Luyện quân ở Lữ đoàn tăng - thiết giáp 405
Có mặt trên thao trường Lữ đoàn tăng - thiết giáp 405 (Quân khu 3), tôi rất ấn tượng trước sự điều khiển điêu luyện của các chiến sĩ, những chiếc xe tăng đồng loạt cơ động vượt qua địa hình phức tạp thực hiện các bài bắn, lái, chiến thuật, khẳng định uy lực dũng mãnh, sẵn sàng làm chủ chiến trường trong mọi tình huống.
Ðể những chiếc xe tăng, thiết giáp có đủ “sức bền” phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCÐ), những người lính thợ đơn vị đã thường xuyên chăm sóc, bảo quản, bảo dưỡng xe cả trước, trong và sau huấn luyện. Trung tá Lê Huy Cường, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn cho biết: Phòng Kỹ thuật đã chủ động tham mưu cho Ðảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục kịp thời những hư hỏng phát sinh, bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện luôn trong tình trạng tốt, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCÐ, xây dựng đơn vị. Các sự cố hỏng hóc của từng xe sau khi sửa chữa đều được ghi vào nhật ký, làm cẩm nang để đội ngũ thợ kỹ thuật của đơn vị tiện theo dõi, sửa chữa, bảo dưỡng. Ðiểm nổi bật là, chất lượng đồng bộ của các xe đồng đều, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; động cơ làm việc ổn định; vũ khí quang học được củng cố tăng khả năng nhìn đêm; hệ thống chân vịt, hộp số được kiểm tra, bổ sung, củng cố tăng khả năng thực hành lái bơi, qua sử dụng chất lượng bảo đảm tốt.
Gặp kíp xe tăng PT-76, số hiệu 724, do Trung úy chuyên nghiệp Lê Minh Kha làm trưởng xe, chúng tôi không khỏi thắc mắc vì sao kíp xe chỉ có ba anh em mà không phải là năm anh em như trong lời bài hát truyền thống của bộ đội tăng. Trung úy Kha nói: “Với tăng T34, kíp xe gồm có năm anh em: trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn, lái xe và lái phụ. Còn với xe tăng PT-76, kíp xe chỉ có ba anh em; số thành viên ít thì trách nhiệm của anh em sẽ nặng nề hơn, do đó trưởng xe phải kiêm luôn cả nhiệm vụ của pháo thủ”. Trung tá chuyên nghiệp Trần Ngọc Sơn đã 25 năm đảm nhiệm lái xe, chia sẻ: “Trăm hay không bằng tay quen”, vì vậy chúng tôi phải tranh thủ mọi thời gian luyện tập để cọ xát thực tế, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Anh Sơn chỉ tay về phía thao trường nói tiếp: Ðơn vị đang luyện tập bài 5-1. Với bài này, kíp xe phải vượt qua nhiều loại vật cản như: bãi đánh phá, cầu vệt bằng, xuống dốc tránh cọc giữa, hào chống tăng, bãi mìn… khó nhất là điều khiển xe vượt qua bãi đánh phá, vì bãi vật cản bố trí hình chữ chi, trong khi xe được yêu cầu phải vượt qua bãi đánh phá với tốc độ cao nhất. Nếu rơi xuống hố, kíp xe sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”.
Có mặt trên thao trường chỉ đạo bộ đội huấn luyện, Trung tá Nguyễn Hữu Cảnh, Phó Lữ đoàn trưởng – Tham mưu trưởng, cho biết: Công tác bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ huấn luyện của đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, do thao trường, bãi tập ở xa đơn vị, lại bị thu gọn. Song, với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, những năm qua, Ðảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn luôn bám sát các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, tổ chức huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu theo nhiệm vụ, sát đối tượng, địa bàn tác chiến để bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí trong biên chế và làm chủ vũ khí mới. Chú trọng nâng cao khả năng xử trí tình huống và sự cố cho anh em trên cùng kíp xe; huấn luyện các thành viên trong kíp xe giỏi nhiệm vụ của mình, sẵn sàng thay thế đồng đội trong những tình huống cần thiết. Cùng với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đơn vị chú trọng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã có năm sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong huấn luyện, mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu là sáng kiến bộ giá bia ẩn hiện của Thiếu tá Nguyễn Tiến Thành, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1; sáng kiến mô hình bia vận động của Trung úy chuyên nghiệp Phạm Ðình Hưng, Ðại đội 16, Tiểu đoàn 3…
Tin rằng, sức trẻ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn hôm nay sẽ viết tiếp truyền thống “Ðoàn kết, tự lực tự cường, lập công tập thể”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()