Lý do chính quyền Tổng thống Joe Biden không mặn mà với Hiệp ước Bầu trời mở
Sau gần 3 tháng điều hành Nhà Trắng, ông Joe Biden đã không ít lần đảo ngược những chính sách được cho là lỗi thời của người tiền nhiệm. Thế nhưng, cho đến nay, chính quyền mới vẫn chưa có động thái nào để đưa Mỹ quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở. Lý do khiến ông Biden không mặn mà với hiệp ước này được trang Defense News tiết lộ trong một bài viết mới đây.
Theo những thông tin mà Defense News có được, chính quyền Tổng thống Joe Biden từng gửi tới các “đối tác quốc tế” bản ghi nhớ, trong đó thẳng thắn bày tỏ lo ngại việc Mỹ nhất trí tái tham gia một hiệp ước mà Nga tiếp tục vi phạm sẽ gửi thông điệp sai lầm đến Nga và làm suy yếu quan điểm của Mỹ trong chương trình nghị sự kiểm soát vũ khí. Bản ghi nhớ cũng đề cập mặc dù Washington nhận ra các vi phạm Hiệp ước Bầu trời mở của Moscow không cùng mức độ với việc vi phạm nghiêm trọng trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng nó cũng phản ánh việc Nga coi thường các cam kết quốc tế về kiểm soát vũ khí. Hơn thế nữa, điều đó đặt ra nghi vấn về mức độ sẵn sàng của Nga tham gia hợp tác xây dựng lòng tin.
Máy bay OC-135B từng được Mỹ sử dụng theo Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: Defense News |
INF và Hiệp ước Bầu trời mở là hai thỏa thuận mà Mỹ ký kết cùng Nga nhằm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia, đặc biệt tại vùng Đông Âu. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã lần lượt rút Mỹ ra khỏi hai hiệp ước này vào năm 2019 và 2020. Với tư cách là tổng thống đắc cử, ông Joe Biden từng lên án quyết định của ông Donald Trump về việc rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, đồng thời cảnh báo động thái này sẽ “làm trầm trọng thêm căng thẳng đang gia tăng giữa phương Tây và Nga, làm tăng rủi ro tính toán sai lầm và xung đột”.
Hiệp ước Bầu trời mở được các quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ký kết năm 1992 và có hiệu lực vào ngày 1-1-2002. Theo hiệp ước này, các bên tham gia được phép thực hiện các chuyến bay bằng thiết bị bay giám sát không mang theo vũ khí trên không phận của nhau, để thu thập dữ liệu về lực lượng và hoạt động quân sự. Trên thực tế, trong nhiều thập niên qua, Hiệp ước Bầu trời mở là một trong những cơ chế quan trọng duy trì nền tảng an ninh châu Âu. Các điều khoản của hiệp ước cho thấy, nó không phải là một công cụ kiểm soát vũ khí theo lối truyền thống thông qua việc tạo ra khuôn khổ nhằm cắt giảm các kho vũ khí hay hạn chế năng lực quân sự, mà là để thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch hơn trong các hoạt động quân sự của các thành viên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có và các thỏa thuận trong tương lai.
Sau khi INF chính thức vô hiệu lực, việc Mỹ và Nga cùng rời Hiệp ước Bầu trời mở là cú đòn tiếp theo giáng vào cơ chế kiềm chế xung đột quân sự, tránh chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quyết định gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) thêm 5 năm của ông khiến Nga và châu Âu hy vọng Washington sẽ quay trở lại các hiệp ước mà ông Donald Trump đã rút khỏi, qua đó giữ lại những “mỏ neo” trong hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, góp phần giải trừ vũ khí, bảo đảm hòa bình và an ninh thế giới. Thế nhưng, cho đến nay, sau gần 3 tháng lên nắm quyền, chính quyền của ông Joe Biden vẫn chưa hề có động thái đưa Mỹ quay trở lại hiệp ước này.
Các chuyên gia cho rằng, việc không mặn mà với Hiệp ước Bầu trời mở phần nào thể hiện quan điểm cứng rắn của chính quyền mới trong các chính sách an ninh đối ngoại áp dụng với các đối thủ trên một số khu vực trọng điểm như Trung Đông, châu Á và châu Âu. Có thể thấy rõ quan điểm này trong những tuyên bố và động thái cứng rắn mà chính quyền Tổng thống Joe Biden thực hiện với cả Nga và Trung Quốc thời gian vừa qua.
Đây cũng là lý do một số chuyên gia đã thẳng thắn nhận định việc Mỹ quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở cực kỳ khó xảy ra. Hoặc giả dụ có xảy ra, chính quyền mới cũng sẽ bắt đầu toàn bộ quá trình đàm phán từ đầu, với điều kiện tiên quyết là Nga chịu nhượng bộ những đòi hỏi của phía Washington và cùng quay trở lại hiệp ước này. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, thực tiễn cho thấy Mỹ ít có xu hướng quay trở lại những hiệp ước kiểm soát vũ khí mà nước này đã rút khỏi.
Ý kiến ()