phi.
Làn sóng phản đối sự hiện diện của quân đội Pháp càng gia tăng mạnh tại Mali sau khi quốc gia này hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), vốn được cho là có sự ủng hộ của Pháp.
Còn nhớ vào tháng 2 vừa qua, chính quyền Mali đã thẳng thừng cáo buộc Pháp cố tình chia rẽ đất nước Tây Phi thông qua hoạt động quân sự, qua đó cho phép các phần tử khủng bố có thời gian tập hợp lại lực lượng, tiếp tục thực hiện tấn công nhằm vào Mali. Mới đây, chính quyền quân sự Mali cũng yêu cầu Pháp “không trì hoãn” việc rút quân, đồng thời đặt câu hỏi về kế hoạch rút quân của Paris trong thời gian vài tháng.
Những cáo buộc của Mali khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng phải chăng Pháp đã mất nhiều hơn được khi triển khai hàng nghìn quân tới hỗ trợ cựu thuộc địa đối phó với tình trạng nổi loạn thánh chiến tàn bạo trong suốt 9 năm qua.
Và rằng có phải Pháp đã thấy khó mà lui khi những mục tiêu ban đầu tưởng chừng trong tầm tay, gồm xây dựng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh ở khu vực và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng khủng bố tại quốc gia Tây Phi, đều vẫn chưa được hoàn thành.
Nếu nhìn vào câu trả lời của Tổng thống Pháp thì có thể thấy phần nào quan điểm của Pháp về những vấn đề này. Ông Macron từng khẳng định: “Vai trò của quân đội Pháp không phải là lấp đầy khoảng trống cho “tình trạng bất động”, nếu tôi có thể mô tả, của đất nước Mali. Chúng tôi không thể yêu cầu những người lính của chúng tôi làm thay công việc của đất nước các ngài”.
Ông cũng bác bỏ suy luận cho rằng việc triển khai lực lượng kéo dài gần một thập niên của Paris đã kết thúc trong thất bại. Đối với Pháp, việc triển khai lực lượng kéo dài gần một thập niên tới Mali kết thúc vì: “Chúng tôi không thể tiếp tục can dự quân sự cùng với chính quyền trên thực tế vốn không cùng chiến lược và mục tiêu ngầm với mình”.
Kết thúc tại Mali nhưng không có nghĩa là chiến dịch chống khủng bố tại khu vực châu Phi của Pháp cũng sẽ dừng lại. Theo Tổng thống Macron, dù rút quân khỏi Mali nhưng Pháp vẫn sẽ giữ cam kết bảo đảm an ninh cho khu vực Sahel.
Pháp và các nước đồng minh dự kiến sẽ điều chuyển quân đội từ Mali sang hỗ trợ cho các quốc gia ở khu vực vịnh Guinea và Tây Phi để ngăn ngừa các nguy cơ khủng bố. Kế hoạch điều chỉnh quân sự sẽ được công bố trước tháng 6-2022.
Ý kiến ()