Thứ 3, 26/11/2024 13:54 [(GMT +7)]
Lưu ý trước ngày thi ĐH, CĐ
Thứ 6, 01/07/2011 | 10:50:00 [(GMT +7)] A A
Nếu trước ngày làm thủ tục mà vẫn không nhận được giấy báo thi thì thí sinh cần chủ động liên hệ trực tiếp với phòng đào tạo của trường ĐH, CĐ đã đăng ký dự thi để biết số báo danh, địa điểm thi, phòng thi… của mình.
Thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2011
tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TPHCM
Gần 2 triệu lượt thí sinh (TS) trên cả nước chuẩn bị bước vào đợt thi đầu tiên, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011. Theo lịch trình, TS sẽ làm thủ tục dự thi đợt 1 vào ngày 3-7. Ông Đỗ Thanh Duy, chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, cho biết ngày làm thủ tục dự thi rất quan trọng nên nhất thiết TS phải có mặt để kịp thời sửa chữa các sai sót trên giấy báo thi.
Không gây khó dễ
Khi đi làm thủ tục, TS phải mang theo giấy báo dự thi, bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương (đối với TS tốt nghiệp từ năm 2010 về trước) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc tương đương (đối với TS tốt nghiệp năm 2011), chứng minh thư, giấy chứng nhận sơ tuyển (nếu thi vào các ngành có yêu cầu sơ tuyển). Nếu trước ngày làm thủ tục mà vẫn không nhận được giấy báo thi thì TS cần chủ động liên hệ trực tiếp với phòng đào tạo của trường ĐH, CĐ đã đăng ký dự thi để biết số báo danh, địa điểm thi, phòng thi… của mình.
Theo ông Duy, nếu trong giấy báo thi có sai sót thì TS phải yêu cầu cán bộ của trường điều chỉnh, ghi xác nhận và ký tên vào phiếu đăng ký dự thi số 2. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã có công điện yêu cầu chủ tịch hội đồng tuyển sinh các trường GD-ĐT kịp thời điều chỉnh, bổ sung những sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi của TS trong ngày làm thủ tục của các đợt thi, tuyệt đối không được gây khó dễ cho TS.
Lập các ban thanh tra tuyển sinh
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu hội đồng tuyển sinh các trường bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh.
Bộ trưởng cũng lưu ý các trường không được để xảy ra sai sót trong nghiệp vụ; không để nhầm lẫn, thất lạc, mất bài thi, tờ giấy thi của TS, đồng thời cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi tung tin thất thiệt, dùng công nghệ cao đưa đề thi từ trong phòng thi ra ngoài và bài giải từ ngoài vào trong phòng thi. Ngoài ra, các trường phải thành lập ban thanh tra tuyển sinh để giúp việc cho hội đồng tuyển sinh, chịu trách nhiệm về công tác thanh tra tuyển sinh của trường.
Đề sẽ ra trong chương trình THPT
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thì đề thi ĐH, CĐ năm nay sẽ phân loại được trình độ học lực của TS và không ra vào phần đã được giảm tải, phần đọc thêm. Đề thi chủ yếu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lưu ý khi vào phòng thi, TS chỉ được mang bút viết, bút chì, compa, gôm, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản. Những kỳ thi trước, rất nhiều TS bị đình chỉ “oan” vì mang điện thoại di động đã tắt vào phòng thi. Vì thế, Bộ GD-ĐT tiếp tục nhắc nhở TS tuyệt đối không được mang điện thoại di động, dù mở hay tắt, vào phòng thi. Các vật dụng cũng bị cấm mang vào phòng thi là: giấy than, bút xóa, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác.
Không làm được bài vẫn nộp giấy thi
Trước khi làm bài, TS phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi và nhất thiết phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi. Bài làm phải viết rõ ràng, sạch sẽ, không nhàu nát, không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Nghiêm cấm TS làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng compa được dùng bút chì). Các phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa.
Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, lưu ý thêm là khi đã vào phòng thi, nếu cần hỏi cán bộ coi thi điều gì, TS phải hỏi công khai. Khi hết giờ thi phải ngừng làm bài và nộp bài cho cán bộ coi thi. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, dù không làm được bài TS cũng phải nộp giấy thi. TS chỉ được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài và sau khi đã nộp bài làm, đề thi cho cán bộ coi thi.
Dễ dàng tra cứu thông tin
Để giảm thiểu khó khăn cho TS, nhiều trường đã đưa lên trang web các thông tin chi tiết về phòng thi, điểm thi.
Trường ĐH Điện lực đã đưa danh sách TS và phòng thi lên trang web của trường. Trường ĐH Mỏ – Địa chất ngoài đưa danh sách địa chỉ cụ thể của 19 điểm thi cùng số báo danh của TS trên website còn cung cấp bản đồ hướng dẫn tới tất cả 16 điểm thi tại Hà Nội với 383 phòng thi. TS thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay có thể tra cứu theo họ tên, ngày sinh hoặc số báo danh, có thể tìm phòng thi và xem sơ đồ nhà trường theo địa chỉ www.hnue.edu.vn/Tienich/Bandotruong.aspx hoặc xem bản đồ giao thông đến trường tại địa chỉ
Viện Mở Hà Nội cũng đưa bản đồ 19 điểm thi tại Hà Nội lên trang web. Trên website của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có dành chỗ để TS tra số báo danh, nơi thi và cung cấp bản đồ các điểm thi. Học viện Bưu chính Viễn thông thì có dịch vụ tra cứu qua điện thoại 8×81; qua tổng đài này, TS có thể tra số báo danh, phòng thi, địa điểm, lịch thi, điểm trúng tuyển…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()